Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Cây xóa đói, giảm nghèo của đồng bào dân tộc Mường ở Ba Vì

Thứ Ba 27/07/2021 | 13:04 GMT+7

VHO- Nhờ có thổ nhưỡng thích hợp, khí hậu trong lành, những nương chè tại Xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Tp. Hà Nội luôn xanh mướt quanh năm và đang giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường.

Cây “xóa đói, giảm nghèo”

Là một trong 7 xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Ba Vì, xã Ba Trại có diện tích tự nhiên lên đến 2.017ha, quy mô dân số đạt 14.800 người với 3.680 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 40%. Trước đây, Ba Trại là xã đặc biệt khó khăn nhưng đến nay, đời sống đã được cải thiện rõ rệt, nhờ những chính sách hỗ trợ hợp lý cùng sự vươn lên của người dân. Không những giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình còn thay đổi cơ cấu cây trồng để làm giàu ngay trên “vùng đất khó”…

Cây chè được trồng ở Ba Trại là giống mới có giá trị kinh tế cao

Ông Đinh Công Phu, Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: “Khoảng 15-20 năm trước, nhiều hộ gia đình đã chặt hạ đồi chè, bỏ vườn bãi đi làm ăn xa hoặc trồng những cây khác. Nhưng đất đồi cằn cỗi không dễ dung nạp những loại cây mới khiến người dân và chính quyền nơi đây cứ trăn trở với xóa đói, giảm nghèo. Sau nhiều lần thử nghiệm, nghiên cứu... cây chè lại được lãnh đạo cùng người dân Ba Trại chọn để trồng bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây chỉ phù hợp với loại cây này. Và từ đó những nương chè được hồi sinh và Ba Trại bắt đầu công cuộc xóa đói, giảm nghèo từ chính cây chè...”

So với nhiều vùng chè khác của Thủ đô, chè Ba Trại có vị khác biệt, hương thơm tự nhiên, vị đậm đà, nước chè khi pha có màu xanh - sánh vàng mật ong. Nhấp ngụm trà đầu có vị chát nhẹ, sau đó vị ngọt đậm dần cùng hương thơm lan tỏa... Đó là vị hòa quyện, kết tinh của đất và trời Ba Trại cùng với bí kíp chọn chè, sao chè của người dân nơi đây...

Vườn chè của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Chính thôn 2, xã Ba Trại

Là chứng nhân của câu chuyện hồi sinh cây chè Ba Trại và đang có hơn 1.5 mẫu chè cho thu hoạch thường xuyên, ông Nguyễn Văn Chính người dân Thôn 2 nhớ lại: “Trước đây do tập tục canh tác lạc hậu nên năng suất, chất lượng chè không đảm bảo. Cùng với đó, giao thương vùng núi thời đó còn khó khăn khiến cây chè Ba Trại và người dân cứ loay hoay với cái nghèo... Khoảng năm 2010, khi được ngành Nông nghiệp hỗ trợ đưa giống chè mới LDP1 có năng suất, chất lượng cao vào trồng, đời sống người dân đã thay đổi hẳn. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP thì giống chè mới cho năng suất cao gấp 3 lần so với giống cũ, chất lượng tốt hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau 5 năm, từ hộ nghèo, gia đình tôi đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang và có tích lũy để tiếp tục đầu tư sản xuất”.

Đến nay, Ba Trại có 475ha trồng chè, trong đó gần 20ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP; hiệu quả kinh tế đạt 170-220 triệu đồng/ha/năm. 9/9 thôn trong xã được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè. Loại cây này thực sự trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho Ba Trại. Nhờ vậy, năm 2017, Ba Trại là một trong những xã miền núi đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới.

Hướng đến phát triển du lịch làng nghề

Ông Nguyễn Tạ Tấn, Phó chủ tịch UBND xã Ba Trại bày tỏ mong muốn phát triển du lịch sinh thái ở Ba Trại từ sức hút của những vườn chè sạch

Đưa chúng tôi đi thăm những nướng chè trải dài tít tắp, ông Nguyễn Tạ Tấn, Phó chủ tịch UBND xã Ba Trại vui mừng giới thiệu: “Dù mô hình cây chè gắn với du lịch mới bắt đầu "bén rễ" nhưng đã tạo hiệu ứng khá tích cực. Trong năm 2018-2019, Ba Trại đón hơn 10 ngàn lượt khách tham quan. Đến với Ba Trại được tận mắt ngắm những nương chè xanh mát, tự tay hái chè, sao chè, mang chè về làm quà, khiến nhiều du khách thích thú. Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn có du khách đến với vườn chè Ba Trại và thưởng thức ẩm thực của dân tộc Mường”.

Để người dân Ba Trại thêm yên tâm với nghề, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, nhiều năm gần đây, chính quyền địa phương đang vận động người dân sửa sang nhà cửa khang trang, sạch sẽ để đạt yêu cầu đón khách du lịch và tính toán làm sao có quỹ đất để xây dựng nhà cộng đồng (nhà sàn người Mường). Với 40% dân số là người Mường sinh sống tại Ba Trại, du khách đến đây sẽ có dịp khám phá giai điệu Ru ún độc đáo, hấp dẫn. Bên cạnh đó, UBND huyện ở Ba Vì cũng rất chú trọng bảo tồn và phát huy   văn hóa cồng chiêng tại các thôn, xã có đồng bào dân tộc Mường sinh sống.

Ngoài ra, ẩm thực xứ này cũng rất hấp dẫn, món nào cũng có đủ vị đắng, cay, chua, ngọt… của các loại cây, lá, măng rừng hòa quyện trong đó. Ông Bùi Văn Biên, đồng bào dân tộc Mường sinh sống tại thôn 5 cho biết: “Du khách rất thích thú và ấn tượng khi được thưởng thức những món ẩm thực của người Mường trong ngôi nhà sàn sàn truyền thống của chúng tôi”. Thời điểm dịch Covid chưa bùng phát, mỗi ngày gia đình ông Bùi Văn Biên nhận đơn đặt hàng phục vụ gần 60 du khách. Các món ngon của người Mường, cỗ lá và măng chua nấu thịt gà là những món ăn gây thương nhớ cho bất cứ du khách nào khi ghé thăm mảnh đất này.

 Bài, ảnh: VŨ MỪNG

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top