Nghệ nhân dân tộc thiểu số tại Làng VHDLDT Việt Nam: Cần có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng

VHO- Những năm qua đã có nhiều hoạt động dân tộc cộng đồng diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tạo điều kiện để cộng đồng các dân tộc được hội tụ về "ngôi nhà chung" giao lưu, trao đổi, tôn vinh, bảo tồn văn hóa truyền thống. Tuy nhiên để duy trì hoạt động hiệu quả, cần thiết phải có cơ chế hỗ trợ nghệ nhân hiện đang sinh sống tại Làng.

Nghệ nhân dân tộc thiểu số tại Làng VHDLDT Việt Nam: Cần có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng - Anh 1

Nghệ nhân ưu tú Y Sinh (bìa trái) cùng các nghệ nhân biểu diễn đàn Klong Put tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam

Trên thế giới, các mô hình làng văn hóa nơi hội tụ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong một quốc gia không còn xa lạ, thậm chí đã đi vào hoạt động từ rất lâu. Ở nước ta, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một mô hình tương tự và thể hiện đầy đủ những đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Hơn 10 năm sau ngày mở cửa (19.9.2010), từ một mô hình lạ lẫm, ít người biết đến, giờ đây Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam có tên trong bản đồ du lịch Thủ đô. Các hoạt động đặc sắc được tổ chức tại Làng không những góp phần gìn giữ, phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 được tổ chức vào 15.7 vừa qua, ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, hiện nay Làng đang có sự hoạt động thường xuyên của 16-18 nhóm nghệ nhân đồng bào các dân tộc đến từ nhiều tỉnh thành. Mỗi tháng Ban quản lý đã thực hiện hỗ trợ mức kinh phí 2 triệu đồng cho một nghệ nhân bằng nguồn thu để lại và việc hỗ trợ nghệ nhân vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu. Dù đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Ban quản lý, tuy nhiên mức hỗ trợ 2 triệu đồng một tháng vẫn còn là con số khiêm tốn. Ông Trịnh Ngọc Chung bày tỏ: “Cần phải có cơ chế để Nhà nước có thể hỗ trợ thêm cho các nghệ nhân, để các nghệ nhân yên tâm sinh sống và có những hoạt động quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc mình tại Làng”.

Không ít nghệ nhân đang sinh sống tại đây chia sẻ, lần đầu tiên tới Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, được tận mắt nhìn thấy ngôi nhà, ngôi làng của mình ngay giữa Thủ đô Hà Nội đã vô cùng xúc động. Tuy nhiên, với mức kinh phí hỗ trợ như trên thì việc tìm kiếm, thuyết phục các nghệ nhân, cũng như các nhóm đồng bào dân tộc địa phương ra hoạt động, sinh sống tại Làng rất khó!

Thực tế cho thấy, những đồng bào được địa phương giới thiệu về Làng để sinh sống, cũng như tổ chức các hoạt động quảng bá giá trị văn hóa phần lớn là những người dân bình thường, không nằm trong đối tượng được hưởng chế độ chính sách nào của Nhà nước. Ví dụ đối với những nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân sẽ có quy định được trợ cấp hàng tháng. Còn lại những nghệ nhân  chưa được phong tặng danh hiệu thì sẽ không có được sự hỗ trợ này và việc áp dụng chi từ nguồn ngân sách là không thể. Dù rằng, đó có thể là những người đang nắm giữ những tri thức văn hóa rất độc đáo của dân tộc họ.

Nghệ nhân dân tộc thiểu số tại Làng VHDLDT Việt Nam: Cần có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng - Anh 2

Nghệ nhân dân tộc Ba Na tại Làng

Bởi vậy, để chi đúng theo quy định Nhà nước và có thể hỗ trợ bà con, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đang khẩn trương tổng hợp ý kiến của các địa phương có liên quan và hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Ủy ban nhân dân các tỉnh trong việc huy động cộng đồng dân tộc về tái hiện hoạt động thường xuyên tại Làng vào tháng 8 tới đây. Nội dung của Quy chế sẽ quy định rõ trách nhiệm của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố về việc có cơ chế hỗ trợ, quan tâm đến nhóm đồng bào đang tổ chức hoạt động hằng ngày tại Làng. Đồng thời, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng nỗ lực hoàn thành tờ trình xin hỗ trợ sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đây được xem là hai trong số các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Nghệ nhân Y Sinh, Trưởng Ban đoàn kết các dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam xúc động: “Tất cả chúng tôi đã luôn cố gắng nỗ lực trong nhiều năm qua, chỉ có tình yêu dân tộc, yêu quê hương và lòng khát khao quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình mới khiến bản thân mỗi người có thể gắn bó với Làng lâu dài đến vậy. Tới đây, nếu như có cơ chế hỗ trợ cho các nghệ tại Làng thì quả thực đó là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với chúng tôi. Và việc có cỡ chế hỗ trợ cho các nghệ nhân với sự giúp đỡ từ phía Nhà nước, từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố là điều hết sức cần thiết, cần sớm triển khai để Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai lâu dài. 

Bài, ảnh: VŨ MỪNG     

Ý kiến bạn đọc