Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Những điển hình tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội

Thứ Sáu 23/07/2021 | 10:47 GMT+7

VHO- Văn minh lễ hội được đề cập trong bối cảnh cả nước chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19 không chỉ là những tiêu chí đảm bảo an ninh trật tự, không chen lấn xô đẩy, không đốt vàng mã tràn lan… mà còn gắn với các yếu tố đảm bảo an toàn dịch tễ.

 Đền Cửa Ông, Quảng Ninh nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19

Trong các mùa lễ hội năm 2020, 2021, nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc dừng, giảm quy mô tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ VHTTDL cũng như quy định tại Nghị định 110 về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đây được xem là quãng thời gian các di tích, lễ hội tạm ngưng để sắp xếp, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh cũng như chuẩn bị cho những mùa lễ hội tiếp theo.

Thực hiện nghiêm thông điệp 5K

Qua công tác kiểm tra, Bộ VHTTDL ghi nhận nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những quy định phòng, chống dịch trong quản lý và tổ chức lễ hội. Hầu hết lễ hội trên địa bàn các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình… đều thực hiện nghiêm việc dừng, giảm quy mô tổ chức lễ hội theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ VHTTDL cũng như quy định tại Điều 8 Nghị định 110 về việc “tạm ngừng tổ chức lễ hội khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương”.

Nếp sống văn minh lễ hội trong bối cảnh dịch bệnh có thêm nhiều tiêu chí mới hoặc điều chỉnh cho phù hợp. Những yếu tố hàng đầu không chỉ là giữ gìn môi trường, thực hiện các nghi lễ truyền thống... như những mùa trước mà luôn nhấn mạnh nội dung đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Nhìn lại từ đầu mùa lễ hội năm 2020, sự ập đến bất ngờ của dịch bệnh đã buộc nhiều địa phương, BQL di tích, BTC lễ hội khẩn trương thay đổi kế hoạch, điều chỉnh phương án tổ chức, đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất. BQL di tích, BTC lễ hội và chính quyền các địa phương đều chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong thực thi pháp luật về thực hiện nếp sống mới thời chống dịch Covid-19.

Di tích quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những điển hình về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, đền Cửa Ông vẫn là nơi luôn tạo ấn tượng đối với du khách về sự văn minh, tôn nghiêm, thể hiện từ không gian di tích, vệ sinh môi trường đến công tác đảm bảo an ninh trật tự. Di tích thường xuyên sử dụng hệ thống loa phát thanh tuyên truyền để nhân dân, du khách thực hiện đúng các quy định khi vào lễ bái, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội. Các hiện tượng tiêu cực như mê tín dị đoan, đánh bạc, lừa đảo, ép giá, chèo kéo khách... hay tình trạng ăn xin, ăn mày, đổi tiền lẻ, cài cắm tiền vào tượng Phật... tại đây đều đã được đẩy lùi.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, di tích đền Cửa Ông vẫn là một trong những địa chỉ thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy tắc về phòng, chống dịch. Từ đầu mùa lễ hội 2021, BQL di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên đã triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội theo tinh thần chỉ tổ chức phần lễ trang nghiêm, không tổ chức lễ rước và phần hội; đặc biệt, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới. Bà Nguyễn Thị Bích Thương, Phó phòng VHTT TP Cẩm Phả cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, BQL di tích đền Cửa Ông luôn chủ động xây dựng và triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch một cách bài bản. Trong các thời điểm di tích được phép mở cửa, BQL di tích đã tích cực triển khai nhiều nội dung tuyên truyền về thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, hướng dẫn khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện giãn cách tại nơi thờ tự, hành lễ...

Tại Lạng Sơn, hàng chục lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm, đến khi đại dịch đều nghiêm túc đề cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không tổ chức lễ khai mạc... Trước nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách tại các điểm di tích đền, chùa, đặc biệt trong ngày diễn ra lễ hội truyền thống, BQL các di tích đã tích cực tuyên truyền, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về nếp sống văn minh khi đi lễ gắn với thực hiện thông điệp 5K.

Vì lợi ích cộng đồng

Tại nhiều tỉnh, thành, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong bối cảnh đặt biệt hai năm qua cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe đối với các BQL di tích, BTC lễ hội. Lễ hội Đền Trần, Phủ Dầy (Nam Định), lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Côn Sơn (Hải Dương)… đều đã thực hiện nghiêm túc các quy tắc, yêu cầu phòng, chống dịch, với tinh thần đặt lợi ích và sự an toàn của cộng đồng lên trên hết.

Thực hiện nếp sống văn minh xét đến cùng chính là những ứng xử văn hóa của mỗi người trong môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Thông điệp 5K bởi vậy luôn cần gắn liền với những quy tắc về nếp sống văn minh mà cộng đồng vẫn thực hành từ trước đến nay, đặc biệt khi dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Theo Phòng Nếp sống văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, thực tế hiện nay cho thấy, yêu cầu thực hiện nếp sống văn minh thời Covid-19 thực sự là vấn đề rất bức thiết. Vì đó chính là một trong những biện pháp ý nghĩa, thiết thực để góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đó là những việc làm, hành vi cụ thể, thường nhật của mỗi người, mỗi nhà…, bao gồm cả khi đến với những địa chỉ thực hành các nghi thức tâm linh, tín ngưỡng.

Tại Khu di tích - danh thắng chùa Hương, vào thời điểm được mở cửa đón du khách thập phương, BQL di tích, BTC lễ hội đã tăng cường lực lượng và các biện pháp để tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện đúng những quy định về nếp sống văn minh, đặc biệt nhằm đẩy lùi những hiện tượng dễ trở thành tác nhân lây lan dịch bệnh như tụ tập đông người, chen lấn, xô đẩy... Các phương thức tuyên truyền như tuyên truyền trên loa, trực quan cổ động hay nhắc nhở trực tiếp... thường xuyên được tăng cường.

Trao đổi về câu chuyện ứng xử văn minh trong mùa dịch, PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam) chia sẻ, hiện chúng ta đang ở trong giai đoạn đặc biệt khó khăn của đất nước và ưu tiên trước hết là phải bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Trong mỗi hoàn cảnh đều cần có những cách thức để cùng nhau vượt qua khó khăn. Bối cảnh đại dịch buộc mỗi người cần tự điều chỉnh nhận thức, hành vi của chính mình. Trong các hoạt động văn hóa tâm linh tại di tích, lễ hội, nơi thờ tự thì việc làm đó vừa thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. 

Hiện chúng ta đang ở trong giai đoạn đặc biệt khó khăn của đất nước, ưu tiên trước hết là phải bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Trong mỗi hoàn cảnh đều cần có những cách thức để cùng nhau vượt qua khó khăn. Bối cảnh đại dịch buộc mỗi người cần tự điều chỉnh nhận thức, hành vi của chính mình. Trong các hoạt động văn hóa tâm linh tại di tích, lễ hội, nơi thờ tự thì việc làm đó vừa thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam)

 

 THẢO PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top