Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Xây dựng con người để phát triển văn hóa

Thứ Hai 05/07/2021 | 11:46 GMT+7

VHO- Những người quan tâm đến văn hóa chắc chắn sẽ rất thú vị khi đọc Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung xây dựng con người. Đành rằng vấn đề xây dựng con người có tính chiến lược luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, nhưng Dự thảo Chiến lược lần này đã được tiếp cận mới, mạnh mẽ và cụ thể hơn. 

 Tập trung xây dựng con người để phát triển văn hóa Ảnh: BTPNVN 

Trong nội dung Chiến lược, vấn đề hệ trọng có tính định hướng là quan điểm thì vấn đề xây dựng con người được đề cập có tính định hướng chiến lược nhưng đồng thời lại gợi mở những điều cụ thể để có căn cứ xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam được đề cập từ Đại hội XII của Đảng, một việc hết sức cấp thiết trong tình hình hiện nay. Quan điểm thứ nhất, thứ hai quán triệt tinh thần các nghị quyết của Đảng từ các nhiệm kỳ trước khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; Khẳng định văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng; Sự nghiệp xây dựng văn hóa là sự nghiệp của toàn dân… 
Quan điểm thứ ba trên tinh thần quán triệt quan điểm có tính chiến lược của Đảng nhưng được trình bày theo cách tiếp cận mới, vừa có tầm khái quát vừa có tính định hướng cụ thể: “Phát triển văn hóa vì sự phát triển nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Rõ ràng cách tiếp cận có cơ sở lý luận nền tảng: Con người sáng tạo ra văn hóa nhưng chính con người lại là sản phẩm của văn hóa do mình tạo ra, được (hay bị) văn hóa điều chỉnh mà có nhân cách, lối sống và các hành vi ứng xử với thiên nhiên, với xã hội một cách chuẩn mực. Đặt vấn đề phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người là đặt trúng mục tiêu, mục đích phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn mà con người đang bị tác động hết sức mạnh mẽ của kinh tế thị trường theo cả hướng tích cực và tiêu cực. 
Quan điểm thứ ba được tiếp tục diễn giải một cách cụ thể: “Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Nội dung tiếp theo là mục tiêu chung, vấn đề con người vẫn được đặt lên hàng đầu: “Khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam”. Đến mục tiêu cụ thể lại một lần nữa khẳng định hướng đích xây dựng con người Việt Nam: “Xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Tạo điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”. Có thể khẳng định, căn cứ vào quan điểm và các nội dung nêu trên chúng ta đủ cơ sở để xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để có chuẩn mực cụ thể trong xây dựng con người Việt Nam hiện đại, nhân tố quyết định phát triển không chỉ văn hóa mà còn là phát triển đất nước một cách bền vững. Đây là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta, là khát vọng chính đáng thay đổi toàn diện đời sống xã hội và vị thế của đất nước. 
Sự nghiệp ấy đòi hỏi con người Việt Nam cần có những phẩm chất theo một hệ giá trị mới trên cơ sở kế thừa và phát huy hệ giá trị truyền thống đã từng được thử thách và khẳng định qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hệ giá trị ấy bao gồm: 

1. Yêu nước với tinh thần tự tôn dân tộc, nhất thiết không chấp nhận tụt hậu. Trong chiến tranh, yêu nước là tự hào truyền thống dân tộc, chiến đấu không sợ hy sinh gian khổ, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược thì ngày nay, trong xây dựng đất nước phát triển, yêu nước phải tự tôn dân tộc, nhất quyết không chịu tụt hậu. Phải coi TỤT HẬU là kẻ thù chung của cả dân tộc, để mỗi người Việt Nam dù ở đâu, dù làm việc gì cũng phải nhớ mình là người Việt Nam, mình yêu nước, mình vì một Việt Nam phát triển, không còn tụt hậu. Mài sắc ý chí như thế thì tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền… sẽ trở thành lạc lõng, hủ lậu. Yêu nước, trong quan điểm cũng như mục tiêu xây dựng con người trong dự thảo được đặt lên giá trị hàng đầu.

2. Nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý, thượng tôn pháp luật. Những phẩm chất nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý là những phảm chất đặc hữu có tính truyền thống văn hóa của người Việt Nam được kiểm chứng trong lịch sử và được cộng đồng quốc tế thừa nhận và tin tưởng đặc biệt thông qua công cuộc chống dịch Covid-19. Những phẩm chất này là tài sản vô giá cần phát huy trong thời đại ngày nay. Về pháp luật, người Việt Nam trong tiềm thức là người duy tình, coi “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Trong xã hội hiện đại, trong xây dựng nhà nước pháp quyền, mở cửa, hội nhập điều đó không còn phù hợp nữa. Bởi vậy thượng tôn pháp luật là cần thiết, là cần phải như thế! 

3. Khỏe về thể chất, lành mạnh về tinh thần, ý chí kiên cường, có nền tảng tri thức đáp ứng yêu cầu của đời sống hiện đại. Không có hy vọng nhiều trong một cơ thể ốm yếu. Khỏe là yêu cẩu đầu tiên để học tập lao động có hiệu quả và sống có chất lượng. Tuy nhiên, trong con người khỏe mạnh phải chứa một inh thần lành mạnh, một ý chí kiên cường đồng thời phải có tri thức, trình độ chuyên môn cao mới thích ứng được với đời sống hiện đại với nhịp độ cao, nhiều cơ hội nhưng cũng không ít áp lực, thách thức. 

4. Đoàn kết thể hiện cụ thể bằng tinh thần và năng lực hợp tác trong học tập, lao động, sản xuất kinh doanh có trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” - lời dạy của Bác là chân lý và cũng phản ánh tinh thần cố kết cộng đồng có tính truyền thống của người Việt Nam trong đấu tranh giữ nước. Tuy nhiên, trong xây dựng đất nước, nhất là trong điều kiện hiện nay khi sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, phân công lao động ngày càng chi tiết, cụ thể thì sự hợp tác là yêu cầu tất yếu. Người Việt Nam gắn kết trong khó khăn gian khổ, nhưng hợp tác trong sản xuất kinh doanh chưa phải là thế mạnh. Bởi vậy cần cụ thể hóa, hiện đại hóa tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng thành năng lực hợp tác cùng phát triển. 

5. Cần cù, sáng tạo, trung thực, tự trọng. Nhiều người cho rằng “cần cù bù thông minh” đã lạc hậu rồi. Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp dù có công nghệ cao thì tính cần cù, kiên nhẫn, không ngại thức khuya, dậy sớm vẫn là phẩm chất cần có. Sáng tạo khi nào cũng cần, ngày nay càng cần. Trung thực hết sức cần vì ngày nay giả dối đang là căn bệnh trầm kha thấm vào mọi tầng lớp xã hội, mọi lĩnh vực. Mỗi người trung thực, mọi người trung thực, lại có lòng tự trọng thì bệnh thành tích cũng sẽ thuyên giảm và chấm dứt, đồng thời cuộc sống cũng văn minh hơn. 

Xây dựng con người khi nào cũng là vấn đề lớn của cả xã hội. Con người sống trong xã hội cần có hệ chuẩn để điều chỉnh mọi hành vi, lối sống của mình. Thiếu hệ chuẩn, con người sẽ chơi vơi, thiếu tự tin. Hệ chuẩn cũ không còn hợp thời. Hệ chuẩn mới cần được hình thành trên cơ sở kế thừa truyền thống, kết hợp hài hòa yếu tố hiện đại. Hệ chuẩn hình thành và hoàn thiện dần trong cuộc sống. Không nhất thành bất biến. Có con người là có tất cả và chắc chắn sẽ khắc phục được những hạn chế như Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã thẳng thắn chỉ ra: “Bên cạnh kết quả đạt được, việc hoàn thành mục tiêu chiến lược vẫn ở mức thấp và khi xây dựng còn thiếu tính khả thi”. Có nguồn lực con người chất lượng, chắc chắn văn hóa phát triển làm nền tảng cho sự hưng thịnh của đất nước. 

 TS NGUYỄN VIẾT CHỨC 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top