Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ - Anh là ai: Đã đến lúc “dẹp loạn” danh xưng

Thứ Tư 30/06/2021 | 09:41 GMT+7

VHO- Sau khi đăng bài Nghệ sĩ - Anh là ai?: Một phút thành “sao”, Văn Hóa đã nhận được ý kiến của nhiều nghệ sĩ tên tuổi về vấn đề cần thiết phải có sự định danh đối với những nghệ sĩ chuyên nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật.

Trân trọng danh xưng với ý nghĩa là thành quả của những sáng tạo, tài năng và cống hiến, nhiều nghệ sĩ cho rằng, danh xưng đó không phải được hình thành trong phút chốc, càng không phải từ những “hào quang” sớm nở, tối tàn.

 Được đào tạo bài bản, lao động nghệ thuật nghiêm túc ba nghệ sĩ Việt Hoàn, Đăng Dương và Trọng Tấn ghi đậm dấu ấn của mình trong lòng công chúng yêu âm nhạc

 

 Chạnh lòng khi “vàng thau” lẫn lộn

Bản thân tôi không dám tự nhận mình là một nghệ sĩ chân chính mà chỉ biết rằng phải luôn nỗ lực, cố gắng từng ngày, từng giờ trên con đường nghệ thuật mà mình đã chọn. Không chỉ những người tự xưng danh hiệu, tự vẽ cho mình giải thưởng mà còn có một bộ phận đúng là nghệ sĩ nhưng động cơ làm nghệ thuật của họ cũng không phải vì nghệ thuật. Họ dùng quan hệ, dùng tiền bạc để PR cho bản thân. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy chạnh lòng khi “vàng thau” lẫn lộn, khi danh xưng nghệ sĩ được một số người tự vẽ ra và khoe mẽ một cách lố bịch.

Tôi nghĩ rất khó để định danh cho nghệ sĩ bởi sự tồn tại những sản phẩm nghệ thuật hay giải trí thuần túy nhiều khi lại phụ thuộc vào sự tiếp nhận của công chúng. Cá nhân tôi mặc dù biết có những người không phải là nghệ sĩ nhưng vẫn rất khó phủ nhận bởi họ có lượng “fan” đông đảo. Theo đuổi nghệ thuật, tôi chỉ tâm niệm làm sao những vai diễn của mình và tác phẩm nghệ thuật mà mình tham gia phải mang ý nghĩa nhân văn, hướng tới xây dựng những điều tốt đẹp cho con người, cho cuộc sống.

(NSND TRUNG ANH, Nhà hát Kịch Việt Nam)

 Cần tính đến giải pháp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ chuyên nghiệp

Hiện đang có hiện tượng khá phổ biến là ai đó chỉ hát một vài bài, chỉnh sửa, “phù phép” trong phòng thu là được “đóng vai” ca sĩ; có người một nốt nhạc không biết, ê a nhờ thu âm, sửa chữa thành một bản nhạc mà cũng được “gắn mác” nhạc sĩ. Phải nói đó là một vấn nạn khó chấp nhận được trong môi trường hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Nhan nhản những giọng ca chỉ biết hát nhép, cộng thêm chút nhan sắc, vũ đạo, kỹ xảo... và được tung hô, trở thành “sao”, thậm chí là “sao” có thứ bậc trên thị trường giải trí.

Thế hệ của chúng tôi, danh xưng nghệ sĩ luôn được trân trọng, giữ gìn như những gì quý giá nhất. Ngay trong Khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay, có nhiều ca sĩ rất nổi tiếng, giành được nhiều giải thưởng danh giá, nhưng khi động viên họ làm hồ sơ danh hiệu NSƯT, NSND thì không ít người vẫn nói rằng cảm thấy mình chưa xứng đáng. Tôi nghĩ đó là những sự thận trọng, trân trọng với danh xưng của những nghệ sĩ chuyên nghiệp thực sự.

Vấn nạn “loạn danh xưng” nghệ sĩ kéo dài lâu nay phải nói rằng một phần lỗi lớn là do truyền thông đã tung hô quá đà. Bên cạnh những nghệ sĩ tự phong, chúng ta cũng thấy có nhiều danh xưng kiểu như “Ông hoàng nhạc sến”, “Công chúa nhạc Việt”, diva này diva kia... rất lộn xộn. Có lần, tôi nghe qua sóng phát thanh giọng hát của một người xưng danh là ca sĩ, nhưng xuất thân bạn này là diễn viên múa, thấy “sợ quá”! Phải chăng vì những điều dễ dãi đến thiếu hiểu biết như thế đã khiến nền âm nhạc chuyên nghiệp của chúng ta ngày càng… nghiệp dư? Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước nên sớm có giải pháp chấn chỉnh thực trạng này. Nên chăng cần trở lại đề xuất việc có thẻ hành nghề đối với các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Cũng cần có định hướng để phân biệt rõ giữa những nghệ sĩ đích thực và các danh xưng tự phong. Tôi cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế thị trường tác động, khi mạng xã hội phát triển, chúng ta khó có thể quản lý hết được sự lộn xộn của thị trường giải trí thì Hội nghề nghiệp, Hội chuyên ngành cũng có vai trò quan trọng để đưa ra những biện pháp kiểm soát, chấn chỉnh để không đánh mất đi giá trị của nền nghệ thuật chuyên nghiệp, với những nghệ sĩ luôn nỗ lực cống hiến và gìn giữ tên tuổi của mình trong lòng công chúng.

(NSND ĐỖ QUỐC HƯNG, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)

Công chúng hãy tự lựa chọn và đánh giá

Nghệ sĩ chúng tôi thường ít quan tâm tới việc phân biệt giữa nghệ sĩ đích thực với người tự phong hay tự xưng những danh hão nào đó. Chúng tôi chỉ quan tâm tới việc làm sao có những sản phẩm nghệ thuật hay, đúng, hợp thuần phong mỹ tục để phục vụ công chúng. Khán giả chính là người tiêu dùng, họ sẽ tự lựa chọn cho mình những sản phẩm có chất lượng thay vì mua những sản phẩm kém chất lượng, những sản phẩm không được coi là nghệ thuật của những người không phải là nghệ sĩ đích thực. Và công chúng hãy là “người tiêu dùng thông thái”, nếu gặp phải sản phẩm kém lại “đội lốt” nghệ thuật thì nên có thái độ phê phán, không nên hùa theo. Theo tôi, những người tự mạo danh, tự xưng danh hiệu mà không có tài năng thì họ cũng sẽ sớm bị đào thải. Với nghệ thuật, không thể đánh lận, cào bằng giữa tài năng và danh hão được.

Tôi thấy báo chí truyền thông có rất nhiều bài viết hay, hấp dẫn nhưng cũng có một bộ phận người viết tung hô, quảng bá cho những nghệ sĩ “rởm”. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng cũng cần có những chấn chỉnh, nhắc nhở từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

(NSƯT CHÍ TRUNG, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ)

 Cần loại bỏ các thành phần “rác” nghệ thuật

Đã là nghệ sĩ thì với những danh hiệu được nhà nước hay khán giả phong tặng, chúng tôi đều cảm thấy vô cùng trân trọng, tự hào và luôn luôn nỗ lực lao động sáng tạo để xứng đáng với điều đó. Việc một số người tự xưng danh rồi tự vẽ ra các giải thưởng để đánh bóng, PR tên tuổi chỉ là một bộ phận nhỏ trong xã hội mà thôi. Họ dùng đủ mọi chiêu trò để quảng bá, lăng xê mình bằng những sản phẩm nhảm nhí, được gán mác “MV nghệ thuật” nhưng trên thực tế là “rác nghệ thuật”, hiện rất phổ biến trên các nền tảng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok…

Tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý nhà nước, các hội nghệ thuật ở địa phương cần phải vào cuộc để loại bỏ những sản phẩm phi nghệ thuật, phản cảm này. Lượng view trên các kênh mạng xã hội rất lớn, tôi thấy lo lắng khi khá đông người trẻ rất dễ bị cuốn theo và cổ xuý cho những sản phẩm không phải là nghệ thuật chân chính. Tôi cũng rất mong các cơ quan báo chí, truyền thông một mặt không “tiếp tay”, đồng thời phản ánh và phê phán kịp thời để có định hướng đúng đắn cho dư luận và cho người xem.

(NSƯT THU HUYỀN, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội)

Tiến tới làm trong sạch môi trường nghệ thuật

Hiện nay, tình trạng nghệ sĩ mạo danh quá nhiều, họ đánh tráo khái niệm với công chúng, tự khoác cho mình danh xưng “nghệ sĩ”. Rõ ràng mạng ảo chỉ có bàn phím và mình thôi, cho nên những “nghệ sĩ” này họ có thể tự làm bất cứ điều gì mình thích. Giả dụ tôi là một người chưa được ai biết tới, nhưng tôi dám bạo miệng tuyên bố rằng tôi có thể nổi tiếng, bằng cách cứ lên tivi tham gia một gameshow, có một nhóm người “nâng đỡ”, có thể tham gia vài kịch bản, hát một vài bài… thế là nghiễm nhiên trở thành “nghệ sĩ”, nhưng xin hỏi có ai công nhận không, đó mới là điều quan trọng.

Tôi cho rằng cần phải tiến tới làm trong sạch môi trường nghệ thuật, lên án những nghệ sĩ “tự phong” càng sớm càng tốt. Tiêu chuẩn người nghệ sĩ như thế nào, chân dung một nghệ sĩ đúng nghĩa ra làm sao, thật sự rất mơ hồ. Chúng ta đã bàn tới câu chuyện có nên cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ không? Nhưng để làm được điều đó chúng ta lại phải giải quyết câu chuyện khác, bởi để được cấp thẻ, trước hết nghệ sĩ phải có bằng cấp, được đào tạo chính quy… Tuy nhiên, thực tế có những người không được học hành trường lớp nhưng lại rất tài năng, có đạo đức nghề nghiệp, họ xứng đáng là những nghệ sĩ chân chính. Có người đủ điều kiện để cấp thẻ hành nghề, nhưng vẫn “lôm côm”… Vì thế, tôi cho rằng việc cần làm trước tiên là cơ quan quản lý phải siết chặt việc xét duyệt các sản phẩm giải trí, sản phẩm nghệ thuật khi tiếp cận công chúng. (Nghệ sĩ TRUNG DÂN)

Cạnh tranh quyết liệt trong nghệ thuật không phải là điều xấu

Tôi là người làm nghệ thuật nghiêm túc và khá khắt khe với bản thân, nhưng không ép người khác cũng phải giống như mình. Tôi cho rằng nếu các bạn chỉ tham gia vài gameshow, tự đăng bài hát lên mạng rồi bằng cách nào đó “phù phép” và nổi tiếng được thì đó cũng chính là tài năng của các bạn. Việc các bạn thuyết phục được người khác rằng bạn là nghệ sĩ cũng là một khả năng mà chúng ta không phủ nhận. Sự hỗn tạp trong một ngành nghề nào đó là điều tất yếu, và là bản chất của tự do cạnh tranh. Nếu mỗi người tự thấy mình có khả năng nào đấy thì hãy để cho họ tự phát huy, còn việc sàng lọc và công nhận họ, đó là chuyện của khán giả. Mỗi người có một mục đích nghệ thuật riêng. Có người làm nghệ thuật vì nghệ thuật, có người làm nghệ thuật để nghiên cứu, để cống hiến, có người làm để giải trí, có người làm nghệ thuật để kiếm tiền,… vì thế khó mang quan điểm, mục đích này để đánh giá quan điểm, mục đích khác.

Tình trạng “trăm hoa đua nở” và sự cạnh tranh quyết liệt trong nghệ thuật không phải là điều xấu, thậm chí còn giúp cho những nghệ sĩ chân chính không được “ngủ quên” trong chiến thắng và phải làm việc tốt hơn, năng động hơn, tìm cách khẳng định mình hơn… Bản thân tôi luôn tôn trọng bất cứ sản phẩm nào được đưa ra thị trường và tạo được tiếng vang, là tiếng chê hay tiếng khen thì tùy, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận nó. Anh làm nghệ thuật định hướng công chúng thì anh cứ đi theo hướng đó. Con đường nào càng khó, công sức mình đổ ra càng nhiều thì sự ghi nhận của mọi người đối với mình càng cao, đó là hệ quả tất yếu. (Ca sĩ ĐỨC TUẤN)

 BẢO ANH - ĐÀO ANH - THÙY TRANG (lược ghi)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top