Đại sứ văn hóa đọc: “Truyền lửa” tình yêu sách

VHO- Nhằm khơi dậy hứng thú, đam mê đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, những năm gần đây, việc tìm kiếm, phát huy vai trò của các Đại sứ văn hóa đọc ở nước ta đã được chú ý, góp phần thúc đẩy những nhân tố lan tỏa tình yêu sách mạnh mẽ hơn trong mọi tầng lớp nhân dân.

Đại sứ văn hóa đọc: “Truyền lửa” tình yêu sách - Anh 1

 Các hoạt động của chương trình Đại sứ đọc Hội An Ảnh: ITN

 Để mỗi người ý thức được việc đọc sách như cơm ăn, nước uống hằng ngày, cần một hành trình dài để có thể tạo lập đọc sách thành một thói quen không thể thiếu.

Xây dựng mạng lưới đọc sách

Cuối tuần qua, chương trình tập huấn Đại sứ đọc Hội An đã diễn ra tại trường Quốc tế Hội An HAIS, 24 Phan Bá Phiến. Theo bà Khiếu Thị Hoài, phụ trách nhóm Không gian đọc Hội An, được truyền cảm hứng bởi We love reading, Dự án đã lan tỏa tại 50 quốc gia và được UNESCO công nhận là chương trình đọc hay nhất thế giới năm 2017. CAB (Culture and Art Base) Hoian với chuyên trang phát triển văn hóa đọc và cảm thụ nghệ thuật của mình là CAB Read phối hợp với Không gian đọc Hội An mời dự án thành viên là Reading Vietnam, cùng tổ chức chương trình tập huấn Đại sứ đọc Hội An nhằm tạo ra mạng lưới đọc sách cho trẻ em từ 4 - 12 tuổi.

Tham gia tập huấn gồm các chuyên gia đến từ Reading Vietnam và những người truyền lửa văn hóa đọc tại địa phương, với sự hỗ trợ của Trung tâm VHTT Hội An, Thư viện Thanh Hóa..., chương trình được kỳ vọng là nơi vun trồng, nuôi dưỡng tình yêu sách của thế hệ trẻ nơi phố Hội. Tập huấn được tổ chức hướng tới các đối tượng như giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt là khối công lập; hội người cao tuổi, hưu trí, phụ huynh có thời gian cho con trẻ; trẻ em trong các xóm, khu phố; sinh viên, học sinh... Với mục tiêu đào tạo 30 đại sứ đọc, tạo ra 600 buổi đọc, xây dựng 10 thư viện xóm, chương trình mong muốn có hơn 2.000 trẻ em Hội An được truyền cảm hứng đọc sách trong năm 2021.

Nghệ sĩ Chinh Ba, sáng lập CAB Hoian cho biết: “Trẻ em nơi đây có quá ít cơ hội đọc sách. Thư viện cộng đồng không phát triển, rất hiếm nhà sách, số lượng đầu sách thiếu nhi nghèo nàn. Không nhiều gia đình có tủ sách và bản thân người lớn cũng không thường xuyên đọc sách. Tuy vậy, nhiều phụ huynh rất mong con mình ham đọc, nhưng không biết bắt đầu từ đâu”. Sau khi tham gia tập huấn kỹ năng đọc sách cho thiếu nhi, Đại sứ đọc phải cam kết tự tổ chức 20 buổi đọc trong 20 tuần liên tiếp, mỗi buổi đọc 1 cuốn sách trong 20 phút. Đặc biệt, sau buổi tập huấn, tất cả các Đại sứ sẽ cùng nhau tạo ra buổi đọc chung đầu tiên vào ngày 27.6 nhân Ngày Gia đình Việt Nam tại các điểm đọc như Thư viện Thanh Hóa, Công viên Hội An, Trường quốc tế Hội An và một số quán cà phê…

Trước khi đến Hội An, từ năm 2017, Reading Vietnam đã xây dựng thành công mạng lưới 1.600 đại sứ trên 36 tỉnh, thành cả nước. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021, Reading Việt Nam đã đào tạo 100 Đại sứ đọc là giáo viên toàn tỉnh Bến Tre, mở đầu cho việc phát triển mạng lưới Đại sứ đọc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Phát huy vai trò của các đại sứ

Bên cạnh sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, nhằm phát triển văn hóa đọc, những năm gần đây các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đã được Bộ VHTTDL, các địa phương và nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức. Sau 2 lần tổ chức, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 đã tiếp tục được Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) phát động vào tháng 3 vừa qua, thu hút sự quan tâm, đồng hành từ các đơn vị, nhằm lan tỏa tình yêu sách và văn hóa đọc đến với mọi người dân trên cả nước.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Phạm Quốc Hùng cho biết, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc là một trong các hoạt động nhằm triển khai Đề án “Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Từ con số 536.000 học sinh, sinh viên tham gia năm 2019, đến 2020, cuộc thi đã thu hút trên 1.000.000 học sinh, sinh viên với 5.376 trường tiểu học, THCS, THPT, đại học và học viện tham dự vòng sơ khảo. Cuộc thi đã tạo được dấu ấn và có sức lan tỏa rộng rãi. Sức sáng tạo thể hiện qua các bài thi cho thấy nỗ lực, niềm say mê và tình yêu với sách của giới trẻ.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Phụ nữ, thành viên Ban tổ chức cho rằng, cần phát huy hơn nữa vai trò của các Đại sứ. Người được trao giải cần có trách nhiệm thiết thực hơn với cộng đồng. Họ cần có kế hoạch lan tỏa phong trào đọc sách, dự các buổi trao giải, tổng kết để trao đổi kinh nghiệm đọc sách. Bản thân các trường học, nơi Đại sứ tham gia các CLB đọc sách, phải có bài viết, bài nói chuyện được chia sẻ rộng rãi trên trang web của trường, mạng xã hội… “Hiện nay, chúng ta đã quan tâm hơn đến việc đọc sách nhưng chưa đi vào chiều sâu. Để mỗi người ý thức được việc đọc sách như cơm ăn, nước uống hằng ngày, phải xem đọc sách là thói quen cần quá trình dài. Do đó, bên cạnh cuộc thi tìm kiếm Đại sứ văn hóa đọc, nên có thêm nhiều hoạt động để tác động nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của sách, thói quen đọc sách, cách xây dựng tủ sách trong gia đình, nhà trường, cộng đồng”, bà Hoa Phượng tâm huyết. 

MAI AN

Ý kiến bạn đọc