Các quốc gia mạnh tay xử lý nội dung xấu độc trên mạng xã hội

VHO- Trước sức ép kiểm duyệt nội dung, các nền tảng như YouTube, Facebook đã chủ động gỡ bỏ nhiều nội dung phản văn hóa và ra mắt công cụ bảo vệ trẻ em khỏi thông tin xấu độc.

Trung Quốc ban hành quy định các đơn vị truyền thông, mạng xã hội không được cho người dùng, trong đó có nghệ sĩ, không tuân thủ pháp luật hoặc vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội được xuất hiện trước công chúng. Người nổi tiếng muốn livestream phải đăng ký với cơ quan chức năng.

EU cũng đã ban hành bộ quy tắc về xử lý và gỡ bỏ nội dung cấm. Với những nội dung lan truyền sự thù hận, phân biệt chủng tộc hay khủng bố, các mạng xã hội chỉ có 1 giờ để gỡ bỏ, nếu không sẽ bị phạt tiền.

Bà Margrethe Vestager - Ủy viên Hội đồng châu Âu cho rằng: "Chúng ta đang có một lưu lượng online ngày càng lớn. Chúng ta phải có quy định để đưa tất cả những nội dung này vào trật tự".

Nga đã bóp băng thông, giảm tốc độ của Twitter vì nhiều lần cảnh báo mà không gỡ bỏ các nội dung cấm, bao gồm hướng dẫn tự tử, tranh ảnh khiêu dâm trẻ vị thành niên. Hiện nay, trước sức ép kiểm duyệt nội dung, các nền tảng như YouTube, Facebook, Instagram đã chủ động gỡ bỏ nhiều nội dung phản văn hóa và ra mắt công cụ để bảo vệ trẻ em khỏi thông tin xấu độc.

Nhiều người, trong đó có người nổi tiếng, là nạn nhân của các thông tin sai sự thật trên mạng đã tìm tới pháp luật để được bảo vệ. Năm 2013, diễn viên Hàn Quốc Song Hye Kyo bị một nhóm hơn 40 người trên mạng vu khống là được được chính trị gia chu cấp tiền. Tòa án quận trung tâm Seoul sau đó đã xử phạt 21 đối tượng.

Năm 2019, nữ diễn viên Trung Quốc Phạm Băng Băng đã thắng kiện, buộc đối tượng tung tin đồn cô có quan hệ tình ái bất chính trên mạng Weibo bị xử phạt 22.500 USD và phải công khai xin lỗi cô.

VTV.VN

Ý kiến bạn đọc