Cuộc thi sáng tác kịch bản phim tài liệu và hoạt hình: Kỳ vọng sẽ có tác phẩm tự tin ra rạp

VHO- Sau cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm ngoái, Cục Điện ảnh tiếp tục phát động tìm nguồn kịch bản đầu vào cho phim tài liệu (60 phút) và phim truyện hoạt hình (90 phút).

Cuộc thi sáng tác kịch bản phim tài liệu và hoạt hình: Kỳ vọng sẽ có tác phẩm tự tin ra rạp - Anh 1

 Tác phẩm “Khúc hát đôi bàn tay” của nhạc sĩ Phạm Tuyên được dàn dựng hoạt hình qua nét vẽ của họa sĩ Lê Bình để cổ vũ phòng, chống dịch Covid-19

Tuy không tổ chức lễ phát động vì đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng thông tin về cuộc thi vẫn khiến giới nghề hào hứng và chờ đợi những kịch bản tốt để dựng phim, ra rạp.

Chủ trương mới và đúng hướng

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh thông tin, kế hoạch tổ chức cuộc thi đã nhanh chóng được gửi đến các địa phương, hãng phim và truyền thông tới đông đảo đội ngũ sáng tác, nhằm tìm kiếm, tuyển chọn những kịch bản có giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật, có sáng tạo, truyền tải những thông điệp nhân văn, hấp dẫn... “Chúng tôi kỳ vọng cuộc thi sẽ tạo nguồn kịch bản cho kế hoạch đặt hàng sản xuất phim của nhà nước trong giai đoạn 2023-2025 cũng như cho các đơn vị sản xuất phim tài liệu, phim hoạt hình trong cả nước”, ông Thành chia sẻ.

Kịch bản phim tài liệu phản ánh hiện thực sinh động xã hội đương đại, có phát hiện mới về cuộc sống và con người với góc nhìn đa chiều, hướng thiện, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Kịch bản phim hoạt hình đề cao tính giáo dục, tôn vinh các giá trị chân, thiện, mỹ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cục Điện ảnh khuyến khích các tác giả khai thác nhóm đề tài lịch sử, cổ tích, giả tưởng, viễn tưởng cũng như sáng tạo khoa học công nghệ với nội dung gợi mở, khám phá, phát huy trí tưởng tượng của khán giả. Mỗi tác giả tham dự cuộc thi gửi một kịch bản, thời gian từ 17.5 tới hết 31.8.2021. BTC lưu ý, tác phẩm dự thi phải có giấy cam kết là sáng tác mới của tác giả.

Phim tài liệu, hoạt hình đều là những loại hình kén khán giả. Hãng phim hoạt hình Việt Nam có bề dày lịch sử, nhưng những tác phẩm của Hãng lâu nay ít được đầu tư quảng bá, kể cả tác phẩm đoạt giải cũng chỉ... “áo gấm đi đêm” và không có phim đủ thời lượng, chất lượng để ra rạp hút khách. “Chúng ta đang “lép vế” và khó cạnh tranh được với phim ngoại cả về nội dung lẫn hình thức. Đội ngũ làm hoạt hình bây giờ chỉ còn cách nâng cao chất lượng lên để kéo khán giả. Loạt phim điện ảnh doanh thu cao vừa rồi như Bố già, Lật mặt bất chấp Covid-19 vẫn gây “chấn động” phòng vé. Vậy vấn đề ở chỗ là có phim hấp dẫn thì sẽ chẳng lo khán giả quay lưng”, ông Vi Kiến Thành nói.

Mong chờ sẽ có những kịch bản phim tài liệu hấp dẫn, Phó Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, đạo diễn Trịnh Quang Tùng cho rằng, việc tổ chức thi nhằm tìm kiếm kịch bản chất lượng là một chủ trương rất đúng hướng của Cục Điện ảnh. “Tôi cho rằng cuộc thi sẽ thu hút nhiều tác giả tham gia vì mục đích, yêu cầu rất cụ thể, thời sự, bám sát việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, khuyến khích những tác phẩm mang hơi thở mới, tư duy mới bên cạnh những đề tài lịch sử, ca ngợi con người, tính ưu việt, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với quy mô lớn, cuộc thi sẽ tạo cơ sở tốt cho những bộ phim tài liệu dài sau này”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng nhận định. Tuy nhiên, với đặc thù của phim tài liệu chính là lấy hơi thở cuộc sống làm chất liệu, đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ, đội ngũ sáng tác kịch bản sẽ gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 hạn chế việc đi thực tế của các tác giả. “Chúng tôi coi đây là cơ hội để các cá nhân phát huy tài năng, thể hiện trách nhiệm với ngành và đất nước. Hãng cũng đang có kế hoạch sản xuất những bộ phim dài phù hợp với nhu cầu thưởng thức trong nước và hội nhập quốc tế”, ông Tùng chia sẻ.

Cuộc thi sáng tác kịch bản phim tài liệu và hoạt hình: Kỳ vọng sẽ có tác phẩm tự tin ra rạp - Anh 2

 Cảnh trong phim tài liệu “Dấu tích Sa Huỳnh” của đạo diễn Phùng Ngọc Tú (Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương)

Hoạt hình có đủ sức bước ra khỏi vùng an toàn?

Đây là lần đầu tiên có một cuộc thi bài bản để tìm kiếm kịch bản phim truyện hoạt hình dài 90 phút. Ông Vi Kiến Thành lý giải, do phim hoạt hình chưa được quan tâm phát triển nên Cục mong muốn cuộc thi sẽ là cơ hội khai thác nguồn kịch bản tốt, khả thi để đưa vào sản xuất. Kịch bản Thiên mạc hùng ca đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) ở cuộc thi kịch bản phim truyện năm 2020 chính là chất liệu tốt để làm phim hoạt hình lịch sử với công nghệ 3D. “Lâu nay chúng ta vẫn suy nghĩ phim hoạt hình là dành cho trẻ con, nhưng cuộc thi này lại mong muốn phim truyện hoạt hình có thể dành cho người lớn, vừa mở ra hướng sản xuất phim dành cho nhiều đối tượng vừa đem lại doanh thu cho nhà sản xuất”, ông Vi Kiến Thành nói.

NSND Hà Bắc, một trong những đạo diễn kỳ cựu của hoạt hình Việt Nam cho rằng, đầu tư làm phim hoạt hình dài hơi rất tốn kém và đòi hỏi trình độ cao. Đội ngũ trẻ làm phim hoạt hình ngày nay vẫn hoàn thành nhiệm vụ nhà nước giao về làm phim cho thiếu nhi, nhưng để đạt đến tầm làm phim hay, chinh phục khán giả thì còn là chặng đường xa. “Điều quan trọng nhất là chúng ta đang thiếu tư duy làm phim. Công nghệ 3D phát triển mạnh mẽ nhưng ý tưởng của đạo diễn ở ta còn non”, NSND Hà Bắc nói. Không chỉ thiếu tư duy, phim hoạt hình Việt Nam còn khó ở chỗ chưa tìm được ngôn ngữ độc đáo. Theo NSND Hà Bắc, chỉ ít năm nữa là Mỹ sẽ tròn một thế kỷ định hình ngôn ngữ phim hoạt hình, trong khi ta vẫn loay hoay chưa cất lên được tiếng nói của riêng mình.

Phim hoạt hình có cái khó là kén khán giả, khó thu hồi vốn hơn phim truyện, thậm chí thua thiệt hơn so với phim tài liệu khoa học. Tuy nhiên, với xu thế công nghệ làm phim ngày càng phát triển, nhiều hãng và công ty sản xuất phim hoạt hình tư nhân trong nước đã sản xuất những tác phẩm phim ngắn chất lượng, đoạt giải cao, nhưng những kịch bản dài hơi, đủ chất liệu để sản xuất phim 90 phút lại là điều hiếm hoi, thậm chí chưa từng có ở Việt Nam. Bà Phạm Thị Thanh Hà (Trưởng phòng Biên kịch, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) cho biết, trại sáng tác mỗi năm của Hãng phim đều thu được từ 70-150 kịch bản phim ngắn, tuy nhiên không phải sản phẩm nào cũng có thể đưa vào sản xuất. Vì vậy, đây là cuộc thi được đội ngũ làm phim hoạt hình mong muốn từ lâu và cũng là sự kỳ vọng của giới nghề, với khát khao có được những tác phẩm đủ sức khiến khán giả rút hầu bao.

Tuy nhiên, nhận định về những khó khăn, bà Hà nói: “Làm phim hoạt hình dài phức tạp hơn phim ngắn rất nhiều. Bởi đặc thù có tính chuyên môn cao khiến cho không phải bất cứ nhà biên kịch nào cũng có thể viết được kịch bản phim hoạt hình. Bên cạnh đó, một lý do nữa khiến phim hoạt hình Việt đến nay vẫn chưa đủ sức bước ra khỏi vùng an toàn là thiếu trường lớp đào tạo, giảng dạy chuyên ngành về biên kịch hoạt hình…”.

Khẳng định xã hội đang dần nhận ra thế mạnh hoạt hình, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho rằng: “Nhiều đề tài phim hoạt hình có cách thể hiện mang lại hiệu quả vượt trội hơn các thể loại khác. Cục Điện ảnh không thể tác động vào tất cả các khâu nhưng vẫn mong muốn giải quyết khâu yếu đầu tiên là kịch bản. Với những cuộc thi như thế này, ngành điện ảnh cùng nhau tháo gỡ, thúc đẩy để dần hình thành đội ngũ làm phim hoạt hình chuyên nghiệp và tài năng”. 

BẢO ANH

Ý kiến bạn đọc