Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

TP.HCM chọn 18 lễ hội, sự kiện VHTT tiêu biểu để tổ chức

Thứ Tư 05/05/2021 | 11:09 GMT+7

VHO- UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt Đề án “Tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao (VHTT) tiêu biểu TP.HCM giai đoạn từ năm 2020-2030”. Theo đó, TP ưu tiên chọn 18 lễ hội, sự kiện VHTT tiêu biểu tổ chức thành hoạt động quy mô hằng năm gồm 6 lễ hội truyền thống - văn hóa, 4 sự kiện văn hóa, 3 liên hoan văn hóa - nghệ thuật và 5 sự kiện thể thao.

 Lễ hội Tết Nguyên tiêu của người Hoa là một trong các lễ hội, sự kiện VHTT tiêu biểu

Đề án “Tổ chức lễ hội, sự kiện VHTT tiêu biểu TP.HCM giai đoạn từ năm 2020-2030” sẽ được đưa vào phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội để từng bước thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra của TP. Cụ thể, TP ưu tiên lựa chọn tổ chức các dự án lễ hội, sự kiện VHTT tiêu biểu thuộc 4 nhóm: Nhóm lễ hội truyền thống có Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Lễ hội Tết Nguyên tiêu của người Hoa và Lễ hội “Non sông liền một dải”. Nhóm lễ hội văn hóa có Lễ hội Áo dài TP.HCM, Lễ hội “TP.HCM - Ngôi nhà của chúng ta” và Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM.

Nhóm sự kiện văn hóa có các hoạt động chào đón năm mới như Đường Hoa Nguyễn Huệ, Đường Sách Nguyễn Huệ, Hội Hoa xuân, Chợ Hoa xuân “Trên bến dưới thuyền”, Liên hoan Văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam, Liên hoan Nghệ thuật hàn lâm “Giai điệu Mùa thu” và Liên hoan Múa rối Việt Nam. Đối với nhóm sự kiện thể thao, ưu tiên chọn các sự kiện: Giải đua thuyền truyền thống TP.HCM mở rộng, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân TP.HCM, Liên hoan Võ thuật Quốc tế TP.HCM, Giải Marathon TP.HCM và Giải đua xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM.

Theo đó, các sự kiện như Đường Hoa Nguyễn Huệ, Đường Sách Nguyễn Huệ, Hội Hoa xuân, Chợ Hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” và Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5 diễn ra dịp Tết Nguyên đán hằng năm; Lễ hội Áo dài TP.HCM diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng Ba, còn Lễ hội “Non sông liền một dải” nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tổ chức vào 30.4 hằng năm. Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ sẽ được tổ chức vào các ngày 14-16.8 (âm lịch); Lễ hội “TP.HCM - Ngôi nhà của chúng ta” và Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM, dự kiến tổ chức vào tháng 12 hằng năm. Liên hoan Văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam sẽ được tổ chức 1 tuần trước Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; trong khi Liên hoan Nghệ thuật hàn lâm “Giai điệu Mùa thu” sẽ diễn ra vào tháng Tám với định kỳ 2 năm/lần. Tương tự, Liên hoan Võ thuật quốc tế TP.HCM cũng tổ chức 2 năm/lần, dự kiến diễn ra vào quý III. Giải Marathon TP.HCM vào ngày đầu năm mới, Giải đua thuyền truyền thống TP.HCM mở rộng và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân TP.HCM diễn ra vào quý I hằng năm…

 Một góc Đường Sách TP.HCM trong dịp Tết Tân Sửu 2021 Ảnh: HUẾ XUÂN

Đề án cho biết, tiêu chí về lễ hội, sự kiện VHTT tiêu biểu là những lễ hội được TP tổ chức định kỳ. Có những sự kiện, lễ hội đã diễn ra nhiều năm trước, có những sự kiện, lễ hội mới xuất hiện hoặc mới du nhập, được sáng tạo phù hợp và tổ chức tại TP. Những sự kiện này được sự đồng thuận của các nhà khoa học, các nhà quản lý và đặc biệt được công chúng đón nhận. Đơn vị thực hiện đề án này là Sở VHTT TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, đã tiến hành nhiều phương pháp nghiên cứu, khảo sát định lượng, phỏng vấn sâu, tham vấn chuyên gia, tìm hiểu nhu cầu người dân, khách tham quan, đối tượng thụ hưởng giá trị văn hóa của đề án.

Nói về sự cần thiết trong việc xây dựng đề án, UBND TP.HCM cho biết, lễ hội là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, vừa là sinh hoạt cộng đồng, vừa là hình thức trình diễn dân gian, hàm chứa giá trị nghệ thuật, lịch sử, có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa truyền thống của các cộng đồng tộc người, vừa phổ biến ở nước ta và trên thế giới. Trong những năm gần đây, xu hướng đơn điệu hóa, thương mại hóa ngày càng gia tăng, chưa truyền tải các giá trị văn hóa của dân tộc đến người dân, nhiều lễ hội còn mang tính bạo lực, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội khi tổ chức, do vậy cần có sự quản lý, chấn chỉnh.

Việc xây dựng đề án là rất cần thiết, thông qua các hoạt động lễ hội, sự kiện góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc;… đồng thời nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc gắn với quảng bá, giới thiệu các tiềm năng văn hóa, thể dục thể thao và hình ảnh TP.HCM. 

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top