Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Di tích ở Hà Nội lại “kêu cứu”...(Bài 3): Nhiều người "sốt ruột" nhưng chớ vội vàng

Thứ Sáu 09/04/2021 | 11:18 GMT+7

VHO- Có đến cả hàng trăm di tích bị xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng nhưng hiện đang phải đối diện với thực tế là loay hoay vì nguồn kinh phí eo hẹp. Nguồn tiền đầu tư tu bổ, tôn tạo như manh áo chật, che chỗ này lại hở chỗ khác.

 Hạng mục gác chuông chùa Cao xuống cấp phần cửa gỗ đã thay thế

Trước con số di tích xuống cấp ấy, huy động xã hội hóa được xem là một giải pháp. Thế nhưng, xã hội hóa đúng cách, tránh tình trạng “sốt ruột” mà làm biến dạng di tích cũng lại là một bài toán nan giải khác.

Chùa Cao thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy (xã Sài Sơn, Quốc Oai) trong nhiều năm qua đã phải tự chống xuống cấp, mối mọt ăn chân cột, mái xô, dột nền chùa... Chùa nằm trên núi cao, làm gì cũng khó. Riêng khâu vận chuyển nguyên vật liệu từ chân núi đã cần nhiều công sức, chưa kể nguồn kinh phí đầu tư vô cùng khó khăn. Trụ trì di tích, sư thầy Thích Minh Đạo cho biết, mỗi năm đều phải sử dụng nguồn tiền công đức, kêu gọi nhân dân, phật tử trong vùng cùng chung tay sửa chữa những hạng mục xuống cấp.

Trụ trì tại chùa Cao từ năm 1985, chứng kiến các hạng mục của chùa, đặc biệt là phần mái, cấu kiện gỗ bị xuống cấp nặng nề, sư thầy đã kêu gọi người dân, phật tử đóng góp để cố gắng giữ gìn ngôi cổ tự. Mới đây, UBND huyện Quốc Oai đã đưa di tích vào danh mục đề nghị đầu tư công, lập dự án tu bổ chống xuống cấp năm 2021-2025. Đánh giá thực trạng di tích nêu, nhiều báo cáo cho biết những hạng mục gồm Tam bảo, gác chuông, nhà Tổ hiện đang xuống cấp nặng. Theo ông Tạ Minh Trường, cán bộ Phòng VHTT huyện Quốc Oai, khó khăn về kinh phí đã khiến di tích chùa Cao nhiều năm qua chưa được đầu tư tu bổ, mặc dù tình trạng xuống cấp đã kéo dài. Trong bảng tổng hợp tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện từ năm 2010 đến nay, di tích chùa Cao có hai lần tu bổ, tôn tạo vào năm 2016, 2018 nhưng đều từ nguồn vốn xã hội hóa. “Năm 2018, cổng chùa Cao xuống cấp nặng quá, buộc phải sửa chữa nếu không sẽ sập. Nguồn tiền tu bổ sửa chữa khoảng 200 triệu, được huy động từ nguồn xã hội hóa”, ôngTrường cho biết.

Ông Nguyễn Viết Hà, người giúp sư thầy trông nom ngôi chùa Cao, cho hay, 20 năm qua đã chứng kiến sư thầy Thích Minh Đạo nhiều lần sốt ruột cảnh chùa xuống cấp nên kêu gọi phật tử, nhân dân địa phương mỗi người một chút công, chút của để giữ lại những giá trị lâu đời của ngôi cổ tự. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XVII, trải qua nhiều năm tháng đang dần bị đe dọa về tuổi thọ, đặc biệt phần mái và các hạng mục chân cột gỗ nhà Tổ, Tam bảo đều đã bị mục rỗng vì ẩm thấp, mối mọt. “Hai năm trước, vì ngói hỏng, mưa dột nên nhà chùa đi mua lại ngói cổ ở nơi khác để thay phần mái ở các hạng mục Tam Bảo, nhà Tổ. Các chân cột chùa cũng phải tự khắc phục để chống mối mọt...”, ông Hà cho biết. Theo sư thầy Thích Minh Đạo, địa thế chùa Cao nằm trên núi, không gian tổng thể eo hẹp nên cực chẳng đã nhà chùa mới phải huy động để sửa chữa, cốt giữ lại những yếu tố nguyên bản. “Xây dựng một công trình trên núi khó khăn gấp nhiều lần công trình dưới mặt đất, công vận chuyển nguyên vật liệu rất phức tạp nên nếu xuống cấp quá tôi mới thay. Chờ đợi được đầu tư lâu quá, chùa hỏng hết”, thầy Thích Minh Đạo nói. Bên cạnh Nhà Tổ, Tam Bảo thì hạng mục gác chuông cũng đang xuống cấp nặng, trong đó phần cửa gỗ bị mục nát đã phải thay lại một thời gian trước...

 Nhiều hạng mục bị xuống cấp

Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư còn hạn chế, không ít di tích trên địa bàn Hà Nội, trong đó có nhiều di tích ở khu vực ngoại thành đã chủ động thực hiện tu bổ, tôn tạo theo phương thức xã hội hóa.

Tổng kinh phí xã hội hóa hằng năm đều đạt được đến con số đáng kể, cả ngàn tỉ đồng. Nhiều di tích được tu bổ từ nguồn xã hội hóa đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của Thủ đô. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, nguồn xã hội hóa là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do vậy, các cấp chính quyền có trách nhiệm bố trí kinh phí từ các nguồn lực, vận động, tuyên truyền nhân dân đóng góp để bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa tại các địa bàn cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt khi phần lớn di tích xuống cấp nghiêm trọng nằm ở khu vực ngoại thành, những địa chỉ luôn gặp khó về ngân sách cho công tác tu bổ lẫn huy động vốn xã hội hóa, điển hình như địa bàn Ba Vì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mỹ Ðức…

Một khó khăn khác đã được cảnh báo bởi những bài học nhỡn tiền là tình trạng huy động và sử dụng nguồn vốn xã hội hóa nhưng lại làm biến dạng di tích. Theo nhiều chuyên gia di sản, bài học của chùa Trăm Gian, đình Lương Xá... đã để lại nhiều kinh nghiệm chua xót. Đành rằng khó khăn cần phải xã hội hóa, nhưng xã hội hóa như thế nào cho đúng cách, mang lại hiệu quả trong bảo tồn di tích cũng là vấn đề mà các chính quyền các địa phương, BQL các di tích phải quan tâm. “Nhiều trường hợp sư trụ trì, BQL di tích tự ý sửa chữa, hạ giải các hạng mục công trình di tích khi chưa được phép của các cơ quan có thẩm quyền. Hoặc nhiều ngôi đình, chùa bị chi phối bởi ý đồ của nhà tài trợ, tiến hành gấp gáp về thời gian, sai sót về nội dung tu bổ, tôn tạo... Vì thế mới xảy ra thực trạng không ít di tích bị biến dạng sau khi trùng tu, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa. Vấn đề thực tế này cần được nghiêm túc nhìn nhận”, ông Nguyễn Doãn Văn nói.

Trưởng Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội cũng cảnh báo, “mặc dù phải chứng kiến thực trạng xuống cấp của di tích khiến nhiều người sốt ruột, nhưng không thể vì thế mà vội vàng, tùy tiện. “Bài học thực tế đã có, nhiều di tích hạ giải vội vàng là mất đi không thể lấy lại, nhiều hạng mục được sửa chữa, tu bổ theo ý muốn của chủ đầu tư, theo kiểu “thích thì làm” và đến khi phát hiện ra thì sự đã rồi. Trong bối cảnh di tích có nhu cầu tu bổ thì nhiều nhưng nguồn lực, kinh phí còn hạn chế, đòi hỏi chính quyền các địa phương cần sát sao thực tế, chủ động xây dựng lộ trình bảo vệ các di tích một cách bài bản, khoa học, chắc chắn.

Mở rộng việc huy động các nguồn lực đầu tư là điều cần thiết, tuy nhiên không được chủ quan, lơ là bởi chỉ một chớp mắt thôi, rất có thể chúng ta cũng bị mất đi nhiều giá trị văn hóa mà đồng tiền cũng không bao giờ lấy lại được...”. 

 PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top