Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Y phục phim cổ trang Việt vẫn ...lệch chuẩn?

Thứ Sáu 09/04/2021 | 11:13 GMT+7

VHO- Phải thừa nhận rằng phim cổ trang không phải là thế mạnh của điện ảnh Việt. Thực tế cho thấy, rất nhiều bộ phim đã mất điểm trong mắt khán giả ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi khâu phục trang.

 Trang phục là điểm đáng tự hào nhất ở phim "Phượng Khấu"

Có thể nói, thiết kế trang phục cho phim cổ xưa chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là khi nó bị chi phối nhiều bởi yếu tố lịch sử. Đó là lý do khiến cho thị trường phim ảnh Việt luôn khan hiếm và chưa thành công với thể loại này.

Nội dung khó một, phục trang khó mười

Đối với một bộ phim cổ trang thì “sai một ly” có thể “đi một dặm”, bởi ngoài yếu tố nội dung, khán giả luôn đòi hỏi bối cảnh, trang phục của diễn viên phải đem lại cảm giác như thật, đồng thời vẫn phải thỏa mãn được yêu cầu về thẩm mỹ, nghĩa là phải vừa đẹp lại vừa đúng. Thế nhưng, phim cổ trang Việt đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phim cổ trang Trung Quốc và Hàn Quốc nhiều năm qua, nên trang phục cũng bị lai tạp, “sến súa”. Chính vì thế, tranh luận về trang phục trong các bộ phim cổ trang luôn là đề tài nóng trên các diễn đàn về phim ảnh lâu nay.

Sau khi hé lộ thông tin sẽ tham gia bom tấn Quỳnh hoa nhất dạ trong cả hai vai trò diễn viên và nhà sản xuất, nghệ sĩ Thanh Hằng đã khiến dư luận dậy sóng với bộ ảnh tạo hình “ngời ngời khí chất” trong vai Hoàng hậu Dương Vân Nga. Tuy nhiên không lâu sau, nhiều người cho rằng ê kíp sáng tạo đã đạo nhái phục trang của phi tần nhà Thanh. Hay gần đây nhất là bộ phim Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền, chỉ vừa mới tung teaser đã vấp phải không ít tranh cãi. Đó là hình ảnh nàng Kiều ngồi đánh đàn với tấm lưng trần, điều này đã tạo nhiều ý kiến trái chiều vì trang phục không phù hợp với bối cảnh câu chuyện.

Một bộ phim được đầu tư khá nhiều cho phục trang là Tấm Cám: Chuyện chưa kể vẫn bị khán giả chỉ trích vì “làm lố”, không thuần Việt và không phản ánh đúng nét văn hóa của tiền nhân. “Cố đấm ăn xôi” như phim Mỹ nhân cũng không thể trụ nổi quá một tuần khi ra rạp vì phục trang chẳng hề “ăn rơ” với đề tài nội dung. Thậm chí có những phim chưa kịp phát hành đã bị “tuýt còi” ở khâu kiểm duyệt hoặc khán giả chỉ trích gay gắt khiến chúng phải ngậm ngùi… thân phận xếp kho. Bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long còn bị cấm chiếu vĩnh viễn vì sử dụng phục trang lai căng, phim được quay ở phim trường Hoành Điếm - Trung Quốc nên bối cảnh không có một nét nào thuần Việt.

Trên thực tế, phim cổ trang luôn đòi hỏi kinh phí đầu tư cao, bên cạnh đó, các nhà làm phim cũng rất khó khăn trong khâu tìm kiếm tư liệu, hình ảnh về trang phục các cụ ta xưa kia. Theo kết quả nghiên cứu được công bố, tính đến nay ngoài trang phục triều Nguyễn ra, chúng ta tìm được rất ít tư liệu về các triều đại trước như Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê... Ngoài ra, công việc phục chế những bộ trang phục cổ không chỉ cần phải đối chiếu các nguồn tư liệu trong nước mà còn tham chiếu tư liệu, trang phục của các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để từ đó đưa ra mẫu phục dựng và phỏng dựng gần đúng nhất với thực tế. Việc này, ngay cả những người nghiên cứu chuyên sâu cũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thì đoàn phim còn khó hơn trăm phần.

Đẹp nhưng phải đúng

Trong bối cảnh đó, cách làm của nhà sản xuất phim Phượng Khấu đã cho thấy tín hiệu lạc quan, không ít người trong giới đã nhìn nhận trang phục phim cổ trang Việt đang ngày càng đẹp lên và xem đây là cơ hội để vực dậy mảng này sau chuỗi ngày “thất bại”. Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, trang phục là điểm đáng tự hào nhất ở bộ phim, bởi Phượng Khấu là dự án có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về trang phục thời Nguyễn để đưa vào phim. Tổng số trang phục được sử dụng là gần 300 bộ, chiếm khoảng 1/3 kinh phí làm phim. Dù chỉ là web drama” nhưng nhà sản xuất đã làm rất kỹ, trong đó có việc tổ chức các buổi tọa đàm lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, chuyên gia, đây là điều mà nhiều nhà làm phim Việt cần phải học hỏi. Toàn bộ phần nghiên cứu, thiết kế và thực hiện đều được thực hiện bởi Ỷ Vân Hiên - đơn vị chuyên phục dựng trang phục cổ. Để có những bộ xiêm y vương triều lộng lẫy, Ỷ Vân Hiên đã nghiên cứu, thiết kế, chế tác thủ công tỉ mỉ trên các loại chất liệu cao cấp… Sau khi phim ra mắt, nhiều khán giả đã so sánh với những bức ảnh chụp trang phục thời nhà Nguyễn và khẳng định trang phục trong phim đã bám sát cứ liệu lịch sử, một thành công nằm trong dự kiến của bộ phim.

Nếu đặt lên bàn cân thì rõ ràng phim cổ trang Việt không thể sánh với những “cây đa cây đề” như Trung Quốc hay Hàn Quốc. Thế nhưng trong vài năm tới, cơ hội để bắt kịp là hoàn toàn có thể, nếu như các nhà làm phim thật sự nghiêm túc, có sự đào sâu nghiên cứu về lịch sử, văn hóa dân tộc, chứ không phải là những bộ phim hời hợt, cẩu thả, nội dung “một đường” trang phục “một nẻo”. Để có thể loại bỏ tình trạng trang phục phim cổ trang Việt kệch cỡm hay “sáng tạo” quá đà, có lẽ chúng ta cần những quy định chuẩn hóa về họa tiết, hoa văn, trang phục, bối cảnh... của nước ta xưa. Khi có quy định rõ ràng, những tranh cãi cũng sẽ giảm bớt, đồng thời tránh được những trường hợp sai lệch đến mức phản cảm. Trong thiết kế trang phục, sáng tạo là cần thiết để đẹp hơn, hoàn thiện hơn, thế nhưng sáng tạo nào cũng phải dựa trên nền tảng kiến thức chứ không phải “thích gì làm nấy” như nhiều phim lâu nay.

Phim cổ trang không chỉ đơn thuần mang tính giải trí, mà qua đó khán giả sẽ có cơ hội để tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc nhiều hơn. Hy vọng rằng, trong thời gian tới các nhà làm phim sẽ mạnh dạn bước vào địa hạt “vàng” nhưng vẫn còn đang bỏ ngỏ này, thay vì chỉ chú trọng làm phim hài hay remake. 

 HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top