Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nghị định mới quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo: Tăng nặng mức phạt với nhiều hành vi vi phạm

Thứ Sáu 02/04/2021 | 11:47 GMT+7

VHO- Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 38/2021/ NĐ-CP (Nghị định 38) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đối với công tác thực thi pháp luật nói chung và lĩnh vực văn hóa, quảng cáo nói riêng, có hiệu lực từ ngày 1.6.2021 .

Ông Lê Thanh Liêm (ảnh), Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) đã có cuộc trao đổi với Văn Hóa về những nội dung liên quan đến Nghị định.

 Xin ông cho biết sự cần thiết ban hành Nghị định 38 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo?

- Ông Lê Thanh Liêm: Nghị định 38 được ban hành sẽ thiết lập một hành lang pháp lý quan trọng đối với công tác thực thi pháp luật nói chung và lĩnh vực văn hóa, quảng cáo nói riêng. Việc ban hành Nghị định 38 thay thế Nghị định 158/2013/ NĐ-CP (Nghị định 158) đảm bảo tinh thần Chỉ thị 43/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

Nghị định 38 được ban hành trước những yêu cầu cần có sự bổ sung, điều chỉnh các hành vi trong Nghị định số 158 khi nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Trên thực tế, một số hành vi quy định xử phạt trong Nghị định 158 đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật về nội dung, vì vậy những quy định xử phạt vi phạm hành chính cần phải thay đổi để đảm bảo sự phù hợp với những quy định pháp luật mới ban hành. Cụ thể như, sản xuất phim không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư; khoảng cách từ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tới trường học, bệnh viện không còn là điều kiện của cơ sở kinh doanh karaoke theo quy định của Nghị định số 154/2019/NĐ- CP... Mặt khác, một số quy định của pháp luật về nội dung đã có nhưng chưa xây dựng hành vi để xử lý vi phạm như quy định về tỉ lệ chiếu phim, thời gian chiếu phim cho trẻ em tại rạp; chiếu phim đã được phân loại phim mà không có cảnh báo độ tuổi; vi phạm một số quy định cấm trong sản xuất phim...

Xử phạt là một trong những biện pháp quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật. Trong thời gian qua có nhiều hành vi vi phạm trong các lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cần phải bổ sung và tăng mức xử phạt nhằm nâng cao tính răn đe như những hành vi vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa; những hành vi lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng, các hoạt động văn hóa ở cơ sở để trục lợi... Qua rà soát và thực tiễn công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cho thấy một số quy định về hành vi vi phạm với mức phạt tiền theo quy định cũ tại Nghị định số 158 chưa tương xứng với lợi nhuận bất hợp pháp mà các đối tượng vi phạm thu được, dẫn đến tình trạng đối tượng sẵn sàng vi phạm.

 Đối với hành vi tu bổ, tôn tạo... di tích trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng được quy định tại Nghị định số 38. Trong ảnh: Tu bổ, tôn tạo trái phép tại chùa Bối Khê (năm 2019)

 Những điểm mới đáng chú ý tại Nghị định số 38 là gì, thưa ông?

- Nghị định 158 có 431 hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo bị xử phạt hành chính thì Nghị định 38 sửa đổi, bổ sung 201 hành vi, tỉ lệ khoảng 40%. Mức xử phạt được điều chỉnh tăng từ 20-30%. Trong đó, có nhiều hành vi vi phạm được quy định tăng cao mức tiền xử phạt để nâng tính răn đe, một số hành vi tăng gấp đôi mức xử phạt.

Ở lĩnh vực điện ảnh, Nghị định tăng mức phạt tiền ở một số hành vi về phổ biến phim; bổ sung hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động chiếu phim hay một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ phim vi phạm trên môi trường mạng; lược bỏ hành vi sản xuất phim phải có giấy phép vì không còn phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014... Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Nghị định bổ sung một số hành vi kê khai không trung thực, hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; hành vi cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép hoặc sử dụng giấy phép của tổ chức, cá nhân khác. Bổ sung nội dung bị cấm trong một số hành vi, đồng thời tăng mức phạt tiền đối với hành vi về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu...

Nghị định tăng mức phạt đối với một số hành vi, đơn cử như phạt tiền từ 40- 45 triệu đồng đối với hành vi tổ chức biểu diễn, thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn có nội dung kích động bạo lực, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại... Phạt từ 45-50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức biểu diễn, thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn có nội dung xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân... Về lĩnh vực tổ chức lễ hội, kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng, Nghị định tăng mức xử phạt các hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để trục lợi, hành vi về nếp sống văn hoá gây ảnh hưởng đến phong tục tập quán, sức khoẻ con người; sửa đổi các điều kiện doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Đặc biệt, tăng mức tiền xử phạt đến tối đa đối với hành vi kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng vi phạm các quy định cấm. Cụ thể, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y hoặc tổ chức hoạt động mang tính chất đồi trụy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống giải khát hoặc nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác. Về lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Nghị định bổ sung hành vi mới phù hợp với quy định của Nghị định số 23/2019/NĐ-CP. Nghị định cũng đã xây dựng lại kết cấu riêng cho từng hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm bảo đảm không bị bỏ sót hành vi và quy định mức phạt phù hợp.

Về lĩnh vực di sản văn hoá, công trình văn hoá, nghệ thuật, Nghị định nâng mức phạt cho một số hành vi vi phạm quy định cấm trong lĩnh vực di sản văn hóa, điều chỉnh biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế. Theo đó, phạt 40-50 triệu đồng đối với các hành vi như: Hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh; sử dụng trái phép di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mà không có giấy phép...

Về lĩnh vực quảng cáo, Nghị định sửa đổi các hành vi bị cấm phù hợp với Luật Quảng cáo. Bổ sung một số hành vi vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, quy định không tự tháo dỡ sản phẩm quảng cáo rách, nát mất mỹ quan, quy định về quảng cáo thuốc, quy định về quảng cáo trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, quảng cáo trên thiết bị đầu cuối, quảng cáo trong phim... Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, các biện pháp khắc phục hậu quả như loại bỏ các yếu tố sai phạm trên sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, buộc thu hồi sản phẩm in, tạp chí có sản phẩm quảng cáo sai phạm...

Nghị định 38 cũng sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thư viện và các lĩnh vực văn hóa khác. Trong đó, tăng mức phạt đến tối đa đối với hành vi sản xuất băng, đĩa trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy, làm phương hại đến chủ quyền quốc gia...

 Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 38 như thế nào, thưa ông?

- Tới đây Bộ VHTTDL sẽ tổ chức các Hội nghị quán triệt nội dung Nghị định đối với các Bộ, ngành, các Sở VHTTDL, Sở VHTT... Các địa phương sau đó sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai ở từng lĩnh vực, đảm bảo hiệu quả thực thi. Tất nhiên, cũng phải thấy rằng, với phạm vi rộng, việc triển khai, đưa các nội dung của Nghị định vào đời sống không thể một sớm một chiều.

 Xin trân trọng cảm ơn ông! 

 

  Thưa ông, với phạm vi rộng, Nghị định 38 sau khi có hiệu lực sẽ tác động như thế nào đối với thực tiễn đời sống?

- Nghị định được ban hành sẽ giải quyết được những tồn tại, bất cập như đã nêu ở trên, đồng thời nhằm góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về văn hóa, quảng cáo nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, bảo đảm phù hợp với sự phát triển khách quan của thực tiễn. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng để nâng cao hiệu quả thực thi thì công tác tuyên truyền phải thường xuyên được đẩy mạnh nhằm đưa tinh thần, nội dung Nghị định đến với các cơ quan quản lý, thực thi và đặc biệt là đến từng người dân.

 PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top