Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Danh thắng quốc gia thác Cam Ly đang bị bức tử

Thứ Tư 31/03/2021 | 17:28 GMT+7

VHO- Nằm giữa lòng thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), danh lam thắng cảnh quốc gia thác Cam Ly từng mang vẻ đẹp kiều diễm, làm say đắm biết bao thế hệ người dân, du khách mỗi khi lui tới. Tuy nhiên hiện thác Cam Ly đang bị “bức tử”, dòng nước của thác bị ô nhiễm nặng nề, sủi bọt bốc mùi hôi thối nồng nặc.

 Danh thắng thác Cam Ly ô nhiễm, nưới sủi bọt bốc mùi hôi thối

Nhiều du khách bày tỏ sự ám ảnh và tiếc nuối khi danh thắng quốc gia đầy thơ mộng này đang “chết dần, chết mòn” trước sự bế tắc về giải pháp cứu chữa.

Danh thắng bị “đầu độc” nhiều năm

Đến với danh thắng quốc gia thác Cam Ly vào những ngày này, chúng tôi chứng kiến sự vắng vẻ đến kỳ lạ, gần như không một bóng du khách mà chỉ nghe tiếng réo rắt của dòng thác nước đen ngòm đổ xuống, sủi bọt, bốc mùi hôi thối được “chưng đọng” của đủ loại chất thải. Theo ghi nhận của phóng viên Văn Hóa thi thoảng mới có một vài du khách hiếm hoi tìm đến thác, sau một vài giây phút bị “tra tấn” bởi mùi hôi nồng nặc, rồi lẳng lặng lắc đầu thất vọng quay ra vì không tài nào chịu nổi.

Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng buồn này, chúng tôi lần lên thượng nguồn thác Cam Ly và bắt gặp các con suối chảy qua thành phố Đà Lạt dài 10,2 km được chia làm bốn đoạn chảy qua phường 5, phường 1, phường 8 và phường 7. Các con suối cũng đang đang chịu cảnh ô nhiễm rất nặng nề. Dưới lòng suối nước đen kịt, chứa đầy chai lọ, rác thải do cư dân xả thẳng ra đây rồi dẫn thẳng ra thác Cam Ly. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đắc Hùng, một du khách đến tham quan cho biết, “trước đây cứ vào dịp nghỉ cuối tuần gia đình tôi thường tìm đến thác Cam Ly tham quan vui chơi. Lúc đó có rất đông du khách tới tham quan. Thời gian trở lại đây thác bị ô nhiễm bốc mùi rất khó chịu nên gần như không đến ai đến nữa. Gia đình tôi rất thất vọng khi để một danh thắng quốc gia trở nên như thế này”.

Trong khi đó, một tiểu thương lớn tuổi có sạp quần áo cho khách thuê mặc chụp hình lưu niệm tại thác Cam Ly thổ lộ: “Thác Cam Ly xanh trong, thơ mộng là thế giờ không biết tại sao lại hóa ra đen kịt, sủi bọt bốc mùi hôi thối khủng khiếp. Sạp hàng quần áo cũng vắng hoe, không có khách tới thuê. Buồn lắm, nhưng làm nghề này 15 năm rồi, phải cố bám trụ chứ không bỏ được”. Sát bên sạp quần áo là thợ chụp ảnh tay dắt theo con ngựa để chào đón khách chụp hình lưu niệm. Nhưng cả một buổi sáng không chụp được bức hình nào cho khách, vì chẳng có khách lui tới.

Theo quan trắc chất lượng môi trường nước hằng năm của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, tại thác Cam Ly, các thông số đánh giá mức độ ô nhiễm đều vượt chuẩn. Chất lượng nước đang bị cả ô nhiễm hữu cơ, vi sinh và chất thải rắn lơ lửng, được xếp vào nhóm nước ô nhiễm nặng. Đặc biệt, tại hai vị trí cầu Cẩm Đô, cầu Cam Ly, nguồn nước trước khi đổ xuống dòng thác Cam Ly có nồng độ nitơ, nitric, amoni vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Trong đó, nguồn gây ô nhiễm chính phát sinh từ khu vực thượng nguồn hồ Xuân Hương, đoạn suối từ hồ Xuân Hương và một số khu vực thuộc phường 4 (đường Đồng Tâm, Gio An, Huyền Trân Công Chúa…) đến thác Cam Ly.

 Thượng nguồn thác Cam Ly cũng bị ô nhiễm nặng do dân xả rác, nước sinh hoạt

Thu hồi dự án du lịch thác Cam Ly

Làm gì để trả lại sự trong lành vốn có cho danh thắng quốc gia Cam Ly luôn là câu hỏi được đặt ra không chỉ đối với chính quyền địa phương mà cả đối với người dân thành phố, với những người yêu mến Đà Lạt.

Để có thể thông tin về công tác quản lý, xứ lý ô nhiễm tại thác Cam Ly, phóng viên Văn Hóa đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng. Qua trao đổi ông Nguyễn Viết Vân cho biết, danh thắng quốc gia thác Cam Ly được tỉnh giao cho Công ty cổ phần Dịch vụ, du lịch Đà Lạt khai thác đón khách du lịch. Tình trạng ô nhiễm tại thác Cam Ly diễn ra từ nhiều năm nay, Sở cũng đã nhiều lần phối hợp UBND TP Đà Lạt kiểm tra, xác định tình trạng ô nhiễm. Nguyên nhân gây ô nhiễm được xác định là do nước thải sinh hoạt, các hoạt động sản xuất nông nghiệp của hơn 250 ngàn cư dân thành phố cộng với nguồn rác thải (lỏng và rắn) từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch, thương mại của hàng chục trung tâm, chợ buôn bán lớn nhỏ, gần 18 ngàn nhà hàng, khách sạn cơ sở lưu trú... Vấn đề ô nhiễm tại thác Cam Ly, Sở VHTTDL cũng đã có báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan vào cuộc xử lý.

Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm tại thác Cam Ly, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo khoa học tìm giải pháp xử lý với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể, đại diện nhân dân, các nhà khoa học. Nhiều ý kiến, giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước đã được đưa ra, mong muốn cứu lấy thác Cam Ly, cứu lấy danh lam thắng cảnh quốc gia khi chưa quá muộn. Hầu hết các ý kiến cho rằng, muốn xử lý tận gốc rễ gây ô nhiễm tại thác Cam Ly thì cần phải tăng cường quản lý, kiểm soát quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất hợp lý để cân bằng giữa đất và nguồn nước, giữ được nguồn nước thủy sinh trong lưu vực; quy hoạch trong nông nghiệp, hạn chế việc xây dựng nhà kính, nhà lưới tùy tiện, tự phát, đảm bảo các công trình xử lý môi trường trong nhà lưới, nhà kính. Quản lý chặt chẽ các dự án sản xuất nông nghiệp, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý việc sử dụng phân bón hóa học, bao bì các loại thuốc bảo vệ thực vật. Các cơ sở dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại hoàn thiện các công trình xử lý nước thải, rác thải, tự giác kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm.

Thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường theo nguyên tắc “Ai xả người đó phải trả, ai hưởng thành quả người đó phải trả, xả ra thế nào trả thế ấy”; thể chế hóa các quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Viết Vân cho biết thêm, do thác Cam Ly ô nhiễm, gây phản cảm trong mắt người dân và du khách nên UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi dự án điểm du lịch này của Công ty cổ phần Dịch vụ, Du lịch Đà Lạt để chờ xử lý các vấn đề liên quan. Sau khi xử lý xong các vấn đề liên quan và ô nhiễm tại đây, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ giao lại cho một đơn vị khác khai thác du lịch. 

XUÂN HƯỚNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top