Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Siết kiểm soát phim  trên không gian mạng

Thứ Tư 24/03/2021 | 11:26 GMT+7

VHO- Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang trong giai đoạn tích cực hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10.2021. Nỗ lực để hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, dự Luật có nhiều nội dung mới được dư luận quan tâm.

 Luật Điện ảnh (sửa đổi) tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim

Trong đó đáng lưu ý có những điều luật nhằm siết chặt quản lý phim trên không gian mạng đang thu hút nhiều ý kiến tranh luận.

Lấp khoảng trống

Luật Điện ảnh hiện hành trong những năm qua đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như sự phát triển của ngành điện ảnh. Trong đó, Luật đã tạo được bước chuyển trong hoạt động phát hành, phổ biến phim, đưa hoạt động này dần đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh của nhân dân.

Tuy nhiên, cùng với những tác động tích cực, qua 14 năm thực hiện đã có một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung trong Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ kỹ thuật số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm cho một số quy định của Luật Điện ảnh trở nên lạc hậu, không còn phù hợp. Các quy định của luật hiện hành chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý phát hành và phổ biến phim trong môi trường số, qua vệ tinh, trên Internet và các phương tiện truyền thông khác. “Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần chỉnh sửa, bổ sung những quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động điện ảnh, qua đó tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh một cách bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, cùng nhau đóng góp xây dựng nền điện ảnh Việt Nam mang bản sắc dân tộc, tiên tiến và hiện đại”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Tại dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang được đăng tải xin ý kiến trên Cổng thông tin Điện tử của Bộ VHTTDL nêu, việc phổ biến phim trên không gian mạng phải đảm bảo các quy định: Không vi phạm những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh (điều 8) và bảo đảm phim có bản quyền hợp pháp và chịu trách nhiệm về nội dung phim phát hành (điểm c khoản 2 điều 13). Phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại phổ biến phim theo quy định của Bộ VHTTDL. Đồng thời, quy định doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc Văn phòng đại diện Việt Nam.

 Phim phổ biến trên không gian mạng sẽ được kiểm soát trong Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đảm bảo quyền lợi người sử dụng

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, quy định về phổ biến phim chiếu trên không gian mạng là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến trong quá trình soạn thảo. Theo dự Luật, phim phổ biến trên không gian mạng được kiểm soát theo phương án tự kiểm, hậu kiểm. Các nhà sản xuất, phát hành phim căn cứ vào những điều cấm trong Luật, quy định phân loại độ tuổi..., tự kiểm trước khi phát trên không gian mạng; công tác kiểm tra là hậu kiểm.

Vẫn có những ý kiến cho rằng cần theo phương án tiền kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng, thực hiện như đối với phim phát hành trong hệ thống rạp. Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, phương án tiền kiểm cũng bị cho rằng khó khả thi. Trước hết bởi số lượng phim rất nhiều, khó có thể kiểm duyệt, cấp phép hết trước khi phổ biến. Dù nghiêng về phương án nào đi nữa thì các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết của quy định quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Ông Lê Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài THVN chia sẻ, hiện có tới 70% lưu lượng truy cập Internet mỗi ngày chỉ để xem video. Nhu cầu sử dụng các ứng dụng giải trí như Netflix, Youtube... đang chiếm phần lớn lưu lượng truy cập Internet trong các hộ gia đình. Trong đó, nền tảng xem phim trực tuyến ghi nhận rõ ràng những thay đổi này. Theo một số thống kê năm 2019-2020, nền tảng chiếu phim trực tuyến bùng nổ và lần đầu tiên đạt doanh thu lớn hơn doanh thu phòng chiếu. Ông Mạnh khẳng định, Luật Điện ảnh (sửa đổi) có các điều khoản quản lý phim trên không gian mạng là hoàn toàn phù hợp với thực tế.

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, việc đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng mạng tại Việt Nam để xem phim trực tuyến. Như vậy, nếu theo phương án tự kiểm và hậu kiểm thì rõ ràng, trách nhiệm tự kiểm soát nội dung của các nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim trên mạng cần phải được tăng cường. Trên thực tế, thời gian gần đây đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các quy định pháp luật, đem lại rủi ro cho người sử dụng. Nhiều doanh nghiệp không có cam kết với người sử dụng về chất lượng, khi chất lượng kém, thậm chí mất dịch vụ thì người sử dụng lại không được bảo vệ.

Ngoài nội dung mới về kiểm soát phim phổ biến trên không gian mạng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng điều chỉnh, bổ sung nhiều vấn đề phù hợp với bối cảnh hiện nay. Theo đó, dự Luật tập trung vào 4 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật. 

 Cần thiết xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập, đồng thời bổ sung những vấn đề mới phát sinh cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với xu thế đổi mới và tăng cường hội nhập quốc tế...

(Cục trưởng Cục Điện ảnh VI KIẾN THÀNH)

THẢO PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top