Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Có hay không việc “chèn ép” phim ra rạp?

Thứ Hai 11/01/2021 | 11:29 GMT+7

VHO- Thị trường phim Việt bước vào năm mới 2021 đầy hứng khởi và sôi động với lượng phim phong phú lấp đầy các phòng vé. Tưởng chừng sau một năm “đói kém”, giờ là lúc chỉ bàn về doanh số, thế nhưng thực tế lại đang râm ran những chuyện “cạnh tranh không lành mạnh” về việc sắp xếp suất chiếu, giờ chiếu trong “khung vàng” của chủ rạp.

 Phim “Người cần quên phải nhớ” được đánh giá cao về nội dung nhưng doanh thu phòng vé đang đứng “đội sổ”

 Đây là vấn đề không mới, bởi trước đó nhiều NSX đã lên tiếng, nhưng xem ra câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. Điều đáng nói, lần đầu tiên có một NSX chính thức tuyên bố rút khỏi rạp vì cho rằng bị chèn ép.

NSX than trời vì bị xếp vào khung giờ xấu

Thống kê cho thấy, thị trường phim Việt luôn ngấp nghé con số trên dưới 40 bộ phim ra rạp mỗi năm, thế nhưng để đạt doanh thu mơ ước trăm tỉ thì không quá số ngón của một bàn tay, nhiều phim thậm chí lỗ nặng. Theo giới chuyên môn, nguyên nhân thất bại ngoài việc nội dung không hấp dẫn, truyền thông yếu, phát hành không đúng lúc hoặc cùng thời điểm quá nhiều phim cùng ra rạp,… thì còn có một nguyên nhân quan trọng là do bị xếp vào khung giờ “xấu”. Hiện tại 2 bộ phim Việt là Người cần quên phải nhớ Võ sinh đại chiến đang bị nghi vấn thiếu công bằng trong việc xếp suất chiếu dẫn đến doanh thu quá thấp, NSX cầm chắc lỗ vốn.

Theo đó, hiện Chị Mười Ba 2: 3 ngày sinh tử đang dẫn đầu phòng vé; tiếp đến lần lượt là các phim ngoại Soul: Cuộc sống nhiệm mầu, Thợ săn quái vật, Nữ thần chiến binh..., các phim Võ sinh đại chiến Người cần quên phải nhớ đang đứng “đội sổ”. Mới đây, NSX Võ sinh đại chiến đã đăng đàn nói về nguyên nhân phim mình xếp cuối bảng về doanh thu: Không có gương mặt quen thuộc ăn khách; studio sản xuất non trẻ; không có sự tham gia đầu tư của bất kỳ nhà phát hành nào. “Một lý do nữa là giờ chiếu bất lợi khiến doanh thu của Võ sinh đại chiến bị ảnh hưởng nghiêm trọng và các nhà phát hành lại lấy việc đó để tiếp tục ép suất chiếu và giờ chiếu, khiến cho tình trạng của phim càng thê thảm. Chất lượng của bộ phim không liên quan đến việc phim có đến được với khán giả hay không, vì quyền lực đó nằm trong tay của những nhà phát hành và các chủ rạp”, vị này nói. Còn NSX Charlie Nguyễn cũng đặt nghi vấn, không biết do nguyên nhân nào mà Người cần quên phải nhớ bị lỗi đặt vé trên app CGV. Không chỉ ở CGV, phim còn bị chèn ép trên chính sân nhà Lotte và các cụm rạp khác. Doanh số của phim cứ thế giảm đều và khả năng sẽ bị “out” sớm.

Đỉnh điểm câu chuyện này, NSX Võ sinh đại chiến đã tuyên bố rút phim khỏi rạp chỉ sau 6 ngày công chiếu. “Đã có rất nhiều các phim của các NSX độc lập bị tước đi cơ hội tiếp cận khán giả, lặng lẽ biến mất với những khoản lỗ mà không ai dám lên tiếng vì sợ sẽ bị làm khó cho những phim tiếp theo”, đại diện NSX phim bức xúc.

Phân tích khách quan, một NSX phim cho biết, những bộ phim thất bại chủ yếu rơi vào các NSX tư nhân, tự phát và không có định hướng cụ thể, không có sự đoàn kết, liên kết để phát triển. Các NSX nhỏ chưa có thương hiệu rất khó mời các đạo diễn nổi tiếng và các diễn viên ngôi sao đảm bảo doanh thu phòng vé. “Một bộ phim nếu không có đạo diễn nổi tiếng và không có ngôi sao phòng vé thì chắc chắn khó có thể xếp suất chiếu đẹp”, vị này khẳng định. Một NSX khác thì cho rằng, việc xếp suất chiếu cũng như tỉ lệ ăn chia tại các cụm rạp chưa công bằng nên các NSX tư nhân rất khó thu hồi vốn.

Rạp chiếu chi phối đầu ra của thị trường điện ảnh?

Theo thống kê, thị phần rạp chiếu phim của Việt Nam hiện tại chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thống lĩnh. Tính theo số phòng chiếu hiện đang hoạt động, CGV đang nắm 43%, Lotte 20%, Galaxy 9%, BHD 6%, Platinum 1%, Trung tâm chiếu phim quốc gia 2% và các đơn vị còn lại 19%. Giống như vai trò của hệ thống bán lẻ, rạp chiếu phim nắm đầu ra của thị trường điện ảnh, nên họ là những người quyết định cung cấp phim gì cho khán giả xem.

Thông thường, các doanh nghiệp sản xuất sẽ tìm một đơn vị có kinh nghiệm để phát hành và ký hợp đồng cho thuê phim với các chủ rạp chiếu phim trên cơ sở phân chia doanh thu. Hiện nay, phim Việt chiếm khoảng 20-30% thị phần về doanh thu, con số này có thể tăng được lên 40-50% khi có sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước và được cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh và không bị chèn ép hoặc bị áp đặt những điều kiện không công bằng so với phim ngoại. Số liệu này cũng có thể giảm xuống chỉ khoảng 10% nếu không được các cơ quan chức năng ngăn chặn quyết liệt và kịp thời. Một NSX thông tin, phim chiếu xong thì nhà đầu tư được nhận doanh thu tuần đầu 50%, rồi 45%, 40%. Nhà đầu tư còn phải nộp 10% phí phát hành, đây là điều bất công đối với các NSX phim Việt Nam. Trong khi đó Luật Doanh nghiệp, Luật Điện ảnh, Luật Cạnh tranh đều không có quy định cụ thể về việc ăn chia khi phát hành phim, vì vậy, việc “chia chác” đều theo thỏa thuận giữa NSX và nhà phát hành. Thậm chí nội dung hợp đồng còn phải chịu điều khoản “bảo mật”, đây cũng là nguyên nhân mà các nhà đầu tư và các NSX phim Việt Nam ngày càng “cụt vốn”.

Trở lại câu chuyện “chèn ép” suất chiếu, giờ chiếu của cụm rạp, một người có kinh nghiệm trong nghề đưa ý kiến: “Rạp chiếu là cái chợ để các phim bán hàng. Tham gia vào chợ thì phải chấp nhận quy định của chợ. Bản thân người bán phải có chiến lược để kích cầu cho sản phẩm mình, bởi đây là thương trường. Nếu để ý thì thấy, việc “giận lẫy” và chỉ trích “bị rạp chèn ép” thường chỉ đến từ các NSX mới, ít có trải nghiệm về sự khắc nghiệt của thị trường. Vì thế, không nên đánh đồng đây là quan điểm chung của toàn giới sản xuất phim”. 

THÙY TRANG - HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top