Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

5 năm Đường Sách TP.HCM: Tạo “cú hích” để văn hóa đọc lan tỏa

Thứ Tư 06/01/2021 | 12:07 GMT+7

VHO- Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có chính sách đầu tư và bảo tồn, phát triển Đường Sách như một di sản, tránh trường hợp thương mại hóa không gian văn hóa này.

 Không gian Đường Sách TP.HCM

Tọa đàm “Đường Sách TP.HCM: Nhìn lại chặng đường 5 năm” được tổ chức vào hôm qua 5.1, các đại biểu đã có những đánh giá tổng quan và tác động của Đường Sách trong đời sống văn hóa tinh thần đối với công chúng trong 5 năm qua.

Khoảng 8.000 lượt người đến mỗi ngày

Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường Sách cho biết, trong 5 năm qua, Đường Sách đã đón khoảng 11,5 triệu lượt khách, nếu không kể thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trung bình mỗi ngày Đường Sách đón khoảng 8.000 lượt khách đến tham quan, đọc và mua sách. Tổng doanh thu của các đơn vị có gian hàng đạt được 181 tỉ đồng; với hơn 3,5 triệu bản sách được bán ra, trong đó có hơn 57.000 tựa sách mới.

5 năm qua, Đường Sách TP.HCM đã tổ chức gần 1.200 sự kiện với các loại hình hoạt động ngày càng đa dạng, được đầu tư vào chiều sâu, góp phần gia tăng lượng bạn đọc đến Đường Sách để tìm mua sách và tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa. Trong số này, có 83 hoạt động lễ hội, chủ đề gắn với các sự kiện chính trị - xã hội – văn hóa – giáo dục; 97 hoạt động trưng bày, triển lãm những tác phẩm sáng tác trên nhiều lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; 671 sự kiện giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm, ký tặng sách; 40 chương trình giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống đến hiện đại; 30 hoạt động giao lưu văn hóa - nghệ thuật của các tổ chức nước ngoài; 36 chương trình giao lưu, trao đổi về nghề nghiệp trong lĩnh vực hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc; 67 chương trình giao lưu phát triển văn hóa đọc dành cho học sinh, sinh viên; 170 sân chơi tương tác thu hút đông đảo bạn đọc, du khách, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.

Phân tích về kết quả hoạt động, ông Lê Hoàng cho hay, từ năm 2016 - 2019, hoạt động kinh doanh của các đơn vị tại Đường Sách tăng trưởng đều đặn và ổn định, doanh thu bình quân mỗi năm tăng khoảng 10 - 15%. Đến năm 2020, một năm thật sự khó khăn với tất cả ngành nghề, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ sản xuất đến kinh doanh, dịch vụ,... và thu nhập của người dân trên toàn cầu bị giảm sút rất nhiều nên các chỉ số kinh doanh tại Đường Sách bị sụt giảm cũng là điều không thể tránh khỏi. So với năm 2019, doanh thu năm 2020 giảm 28%, số bản sách giảm 37%, số tựa sách mới giảm 40%, lượt khách tới Đường Sách giảm 42%.

Đánh giá tác động của Đường Sách trong đời sống văn hóa tinh thần đối với công chúng, nhiều ý kiến khẳng định, 5 năm qua, Đường Sách TP.HCM đã thực sự trở thành điểm đến thân thiện không chỉ của người dân TP mà đã lan tỏa niềm say mê tới du khách cả nước và bạn bè quốc tế. Nơi đây không chỉ là nơi mua, đọc và trao đổi sách mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp của các tác giả, các nhà xuất bản. Đặc biệt, Đường Sách còn là nơi diễn ra các hoạt động nhằm lưu truyền và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật sân khấu, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, kiến trúc,… Nhiều trường học, cơ sở giáo dục, với đông đảo các bạn học sinh, sinh viên cũng chọn đến đây để học tập vui chơi giải trí, tiếp cận với sách, tham gia các hoạt động trải nghiệm phát triển kỹ năng và hình thành thói quen đọc sách; là nơi giao thoa, trao đổi về văn hóa trong cả nước và quốc tế.

Kiến tạo một Đường Sách xa hơn để bảo tồn

Ngay từ những buổi đầu đi vào hoạt động, từ một con đường giao thông - đường Nguyễn Văn Bình chỉ có chiều dài 144m, lòng đường rộng 8m, hai bên vỉa hè rộng 6m nhưng sau khi thiết kế, xây dựng xong đã tạo được một không gian văn hóa riêng biệt giữa lòng thành phố.

 Ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch HĐTV NXB Trẻ chia sẻ, “câu chuyện Đường Sách khiến cho tôi rất cảm phục. Khi nhìn lại 5 năm với những con số, thành quả rất đáng kinh ngạc, tự hào cho thấy tri thức được ươm tạo từ không gian văn hóa này đã đến được với cộng đồng. Nhớ lại những ngày đầu hình thành, không phải không có người không tin vào sự thành công của Đường Sách, nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ những người tâm huyết, Đường Sách đã ghi tên mình vào tâm trí cộng đồng, là địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ, nhất là bạn trẻ. Du khách trong nước và nước ngoài cũng đã tìm đến trong hành trình tham quan TP.HCM, đây là địa chỉ văn hóa - du lịch đáng tự hào.

Sự thành công của Đường Sách thực sự là “cú hích” để văn hóa đọc cộng đồng, nhiều tỉnh, thành khác đã và có ý tưởng xây dựng Đường Sách tương tự, tuy có nơi thành công hoặc không, nhưng rõ ràng Đường Sách TP.HCM là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho các địa phương khác. “UNESCO họ có danh hiệu Thành phố văn chương, tôi ước mơ TP.HCM hướng tới danh hiệu này. Chúng ta đang có Đường Sách, cafe sách, nên chăng hình thành các công viên sách và tiếp tục phát triển các không gian khác hướng về sách. TP đang hướng đến xây dựng đô thị thông minh, phải chăng cái hồn của TP thông minh bắt nguồn từ sách”, ông Dương Thành Truyền bày tỏ.

Bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Phó Giám đốc Cty Đường Sách chia sẻ, TP.HCM may mắn có nền tảng là vốn văn hóa con người có truyền thống hiếu học mạnh mẽ; hoạt động xuất bản, truyền thông, báo chí phát triển; lãnh đạo tầm nhìn cởi mở, đội hình những người làm nghề tâm huyết, chính sự cộng hưởng này đã góp phần tạo nên sự thành công cho Đường Sách. “Đường Sách được định vị tại một không gian lọt thỏm giữa không gian kiến trúc di sản của trung tâm TP, tương lai cần nhìn xa hơn, để Đường Sách trở thành di sản TP, mà di sản thì không thể ứng xử một cách bình thường, nghĩa là hãy tránh đi nhận thức thương mại hóa”, bà Nguyệt nói và nhấn mạnh, Đường Sách cần phải được nuôi dưỡng, nâng niu, bảo tồn, bởi đó là một không gian văn hóa, thể hiện lối sống văn hóa của người TP. “Không thể biến nơi đây thành không gian kinh doanh đơn thuần mà là một hình thái văn minh thương nghiệp. Đường Sách phải phản ánh sức sống văn hóa của TP, nên không thể chỉ khoán trắng cho đơn vị tham gia mà cần Nhà nước đầu tư. Cần kiến tạo một Đường Sách xa hơn để bảo tồn ngay từ bây giờ”, nguyên Phó Giám đốc Cty Đường Sách nói. 

  Không thể biến nơi đây thành không gian kinh doanh đơn thuần mà là một hình thái văn minh thương nghiệp. Đường Sách phải phản ánh sức sống văn hóa của TP, nên không thể chỉ khoán trắng cho đơn vị tham gia mà cần Nhà nước đầu tư. Cần kiến tạo một Đường Sách xa hơn để bảo tồn ngay từ bây giờ.

(Bà QUÁCH THU NGUYỆT, nguyên Phó Giám đốc Cty Đường Sách)

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top