Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Hệ thống pháp luật về văn hóa và gia đình: Vẫn còn đó những khoảng trống

Thứ Sáu 25/12/2020 | 11:12 GMT+7

VHO- “Có thể thấy, hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình ở mức độ nào đó vẫn còn những tồn tại từ năm 2017 đến nay”. Đó là một trong những điểm đáng chú ý tại Báo cáo đề dẫn Hội thảo đánh giá thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình đến năm 2021 do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 24.12 tại Hà Nội.

 Toàn cảnh buổi Hội thảo

 Điều đó đòi hỏi cần phải có định hướng, kế hoạch để xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, văn hóa cơ sở, văn hóa dân tộc, bản quyền tác giả, di sản văn hóa, quảng cáo và gia đình trong giai đoạn tiếp theo.

Quy định mang tính “tuyên ngôn” còn nhiều

Hội thảo có sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là giới chuyên gia, nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực văn hóa, gia đình.

Một trong những nội dung chính đó là Hội thảo đã đánh giá sơ bộ về thực trạng, tình hình triển khai Đề án Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, gia đình đến năm 2021 (giai đoạn 2017-2020). Các tham luận tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng, sau gần 5 năm thực hiện, đến nay hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình đã bước đầu được củng cố, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình. Từ 2017 đến nay, Bộ VHTTDL đã soạn thảo, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành 1 luật, 15 nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; một luật đang trong giai đoạn lập đề nghị sửa đổi, bổ sung (Luật Phòng, chống bạo lực gia đình); hai luật đang trong giai đoạn xây dựng (Luật Điện ảnh sửa đổi và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi). Tuy nhiên, theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Lê Thanh Liêm, có thể thấy rằng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình ở mức độ nào đó vẫn còn những tồn tại hiện hữu từ năm 2017 đến nay. Đó là hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình có số lượng lớn, lại “cồng kềnh”; nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử lý cụ thể để các chủ thể phải thực hiện; nhiều văn bản còn chứa đựng những quy định mang tính “tuyên ngôn” hơn là quy phạm pháp luật. Hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình chưa thể chế hóa thực sự đầy đủ, toàn diện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 33-NQ/TW, Hiến pháp 2013 về phát triển văn hóa, gia đình và mục tiêu xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu pháp triển bền vững đất nước. “Hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình trong quá trình thực thi còn đó những hạn chế, bất cập về mặt nội dung”, Vụ trưởng Lê Thanh Liêm cho biết.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học trên một số lĩnh vực đều có chung nhận định hệ thống pháp luật hiện hành về văn hóa, gia đình chưa thực sự tạo được nền tảng, hành lang pháp lý căn bản để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chất lượng. Đơn cử như trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Tình trạng nghiệp dư hoá các hoạt động VHNT chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên. Sáng tác kiến trúc trong thời gian dài không rõ định hướng, lúng túng trong việc thể hiện bản sắc truyền thống trong công trình kiến trúc hiện đại Việt Nam, tạo nên tình trạng lai căng, lộn xộn trong bộ mặt kiến trúc đô thị hiện nay... Ở góc nhìn nghệ thuật biểu diễn, NSND Thanh Ngoan cho rằng, cần có thiết chế “cứng” từ Nhà nước để kết hợp chặt chẽ văn hóa truyền thống với du lịch. Thay vì việc các Nhà hát phải loay hoay tìm đối tác và vướng mắc về cơ chế “phần trăm doanh thu”, các cấp chính quyền có liên quan sẽ chỉ đạo trực tiếp công tác phối hợp làm việc. Thiết chế này sẽ giúp cho các đơn vị nghệ thuật có “đất sống”, chỉ việc tập trung nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ du khách. Ngoài ra, cũng theo NSND Thanh Ngoan, cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho nghệ sĩ làm nghệ thuật truyền thống để nghệ sĩ yên tâm làm nghề, tránh tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Vá lỗ hổng hệ thống pháp luật về văn hóa và gia đình

Với hệ thống quy phạm pháp luật về văn hóa và gia đình hiện nay thì ngành nào cũng đang “gặp khó”, đặc biệt là trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước. TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, nguyên nhân chính là “những quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa và gia đình chưa kịp thời được luật hóa”. Mặc dù chúng ta đã có Nghị quyết khẳng định rất rõ vị trí, vai trò của văn hóa, thế nhưng theo ông Chức, trong thực tiễn đổi mới không phải lúc nào, ở đâu vai trò và vị trí cũng được quan tâm như nó vốn có. Đó là lý do mặc dù văn hóa có nhiều tiến bộ nhưng vấn đề con người và gia đình, đạo đức và lối sống, bạo lực và mại dâm, nhất là xâm hại trẻ em... đang làm nhức nhối xã hội, đến mức có những người bi quan mong “kinh tế như hôm nay, văn hóa như ngày xưa”…

Từ những đánh giá thẳng thắn về kết quả cũng như những tồn tại trong công tác xây dựng luật về văn hóa, gia đình, các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng việc thực hiện Đề án hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình trong giai đoạn tiếp theo là vô cùng cấp thiết. Vì đời sống thực tiễn luôn phát triển kéo theo nhiều phát sinh đòi hỏi cần có những quy định để điều chỉnh. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm cho rằng, trong thời gian tới rất cần sự tham gia, góp ý kiến định hướng của các cơ quan, các Bộ, ban, ngành và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học để việc triển khai Đề án thực sự đi vào thực tiễn.

 THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top