Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử- văn hoá di tích khảo cổ học Làng Vạc

Thứ Hai 21/12/2020 | 16:14 GMT+7

VHO-Để Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử- văn hoá di tích khảo cổ học Làng Vạc, ngày 21.12, tại thành phố Vinh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Di tích khảo cổ Làng Vạc: Giá trị lịch sử - văn hóa". 

Hiện trạng trong việc phát huy giá trị di tích khảo cổ Làng Vạc
Tại Hội thảo, tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã làm rõ thành tựu, kế hoạch nghiên cứu và khai quật di tích Làng Vạc (thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An ) giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của di tích; vị thế của Làng Vạc trong bối cảnh lịch sử văn hóa khu vực; mối quan hệ, vị trí của Làng Vạc trong thời Hùng Vương dựng nước. Bên cạnh đó, các tham luận còn nêu hiện trạng, hạn chế trong việc phát huy giá trị di tích, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; tiềm năng, cơ hội, thách thức và giải pháp bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Nói về làng Vạc, bất cứ người dân nào cũng đều tự hào bởi đây là một trong những vùng đất hiếm hoi còn lưu giữ những dấu tích của người Việt cổ. Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc là trung tâm văn hóa Đông Sơn; là một trong hai khu di tích Đông Sơn tiêu biểu, giàu hiện vật và phong phú về loại hình. Đây là di tích phát hiện được nhiều mộ táng nhất của nền văn hóa Đông Sơn trên đất nước ta. Làng Vạc trở thành tên gọi của trung tâm văn hóa Đông Sơn lớn trên lưu vực sông Cả với hơn 1.200 hiện vật phong phú, đa dạng bằng đồng, gốm, đá, thủy tinh, sắt.

Một số hiện vật được khai quật tại Khu Di chỉ khảo cổ Làng Vạc như trống đồng, dao găm, đồ trang sức

Trình bày tham luận “Vị trí của Làng Vạc trong diễn trình tiền sơ sử lưu vực sông Lam/Cả”, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trưởng bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết, từ cái kho của di vật Làng Vạc, chúng ta còn biết được người Làng Vạc xưa đã có một nền văn hóa vật chất khá cao. Họ đã biết mặc đẹp, biết trang sức rất nhiều vòng tay, khuyên tai... Nhờ phát hiện ra loại chõ gốm ở Làng Vạc mà các nhà khoa học còn khẳng định, người Làng Vạc đã biết đến trồng lúa nếp, lấy gạo nếp đồ xôi bằng chõ, biết đóng những thuyền đua, biết chăn nuôi bò như hình khắc loại bò có u thấy trên thân trống…Làng Vạc có thể sánh ngang với những di tích văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở lưu vực sông Hồng như Vĩnh Quang, Làng Cả... nếu không muốn nói có thể ở một vị trí cao hơn. Di sản Làng Vạc cách ngày nay 2.000-2.500 năm đã góp phần duy trì sức sống Đông Sơn, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một bằng chứng quan trọng để giúp cho sự nghiệp chống đồng hóa về mặt văn hóa đối với chính sách triệt để đồng hóa của phong kiến Phương Bắc.

Trải qua gần 5 thập kỷ kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên năm 1972 và kết quả thu được qua 3 lần thám sát, khai quật, các nhà khoa học và quản lý văn hóa đã khẳng định rằng di tích Làng Vạc đã có nhiều đóng góp quan trọng cho tiến trình lịch sử, văn hóa của dân tộc. Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc đã được Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia tại Quyết định số 61/QĐ - BVHTT ngày 13/9/1999. GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho rằng, trong điều kiện phát triển kinh tế -xã hội hiện nay, cũng như nhiều di sản khảo cổ học khác, di tích Làng Vạc đang chịu tác động của nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đặc biệt chưa có một nghiên cứu đánh giá tình trạng di tích, trữ lượng hiện còn của di tích, nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn.

Toàn cảnh Hội nghị

Mặc dù di chỉ khảo cổ làng Vạc có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng việc phát huy giá trị còn nhiều hạn chế. Do đặc thù của loại hình di tích này, nên sau khi thám sát, khai quật, dưới tác động của môi trường, điều kiện tự nhiên và con người đã làm biến dạng các hố khai quật. Tình trạng đào bới trái phép, xâm phạm di tích để tìm kiếm cổ vật đã làm biến dạng di tích, phá vỡ cảnh quan môi trường di tích. Khu vực khoanh vùng di tích rộng nên khó khăn trong việc bảo vệ. Sau khi khai quật, kết quả các lần khai quật mới chỉ dừng ở việc phục vụ công tác nghiên cứu, chưa phát huy những giá trị tiềm ẩn khu di tích này. Lễ hội Làng Vạc còn mang tính chất hành chính nhiều, chưa phát huy các yếu tố tâm linh để thu hút hấp dẫn khách và nhân dân tham gia, chiêm bái... Thời gian qua, người dân trong vùng bị “chảy máu” cổ vật, giờ cũng đã có ý thức lưu giữ và bảo vệ. Hiện hơn 300 hiện vật đang lưu giữ ở nhà trưng bày tại Đền thờ Làng Vạc đều là do người dân trong vùng hiến tặng với mong muốn nơi đây trở thành một nơi trưng bày, khảo cứu và giáo dục truyền thống dân tộc. Chỉ có điều, do điều kiện còn hạn chế nên các hiện vật có giá trị đang được bảo quản, trưng bày đơn giản chứ chưa có chủ điểm, chủ đề, chưa có thuyết minh rõ ràng. 
Cần có giải pháp bảo vệ, tôn tạo di tích
Việc nghiên cứu, đánh giá giá trị của di chỉ Làng Vạc còn chưa đầy đủ, có tính hệ thống và chưa có công trình tổng hợp nào được xuất bản. Với thực trạng như vậy, nhiều tham luận đã nêu ra phương án Bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ Làng Vạc. Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học Bùi Văn Liêm nhấn mạnh: "Cần đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này. Bởi lẽ đây là khu di tích hiếm có của văn hóa Đông Sơn nói chung và Nghệ An nói riêng, có giá trị lịch sử văn hóa độc đáo và đặc sắc, đại diện cho một loại hình địa phương của văn hóa Đông Sơn." 

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh kết luận, bế mạc Hội thảo khoa học

Theo ý kiến từ Sở Du lịch Nghệ An cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị di tích khảo cổ học Làng Vạc cần gắn với phát triển du lịch Nghệ An. Làng Vạc cũng như nhiều di tích khảo cổ học có quy mô lớn ở Việt Nam đã được phát hiện, khai quật. Tuy nhiên vấn đề bảo tồn vẫn đang nhiều hạn chế nhất là việc lan toả giá trị trong cộng đồng và khai thác phát huy giá trị của di tích khảo cổ học trong hoạt động du lịch. Vì vậy, cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối địa điểm di chỉ Làng Vạc với các điểm đến để thu hút khách du lịch...Cần đa dạng hóa hoạt động du lịch của di tích như: phối hợp với cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức chương trình ngoại khóa về tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa của di chỉ Làng Vạc. Ngoài ra, khuyến khích người dân tham gia với vai trò là hướng dẫn viên khách du lịch tham quan di tích và làng nghề truyền thống tại địa phương.
Tổng kết hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết, thông qua hội thảo đã đánh giá sâu sắc giá trị văn hóa đặc biệt, nổi bật của di tích Làng Vạc. Làng Vạc là trung tâm kinh tế chính trị khá quy mô thời Hùng Vương. Đặc trưng văn hóa Làng Vạc đã góp phần khẳng định nền văn minh Việt cổ thuộc thời đại Hùng Vương không chỉ tồn tại ở vùng sông Hồng, sông Mã mà còn tồn tại ở vùng sông Lam. Đặc biệt, khi nhà Tây Hán đã đặt ách đô hộ nước ta, Làng Vạc vẫn là địa điểm văn hóa Đông Sơn của người Việt với các hiện vật như: trống đồng, vũ khí, dao găm... góp phần phát triển văn hóa Lạc Việt, không bị ảnh hưởng, đồng hóa. Di tích Làng Vạc cũng khẳng định quan hệ với nền văn hóa các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Trung Quốc...
Thời gian tới, để bảo vệ và phát huy di tích Làng Vạc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho rằng cần tiếp tục phối hợp với cơ quan nghiên cứu trong, ngoài nước thăm dò, khai quật, khảo cổ nhằm nhận diện đầy đủ về di tích; nghiên cứu, biên soạn, phát hành một số công trình chuyên biệt giới thiệu về di tích khảo cổ học Làng Vạc. Cùng với đó cần khoanh vùng bảo vệ hiện trạng quy hoạch, tăng cường tuyên truyền, quảng bá về di tích Làng Vạc. Để góp phần đưa di tích và lễ hội Làng Vạc vào khai thác, phát huy giá trị hoạt động trong du lịch, chính quyền địa phương cần quan tâm đầu tư xây dựng chiến lược maketting giới thiệu hình ảnh và video sống động nhằm quảng bá, giới thiệu trên các kênh truyền hình, mạng xã hội…Vào dịp đầu xuân năm mới, du khách có thể đến tham quan Lễ hội Làng Vạc và trải nghiệm nhiều hoạt động văn hoá thú vị của đồng bào dân tộc. Các phương án bảo vệ và phát huy cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt không để người dân đứng ngoài cuộc, có như vậy, tiềm năng của di chỉ khảo cổ Làng Vạc mới được “đánh thức” một cách hiệu quả. 

                                                                          PHẠM NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top