Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Thuốc hái ra tiền của Pablo Legorreta

Thứ Sáu 11/12/2020 | 09:22 GMT+7

VHO- Công ty Royalty Pharma của Pablo Legorreta đã đưa ông vào hàng ngũ tỉ phú. Hiện nay, công ty này cũng hỗ trợ các hãng dược lớn tìm ra các phương pháp chữa trị mới.

NẾU VIỆC KHÁM PHÁ RA NHỮNG LOẠI THUỐC “BOM TẤN” là đỉnh cao của thành công trong ngành dược phẩm, thì bước tốt nhất tiếp theo sẽ là làm giàu bằng việc bán thuốc. Đó chính xác là điều mà Pablo Legorreta, nhà đầu tư kín tiếng ở phố Wall, đã và đang làm trong 24 năm qua.

Thuốc hái ra tiền của Pablo Legorreta - ảnh 1

Pablo Legorreta, nhà đầu tư kín tiếng ở phố Wall

Rất ít người từng nghe nói về ông, nhưng công ty Royalty Pharma của ông đã được hưởng lợi hàng triệu đô la Mỹ từ những loại thuốc bán chạy nhất, như thuốc Humira dùng cho bệnh Crohn’s, phương thuốc Lyrica chống động kinh thành công nhất và thuốc Imbruvica điều trị ung thư máu.

Những công ty khổng lồ đứng sau những loại thuốc này, như Pfizer, Johnson & Johnson và AbbVie, thực hiện tất cả phần việc nặng nhọc – sản xuất và tiếp thị thuốc, trong khi Legorreta chỉ cần ngồi thảnh thơi kiếm thu nhập thụ động.

Vào giữa tháng sáu, các chi tiết về hoạt động tài chính của Legorreta lần đầu tiên được công khai khi ông bán 2,18 tỉ USD cổ phiếu trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, định giá công ty Royalty Pharma ở mức 16,7 tỉ USD và biến đợt IPO của họ trở thành IPO lớn nhất của Hoa Kỳ tính đến thời điểm này trong năm nay.

Bản cáo bạch của công ty tiết lộ họ có 45 dòng bản quyền thuốc khác nhau, trong đó có 22 dòng đang tạo ra doanh thu hằng năm hơn 1 tỉ USD mỗi dòng. Thành công của Legorreta cho thấy rõ sự bùng nổ công nghệ sinh học trong hai thập niên qua, diễn ra trong bối cảnh những tiến bộ khoa học, sự đổi mới cũng như chi phí trị liệu ngày càng tăng.

Năm ngoái, Royalty Pharma đã thu được 2,1 tỉ đô la Mỹ tiền mặt, tổng cộng tăng 11% mỗi năm kể từ năm 2012. Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của Legorreta là 2,9 tỉ USD.

Khối tài sản khổng lồ của Pablo Legorreta là minh chứng cho tác động của kỹ thuật tài chính đối với việc kinh doanh phát triển thuốc – mặc dù có nhiều chỉ trích về việc khuyến khích giá thuốc tăng cao nhưng đây cũng là nguồn tài trợ cần thiết trong cuộc chạy đua tìm phương pháp chữa trị các loại bệnh, từ Covid-19 đến ung thư vú.

Legorreta, 56 tuổi, vẫn gần như vô hình, tránh các cuộc phỏng vấn và không xuất hiện trước công chúng. Ông từ chối trả lời phỏng vấn cho bài báo này, viện cớ cần phải tuân thủ yêu cầu “giữ yên lặng” theo quy định bắt buộc trước khi IPO.

Sinh trưởng tại Mexico, Legorreta theo học ngành kỹ thuật công nghiệp tại đại học Iberoamericana của thành phố Mexico nhưng rồi lại đầu quân vào công ty quản lý đầu tư nổi tiếng Lazard Frères, quản lý mua bán và sáp nhập ở Paris và New York.

Năm 1996, Legorreta thành lập công ty cổ phần tư nhân ở New York, chuyên mua các cổ phần nhỏ trong doanh thu tương lai của các phương pháp trị liệu mới lạ. Theo kế hoạch, cách làm của ông sẽ cung cấp đầu ra và khả năng thanh khoản cho các tổ chức học thuật và công ty nhỏ tham gia phát triển các loại thuốc đã được phê duyệt, nhiều năm trước khi những loại thuốc đó đạt doanh số cao nhất.

Thuốc hái ra tiền của Pablo Legorreta - ảnh 2

Trong bảy năm tiếp theo, Legorreta đã huy động được cho Royalty Pharma khoảng 300 triệu USD từ các khoản tài trợ và các quỹ hưu trí. Bắt đầu từ năm 2004, Legorreta mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách khéo léo sử dụng đòn bẩy tài chính cho việc mua lại bản quyền sản xuất thuốc.

BẢO MẬT TIỀN BẢN QUYỀN DƯỢC PHẨM VÀ HOÁN ĐỔI NỢ THÀNH CỔ PHẦN cho phép ông chuyển đổi cấu trúc vốn vay (quan hệ đối tác) thành vốn cổ phần dài hạn mà không phải gọi thêm vốn từ các nhà đầu tư, và có thể sử dụng dòng tiền mặt từ kinh doanh sử dụng cho các thương vụ mua lại bản quyền mới.

Trong bảy năm tiếp theo, Legorreta đã giải ngân 5,1 tỉ USD cho các giao dịch như vậy. Khi hoạt động đầu tư của Legorreta phát triển hơn, đạt tới 18,6 tỉ USD vào năm ngoái, ông cũng bắt đầu mua bản quyền liên quan đến các loại thuốc vẫn đang được phát triển và bắt đầu tài trợ nghiên cứu và phát triển.

Và như thế, từ việc chỉ đơn thuần là một người thu phí bản quyền thuốc, Legorreta trở thành thương nhân cấp vốn tài trợ trực tiếp cho các đổi mới trong ngành dược. Ví dụ, vào năm 2016, công ty Royalty Pharma đã đồng ý chi tới 300 triệu USD để tài trợ hai thử nghiệm lâm sàng mới cho thuốc Ibrance của Pfizer nhằm xác định xem loại thuốc ung thư vú “bom tấn” này có thể có hiệu quả trong điều trị bệnh tiền di căn hay không.

Một số giao dịch mua lại của Legorreta hiện đã mang lại kết quả vô cùng khả quan. Riêng năm 2018, Royalty Pharma đã thu về 499 triệu USD trong tổng doanh số gần 20 tỉ USD của thuốc Humira. Năm 2006, Legorreta mua lại bản quyền thuốc AstraZeneca với giá 700 triệu USD, thời điểm đó loại thuốc này mang lại 2 tỉ USD mỗi năm.

Năm ngoái, gần 1/5 doanh thu của Royalty Pharma, 349 triệu USD, đến từ số cổ phần trong tổng doanh thu 8,1 tỉ USD của thuốc Imbruvica. Năm 2013, Quest Diagnostics đã vội vàng bán bản quyền thuốc Imbruvica cho Legorreta với giá được tính theo mức trung bình so với doanh số của thuốc này trên toàn thế giới, bốn tháng trước khi thuốc này được cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phê duyệt lần đầu tiên để điều trị bệnh u lympho tế bào lớp vỏ (mantle cell lymphoma – MCL).

Giống như nghệ sĩ chuyên thực hiện các thương vụ mua lại bằng đòn bẩy tài chính, Legorreta đã được hưởng lợi từ những khoản phí khổng lồ do các đối tác trả. Ông là chủ sở hữu duy nhất của RP Management, công ty quản lý đầu tư của Royalty Pharma.

Theo hồ sơ đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, năm ngoái Legorreta thu được 28,5 triệu USD từ phí quản lý mà Royalty Pharma chi trả cho RP Management. Ông cũng nhận được khoản tiền thưởng dựa trên hiệu suất với giá trị tổng cộng 747 triệu USD vào cuối năm ngoái.

Thuốc hái ra tiền của Pablo Legorreta - ảnh 3

Vấn đề duy nhất với mô hình đầu tư của Legorreta là thiếu chiến lược thoái vốn. Các dòng bản quyền thuốc sinh lợi nhiều nhất của Royalty Pharma giống như khoản thu nhập hằng năm và nhiều năm qua, thu nhập đó được bảo vệ bằng các bằng sáng chế. Nhưng khi các bằng sáng chế đó hết hạn, tiền bản quyền của Royalty Pharma thường giảm rất mạnh, như trường hợp của thuốc Humira khi bắt đầu trở thành thuốc generic vào năm 2018.

Bản chất của tình trạng này là Legorreta thực sự không thể bán tài sản của Royalty Pharma và rút tiền từ các nhà đầu tư của mình, hoặc thậm chí từ chính ông. Để chuẩn bị IPO, Legorreta và một số đối tác cấp cao của mình đã vay hàng tỉ đô la Mỹ từ một ngân hàng ở phố Wall, như một cam kết đối với lượng lớn vốn chủ sở hữu trong quan hệ đối tác của Royalty Pharma. IPO đã tái cấu trúc các quan hệ đối tác đầu tư này thành cổ đông trong một công ty Royalty Pharma mới.

Là giám đốc điều hành của một công ty đại chúng, Legorreta đang trên đà trở thành một nhân tố lớn hơn nữa trong lĩnh vực dược phẩm của Hoa Kỳ, vì phần lớn số tiền thu được từ đợt IPO sẽ được dùng để mua vào nhiều dòng bản quyền thuốc hơn. Công ty RP Management của ông sẽ tiếp tục được trả khoản phí quản lý về cơ bản bằng 1% tài sản được quản lý và khoản phí thưởng dựa trên hiệu suất, tức là 6,5% số tiền mặt được điều chỉnh.

Năm ngoái, chỉ riêng phí thưởng dựa trên hiệu suất đã lên tới 137 triệu USD. Ngoài Royalty Pharma, Legorreta còn là người đồng sáng lập Pharmakon Advisors, một quỹ đầu tư nợ trị giá ba tỉ đô la Mỹ cũng ở trong cùng trụ sở tại New York, cung cấp các khoản vay cho ngành khoa học đời sống. Quỹ này đã cung cấp các khoản vay khá lớn cho các công ty như Sarepta Therapeutics và Optinose.

Trong lần xuất hiện rầm rộ gần đây nhất trước công chúng, tại hội thảo ở viện Milken năm 2018, Legoretta nói về tương lai của công nghệ sinh học, với sự thúc đẩy từ các nguồn tài chính đổi mới, được ông gọi là “thời kỳ hoàng kim.” Legoretta nói: “Có rất nhiều chương trình trị liệu khác nhau vẫn cần phải đầu tư nhiều.” 

(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 90, tháng 11.2020 

ForbesViệt Nam

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top