Lần đầu tiên giải Nobel được trao tại nhà người đoạt giải

VHO- Hằng năm, một bữa tiệc truyền thống sẽ đánh dấu sự kết thúc Tuần lễ Nobel vào tháng 12 khi những người đoạt giải của năm được mời đến Stockholm (Thụy Điển) và Oslo (Na Uy) để trò chuyện và tổ chức lễ trao giải. Tuy nhiên, bữa tiệc thường niên thu hút khoảng 1.300 người năm nay sẽ bị hủy bỏ.

Lần đầu tiên giải Nobel được trao tại nhà người đoạt giải - Anh 1

 Bức tượng bán thân của Alfred Nobel tại Viện Karolinska ở Stockholm Ảnh: AFP/Getty Images

Giải Nobel bắt đầu vào tháng 10 hằng năm đồng nghĩa với việc các ủy ban ở Thụy Điển và Na Uy xướng tên những người đoạt giải trong nhiều giải thưởng khác nhau, gồm: Hóa học, Vật lý, Y học, Văn học và Hòa bình. Các buổi lễ trao giải Nobel truyền thống thường được tổ chức tại Stockholm và Oslo dự kiến vào ngày 10.12 hằng năm để tưởng nhớ ngày mất của người sáng lập giải thưởng, triệu phú Thụy Điển và là người phát minh ra thuốc nổ, Alfred Nobel.

Do đại dịch Covid-19, những người đoạt giải Nobel năm nay sẽ không đến Stockholm hay Oslo để nhận chứng chỉ và huy chương. Thay vào đó, trong tuần này, những người đoạt giải Nobel năm nay sẽ nhận giải thưởng tại quê nhà. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1956, bữa tiệc truyền thống tháng 12 của Quỹ Nobel buộc phải hủy bỏ. Dù cơ cấu giải Nobel năm nay có đôi chút thay đổi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song không vì thế mà làm mất đi sự hấp dẫn đối với những người quan tâm. “Vinh danh lợi ích vĩ đại nhất đối với nhân loại” từ lâu đã là tiêu chí bất thành văn được Hội đồng giải thưởng Nobel áp dụng trong tất cả các mùa giải Nobel. Các công trình được vinh danh đều là những công trình nghiên cứu, tác phẩm có giá trị nhân văn, những phát hiện vĩ đại góp phần thay đổi lịch sử nhân loại. Những giải thưởng đầu tiên của giải Nobel 2020 một lần nữa minh chứng điều đó.

Quỹ Nobel cho biết, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, đây sẽ là năm có một không hai trong lịch sử của giải thưởng khi các huy chương và chứng chỉ sẽ được trao cho những người đoạt giải một cách an toàn ngay tại quê nhà của họ. Theo Quỹ Nobel, công tác trao giải được thực hiện với sự giúp đỡ của các đại sứ quán hoặc các trường đại học nơi những người đoạt giải đang làm việc. Năm nay, người đầu tiên nhận giải thưởng Nobel sẽ là nhà hóa học nữ Emmanuelle Charpentier (Pháp) tại buổi lễ diễn ra ở thủ đô Berlin (Đức) vào tối 7.12. Người đồng nhận giải Nobel Hóa học là nhà hóa học Jennifer Anne Doudna (Mỹ) sẽ nhận giải thưởng danh giá này tại thành phố Berkeley, bang California (Mỹ), vào ngày 8.12. Bang miền Tây này của nước Mỹ cũng là nơi chứng kiến lễ trao giải thưởng Nobel Kinh tế cho hai nhà khoa học người Mỹ gồm Paul Milgrom và Robert Wilson tại thành phố Palo Alto ngày 8.12.

Nhà khoa học người Mỹ Andrea Ghez sẽ được trao giải Nobel Vật lý tại thành phố Los Angesles, cũng thuộc bang California, vào ngày 9.12. Hai người khác cùng chia sẻ giải Nobel Vật lý năm này là Roger Penrose và Reinhard Genzel lần lượt nhận giải tại London (Anh) và Munich (Đức) ngày 8.12. Các chủ nhân của giải Nobel Y học năm 2020 là hai nhà khoa học Harvey Alter và Charles Rice sẽ lần lượt nhận giải tại cơ quan ngoại giao của Thụy Điển ở Washington và New York. Tương tự, nhà khoa học người Anh Louise Gluck, người đồng giải thưởng Nobel Y học và hiện sinh sống tại Canada, cũng sẽ nhận giải tại nơi đang sinh sống. Trong khi đó, nữ thi sĩ người Mỹ Louise Gluck sẽ nhận giải Nobel Văn học tại quê nhà New York, Mỹ. Thay vì buổi lễ trao giải truyền thống được tổ chức trọng thể tại Stockholm, một buổi lễ được phát sóng trực tiếp mà không có khán giả sẽ được tổ chức tại tòa thị chính Stockholm ngày 10.12.

Giải thưởng Nobel Hòa bình thường được trao tại thủ đô Oslo nhưng năm nay sẽ được trao tại Rome (Italia) cho Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley và lễ trao giải thưởng uy tín này sẽ được phát sóng trực tiếp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, công chúng hiện có xu hướng quan tâm những nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực y học. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để có thể trao giải thưởng Nobel cho những công trình liên quan trực tiếp tới virus SAR-CoV-2, do những nghiên cứu này còn cần được thẩm định trong nhiều năm về hiệu quả cũng như giá trị đóng góp với nhân loại. 

 HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc