Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Lan tỏa “Trường học hạnh phúc”

Thứ Sáu 27/11/2020 | 10:14 GMT+7

VHO- Mô hình “Trường học hạnh phúc” được ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An triển khai thí điểm từ năm học 2019 - 2020. Trong đó, lấy tiêu chí “trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường” làm tiêu chí chính. Xây dựng “trường học hạnh phúc” để giáo viên và các em học sinh luôn cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

 Nhảy dân vũ ở Trường THCS Tân Dân, huyện Nam Đàn (Nghệ An)

Vui vẻ, an toàn, tôn trọng, yêu thương, phát huy hết năng lực của bản thân… là những gì tập thể Ban Giám hiệu Trường THCS Tân Dân, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đang nỗ lực tạo ra và lan tỏa mạnh mẽ đến các em học sinh, hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, một mô hình trường học hạnh phúc. Để cụ thể hóa bằng những hoạt động thiết thực, nhà trường đã tổ chức xây dựng CLB phong trào dân ca, dân vũ phát triển sôi nổi. Vào giờ nghỉ giữa buổi là lúc học sinh toàn trường cùng nhau tập nhảy, múa với các điệu: “Trống cơm”, “Cha cha cha”, “Khỏe vì nước”, “Dậy mà đi”...

Thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Dân cho biết: “Mỗi ngày đến trường, ngoài việc học tập các em được tham gia phong trào văn nghệ, tập các bài hát truyền thống, dân ca. Niềm vui hoạt động ngoại khóa trong nhà trường sẽ tạo không gian học tập và sân chơi bổ ích để học sinh tích lũy kỹ năng, hoạt động tập thể và cơ hội phát triển toàn diện. Việc tham gia CLB dân vũ tạo điều kiện cho các em có thêm kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và tự tin thể hiện trước đám đông. Những bài ca, điệu nhảy giúp các em giải phóng cơ thể, giải tỏa căng thẳng và có thêm năng lượng mới để học tập”.

Để mô hình “trường học hạnh phúc” không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời mà thực sự lan tỏa, bên cạnh vai trò của gia đình thì đội ngũ cán bộ, giáo viên rất quan trọng trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ. Cô Lê Thị Vinh, Trường THCS Tân Dân, huyện Nam Đàn chia sẻ: “Trường học hạnh phúc phải là một “hệ sinh thái” mà ở đó tất cả các thành viên đều được hạnh phúc (giáo viên, học sinh và phụ huynh)… Điều này đã được Trường THCS Tân Dân, huyện Nam Đàn ứng dụng thành công, trong đó chủ thể chính là các em học sinh sẽ cảm thấy vui vẻ và hứng thú với việc đến trường hằng ngày. Tiết sinh hoạt lớp là cơ hội giáo viên giao tiếp gần gũi với học sinh. Tôi đã từng tổ chức hoạt động “lắng nghe chính mình” để em viết thư gửi thầy cô, bố mẹ hoặc cho chính bản thân. Đó là những dòng tâm sự về cuộc sống, những người xung quanh, những gì đang diễn ra, về ước mơ và tương lai… với các chủ đề: Thư gửi thầy/cô, Thư gửi bố/mẹ, Gửi tôi ở tương lai... Đây là cơ hội cho các em học sinh chưa mạnh dạn giải tỏa những khó khăn trong học tập, cuộc sống và có cách nhìn nhận đúng đắn về các hành vi văn hóa học đường”.

Trao đổi về mô hình này, thầy giáo Đặng Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Nghệ An cho biết, khái niệm “trường học hạnh phúc” hiện nay, theo UNESCO gồm 22 tiêu chí, nhưng có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi đó là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trọng tâm mô hình này là “Trường học hạnh phúc - giáo viên hạnh phúc - học sinh hạnh phúc”. Giáo viên quan tâm đến đồng nghiệp, quan tâm đến học trò và học sinh quan tâm đến nhau, có sự thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ nhau những thuận lợi, khó khăn riêng. Trong trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần cho cả thầy, cô giáo và học sinh; tôn trọng sự khác biệt, sự sáng tạo của mỗi học sinh, tạo sự đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.

Tại Nghệ An, mô hình “trường học hạnh phúc” được triển khai thí điểm từ năm học 2019 - 2020, trong đó lấy “trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường” làm tiêu chí chính. Với nhiều cách làm hay, đổi mới, nhiều trường học trên địa bàn đã thay đổi để xây dựng những giờ học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Như tại Trường THPT Anh Sơn 2, đã từ lâu, nhà trường bỏ việc nêu tên, phê bình học sinh cá biệt, yếu kém trong giờ chào cờ trước toàn trường. Thầy cô, học sinh luôn lắng nghe nhau, tôn trọng nhau, từ đó quan hệ thầy cô - học sinh hiểu nhau hơn, gắn kết với nhau hơn. Hay một số trường lại sôi nổi với các hoạt động ngoại khóa để các em học sinh vừa học tập, vừa có sân chơi bổ ích để hoạt động tập thể, phát triển các kỹ năng sống. Với những thành công đã đạt được từ mô hình, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” lan tỏa hơn nữa”, thầy giáo Đặng Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Nghệ An cho biết thêm. 

 PHẠM NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top