Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hành trình nửa thế kỷ giữ gìn và phát huy giá trị di sản Bác Hồ

Thứ Hai 23/11/2020 | 10:43 GMT+7

VHO- Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng về Người. Ngày 25.11.1970, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 206-NQ/TW về việc thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, đến nay vừa tròn 50 năm.

 Đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nghe báo cáo về quan điểm thiết kế mỹ thuật trưng bày Bảo tàng HCM, 11.5.1986

 Nửa thế kỷ thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, gìn giữ và phát huy di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, các thế hệ cán bộ Bảo tàng HCM và hệ thống bảo tàng, di tích chi nhánh trong cả nước luôn tự hào về nhiệm vụ và truyền thống của cơ quan mình.

Đánh dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của Bảo tàng

Ngay từ buổi đầu thành lập, với tình cảm gắn bó sâu nặng, cán bộ cơ quan CQ41 đã tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ giữ gìn và phát huy di sản của Bác Hồ, một số cán bộ khác được tiếp tục điều động và tuyển chọn. Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiệm vụ của BCH Trung ương Đảng giao gồm: Xây dựng ngay kế hoạch toàn diện về Viện Bảo tàng HCM để Bộ Chính trị và Chính phủ xét duyệt; bảo quản tốt khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Sau năm 1975, tổ chức cơ quan được kiện toàn nhằm tích cực thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị cho công tác nghiên cứu xây dựng Bảo tàng. Ngày 12.9.1977, Tổng Bí thư Lê Duẩn Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ký Nghị quyết 04-NQ/TW về việc thành lập Viện Bảo tàng HCM. Năm 1978, Hội đồng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, thiết kế và ngày 15.10.1979 đã ban hành Nghị định số 375/CP quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Viện Bảo tàng HCM.

Sau 15 năm chuẩn bị, ngày 31.8.1985, Lễ khởi công xây dựng Bảo tàng HCM đã chính thức được thực hiện. Trong những năm 1986-1987, dù tình hình kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn quyết tâm khánh thành Bảo tàng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Bảo tàng HCM coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, đã động viên toàn thể cán bộ nhân viên hướng mọi hoạt động về ngày khánh thành Bảo tàng. Lễ khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 19.5.1990 đánh dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của Bảo tàng, đồng thời ghi nhận sự đóng góp và phấn đấu, trưởng thành của tập thể cán bộ Bảo tàng. Từ đây, hoạt động của Bảo tàng HCM đã bước sang một giai đoạn mới.

30 năm qua kể từ khi chính thức mở cửa đón khách tham quan, thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước quy định nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng đã không ngừng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng, từ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày, giáo dục, truyền thông cũng như các công tác hậu cần kỹ thuật giúp cơ quan hoạt động an toàn, chất lượng và hiệu quả. Với tình yêu và trách nhiệm, cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực trong học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, giữ gìn và phát huy hiệu quả các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Đồng chí Đào Duy Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị nghe họa sĩ Hồ Thọ, thư ký Hội đồng Mỹ thuật Bảo tàng HCM giới thiệu thiết kế trưng bày Bảo tàng HCM, 1.10.1989

Hình ảnh và thương hiệu Bảo tàng ngày càng được biết đến rộng rãi

50 năm qua, Bảo tàng HCM đã đón tiếp hơn 30 triệu lượt khách tham quan, trong đó có gần 7 triệu lượt khách quốc tế; nhiều đoàn nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của các quốc gia và các tổ chức quốc tế; nhiều trưng bày, triển lãm của Bảo tàng được đánh giá cao, đổi mới theo hướng hiện đại, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhiều lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã thường xuyên đến dự và tham quan triển lãm tại Bảo tàng. Bảo tàng đã tổ chức gần 60 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về công tác nghiệp vụ Bảo tàng, di tích; thực hiện 18 đề tài khoa học cấp Bộ và hơn 30 đề tài khoa học cấp cơ sở; nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao của Bảo tàng không ngừng được bổ sung, đến nay Bảo tàng đã có 5 tiến sĩ, 32 thạc sĩ và 42 cử nhân, kỹ sư.

Hoạt động nghiên cứu của Bảo tàng cũng thể hiện nổi trội qua hơn 60 ấn phẩm đã được xuất bản và tái bản nhiều lần, đó là những nguồn tài liệu chính thống, tin cậy, được biên soạn công phu, chất lượng, được bạn đọc hoan nghênh, đánh giá cao. Từ khi chính thức đón khách tham quan năm 1990, công tác sưu tầm các tài liệu, hiện vật về Bác Hồ vẫn không ngừng được quan tâm, đẩy mạnh với gần 10.000 đơn vị tài liệu, hình ảnh, tư liệu và các tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều thể loại khác nhau, trong đó có nhiều tài liệu, hiện vật gốc, độc bản, đặc biệt quý hiếm được sưu tầm và trao tặng.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và cắt băng khai mạc triển lãm “Tổng Bí thư Trường Chinh – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại Bảo tàng HCM, tháng 1.2017

Bảo tàng HCM là bảo tàng đầu hệ, trong đó các đơn vị chi nhánh trải dài trên khắp cả nước. Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Bảo tàng HCM và các đơn vị chi nhánh không ngừng được củng cố và phát triển, đã phát huy tốt các giá trị di sản Hồ Chí Minh đến với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Bảo tàng HCM đã giữ vững và làm tròn vai trò hướng dẫn về nghiệp vụ cho các đơn vị trong hệ thống. Bảo tàng cũng có những mối quan hệ đối ngoại truyền thống tốt đẹp với các cơ quan, cá nhân và các nhà khoa học ở một số nước như: Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Thái Lan, Lào…, một số đối tác mới thiết lập và ngày càng đi vào chiều sâu như Israel, Italia, Bungari… Điều đó giúp Bảo tàng tăng cường hoạt động trao đổi, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát triển các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới.

Hình ảnh và thương hiệu Bảo tàng HCM ngày càng được biết đến rộng rãi không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới, hệ thống nhận diện thương hiệu của Bảo tàng được đổi mới theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đồng bộ phù hợp với kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, không gian cảnh quan bên trong và bên ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng được chỉnh trang, hoàn thiện, ngày càng phong quang, tươi đẹp. 50 năm từ khi ra đời trong đó có 30 năm mở cửa đón khách tham quan, Bảo tàng HCM cùng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành điểm hẹn thân thiết, nơi hành hương của đồng bào, đồng chí cả nước, địa điểm tham quan yêu thích của bạn bè khắp năm châu mỗi khi đến với Thủ đô Hà Nội.

Bước sang tuổi 50, Bảo tàng HCM đang đứng trước nhiều thách thức và nhiều vận hội mới, Bảo tàng đã đặt ra những mục tiêu quan trọng cần phải thực hiện trong những năm tiếp theo… Dù còn không ít khó khăn, đặc biệt trước những ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh và suy thoái kinh tế trên thế giới hiện nay, song với tình yêu và niềm tin dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, toàn thể cán bộ Bảo tàng HCM khẳng định không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của Bác Hồ mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt, khẳng định vai trò, vị trí của Bảo tàng đối với xã hội như đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mỗi người chúng ta, càng nhớ Bác Hồ, càng cố gắng làm theo lời Bác Hồ dặn, càng cố gắng làm theo cách Bác Hồ làm”.

 TS VŨ MẠNH HÀ, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top