Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

UNESCO vinh danh thầy giáo Chu Văn An: Người đầu tiên phổ cập giáo dục tại Việt Nam

Thứ Hai 16/11/2020 | 11:05 GMT+7

VHO- Ngày 7.11.2019, tại Paris (Pháp), Đại hội đồng UNESCO khóa 40 đã thống nhất biểu quyết “Tổ chức lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An - Nhà sư phạm Việt Nam”. Như vậy, cùng với Nguyễn Trãi (1980), Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) và Nguyễn Du (2015), thì Chu Văn An là Danh nhân văn hóa thứ tư của Việt Nam được tổ chức này vinh danh.

 Thầy giáo Chu Văn An Ảnh: T.L

 Chu Văn An (1292-1370) còn có tên gọi là Chu An, hiệu Tiều Ẩn (Tiều phu ở ẩn), người ấp Văn Xá, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội). Thuở nhỏ, ông ham học và học rất giỏi. Sau khi thi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ thời Trần), ông không ra làm quan mà mở trường dạy học ở quê nhà. Đây là trường tư thục đầu tiên của nước ta, sau này theo gương ông, nhiều trí thức đã về làng quê mở lớp để con em mình có học vấn và trở thành người có ích cho xã hội. Việc này có ý nghĩa như là phổ cập giáo dục cho cộng đồng, từ đây đào tạo được một tầng lớp trí thức mới, xuất phát từ nhân dân lao động, không phải là quý tộc hoặc hoàng tộc.

Thầy Chu Văn An mở trường ở làng Huỳnh Cung, bất cứ ai đến học ông cũng nhận, không phân biệt kẻ giàu, người nghèo, cũng không câu nệ tuổi tác. Tùy theo trình độ học trò, ông chia lớp để dạy, tương tự như ngày nay chúng ta có các lớp từ vỡ lòng đến tiểu học, trung học và cả đại học. Thầy tự soạn giáo trình, đó là bộ sách Tứ thư thuyết ước, 10 quyển, diễn dịch và giải thích cụ thể, dễ hiểu những nội dung của Nho học trong bộ sách Tứ thư của Chu Hy đời Tống. Căn cứ vào trình độ của từng lớp học, thậm chí của từng người, thầy giảng dạy sao cho dễ thuộc, dễ nhớ nhất và sau khi học xong là học trò có thể vận dụng ngay trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Thầy quan niệm rằng, con người khi mới sinh ra ai cũng như ai, “nhân chi sơ tính bản thiện”, sau nhờ giáo dục của gia đình, xã hội và của trường học mà sự phát triển về trí tuệ, nhân cách, phong cách sẽ dần khác nhau. Vì vậy, con người ai cũng có quyền được học và ai cũng có khả năng đi học. Do đó, trường học phải đón nhận tất cả các học trò. Người thầy phải dạy cho trò biết phát huy những cái hay, những điểm mạnh của mình, không nghĩ và làm việc xấu, việc ác, luôn luôn nghĩ và làm việc tốt, để dần hoàn thiện bản thân. Trong đào tạo phải lấy học trò làm trung tâm, khi truyền thụ kiến thức phải căn cứ vào khả năng, tâm sinh lý của từng người để làm cho họ có thể thấm nhuần những lời giảng của thầy, đặc biệt là tạo cho học trò có khả năng tư duy độc lập, phát huy tính chủ động, sáng tạo.

Những quan điểm giáo dục “vì con người” của Nhà giáo Chu Văn An cách đây đã hơn 700 năm, nhưng đến nay nó vẫn đúng, không những ở Việt Nam mà còn đúng với bất cứ nơi nào, bất cứ nền giáo dục nào. Với những quan điểm giáo dục rất tiến bộ đó, trường của thầy ngày càng đông học trò, trong đó có người đã đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) như Lê Bá Quát và Phạm Sư Mạnh. Hai ông ra làm quan, được thăng đến chức Hành Khiển (tương đương với Bộ trưởng ngày nay).

Năm thầy Chu Văn An 32 tuổi, vua Trần Minh Tông (1314-1329) mời ông ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Thời gian đầu, ông dạy học cho bảy thái tử, trong đó có bốn người sau này được làm Vua nhà Trần. Ông không chỉ dạy những nội dung trong Tứ thư thuyết ước mà ông coi trọng truyền thụ quan điểm giáo dục vì con người và đạo đức, phong cách của nhà nho cho học trò. Những người thi đỗ ra làm quan thì một lòng vì nước, vì dân. Những người về quê làm thầy đồ thì vì học trò của mình. Giáo trình Tứ thứ thuyết ước của ông được nhiều triều đại sau coi là tài liệu quý và áp dụng giảng dạy trong các trường học. Đến đời Lê - Trịnh, tài liệu này đã bị nhà Minh thu hết mang về Tàu. Sau đó, Lê Quý Đôn (1726-1784) đã biên soạn bộ Tứ thư ước giải để thay thế, nhưng khi giặc nhà Thanh sang xâm lược nước ta, chúng lại cướp đi. Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) tiếp tục biên soạn bộ Tứ thư trích giảng nối truyền. Ba bộ giáo trình này đã đào tạo nên hàng nghìn vị Tiến sĩ tài danh của Việt Nam.

Khi thầy Chu Văn An qua đời (18.1.1370), thầy được vua Trần tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” (Người thầy mẫu mực của muôn đời) và cho đặt tượng thờ trong Văn Miếu cùng nơi thờ đức Khổng Tử. 

 Tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác về thầy giáo Chu Văn An

Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An”. Đây là hoạt động tưởng niệm 650 năm ngày mất của Danh nhân Chu Văn An (1370-2020); thiết thực tôn vinh truyền thống hiếu học, chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11.

Được phát động từ tháng 6.2020, cuộc thi hướng tới học sinh các trường mang tên thầy giáo Chu Văn An trên cả nước và các trường học khác trên địa bàn Hà Nội. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh đến từ 31 trường học, lớp tham gia sáng tác. Các bài dự thi được thể hiện bằng nhiều hình thức: Bài viết, thơ, kể chuyện, tiểu phẩm, phim hoạt hình, vẽ tranh, tranh thêu, tranh gốm, sáng tác ca khúc, tượng, viết thư pháp... Trong đó, nhiều tác phẩm được thực hiện công phu, thể hiện tình cảm, sự hiểu biết của bản thân đối với một Nhà giáo mẫu mực của đất nước.

Cuộc thi nằm trong chuỗi các hoạt động tưởng niệm ngày mất của Danh nhân Chu Văn An, người được UNESCO tôn vinh là Nhà giáo dục tiêu biểu của Việt Nam và cũng là dịp các thế hệ học sinh thể hiện lòng tri ân đối với thầy Chu Văn An, người đầu tiên phổ cập giáo dục cộng đồng tại nước ta. HOÀNG NGÂN

 NGUYỄN HUY TOÀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top