Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bế mạc Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc – 2020: Tài năng trẻ “vượt khó” để toả sáng

Thứ Năm 12/11/2020 | 20:12 GMT+7

VHO- Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam tổ chức đã khép lại sau 9 ngày diễn ra sôi nổi trên sân khấu Nhà văn hoá Trung tâm tỉnh Hà Nam, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự, phát biểu và trao giải.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức trao tặng HCV cho các tài năng trẻ 

Khi lửa nghề vẫn cháy

57 trích đoạn của 64 diễn viên trẻ thuộc 11 đơn vị nghệ thuật truyền thống chèo trên cả nước đã để lại nhiều ấn tượng đối với những người làm nghề cũng như công chúng khán giả yêu nghệ thuật Chèo ở tỉnh Hà Nam.. Cuộc thi là minh chứng điển hình cho lòng yêu nghề vẫn đang rực cháy trong các thế hệ nghệ sĩ sân khấu Chèo hôm nay. Đằng sau thành công của các diễn viên trẻ là sự nỗ lực lớn của lãnh đạo các đoàn, là công sức của các thế hệ nghệ sĩ lớn tuổi khi đã vượt khó đưa lớp diễn viên trẻ tài năng đến với cuộc thi lần này. 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi phát biểu tại Lễ trao giải

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn và Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam Lê Xuân Huy trao HCB cho các diễn viên

Phó Cục trưởng Cục NTBD Trần Hướng Dương và Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà NamTạ Đình Quyền trao HCB cho các diễn viên 

 

Phát biểu tại lễ bế mạc Cuộc thi tài năng diễn viên trẻ sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc – 2020, Chủ tịch Hội đồng giám khảo,  Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi nhận định: “Sự xuất hiện của thế hệ diễn viên trẻ trên sân khấu lần này đã cho ta thấy tận mắt những tinh hoa của nghệ thuật Chèo, sức sống ngàn năm cùng với vẻ đẹp và sự cuốn hút của nó. Điều đáng mừng, đáng vui hơn là, cái sức sống, cái vẻ đẹp và sự cuốn hút của nghệ thuật Chèo, vốn được các thế hệ hôm qua giữ gìn và phát huy để trở thành một truyền thống của sân khấu Kịch hát dân tộc, thì hôm nay đã được các thế hệ diễn viên trẻ kế thừa và thể hiện một cách sáng tạo”. Làng Chèo đã xem trên sân khấu cuộc thi lần này 10 cô Thị Mầu lẳng lơ lên chùa ghẹo Tiểu; 8 cô Suý Vân giả điên, giả dại; 5 cô Đào Huế ra Bắc tầm chồng, đánh ghen; 6 nàng Thị Nở bập vào cuộc yêu, 5 ông Hề già cười ra nước mắt, 4 gã Trần Phương trăng hoa, phụ bạc,4 cậu Lưu Bình say đắm Châu Long… Dẫu phải xem đi xem lại một trích đoạn chèo truyền thống ở nhiều phần thi nhưng sức trẻ hồn nhiên, nhiệt huyết mê say, chất giọng đầy đặn truyền cảm và tươi sáng trong diễn xuất của từng diễn viên thể hiện đã khiến người xem không thấy nhàm chán mà còn có cơ hội để so sánh, đánh giá được trình độ và khả năng diễn xuất của từng nghệ sĩ. 

 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh tặng hoa Hội đồng giám khảo

 

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, thông qua các tiết mục biểu diễn đã thấy được sự nghiêm túc chỉn chu và ý thức gìn giữ những giá trị tinh hoa, giữ gìn những nguyên tắc thích hợp của sân khấu truyền thống của nhiều đơn vị, thể hiện rất rõ ở sự quan tâm, chăm lo cho thế hệ diễn viên trẻ. Lần đầu tiên một đơn vị nghệ thuật địa phương như Nhà hát Chèo Ninh Bình có tới 18 em diễn viên trẻ tham gia cuộc thi. Đằng sau những tiết mục hay và sự thành công của tài năng trẻ chính là công lao rèn luyện nghề, dày công chuẩn bị cho tiết mục của các lớp nghệ sĩ, đàn anh, đàn chị của từng nhà hát. Đã là cuộc thi tài năng trẻ thì phải có tài năng thật sự, lần này không hiếm diễn viên trẻ tài năng đã thể hiện thành công, nhuần nhuyễn các làn điệu bài bản, kể cả một số làn điệu chèo khó hát nhất. Sự chuẩn mực, tròn vành rõ chữ, đúng điệu, đúng làn, không chênh, không phô… đã được nhiều nghệ sĩ trẻ đạt tới. 

Và những tiếng lòng…

Có lẽ những người trăn trở và lo lắng nhất tại cuộc thi lần này chính là những lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật Chèo hiện nay, chia sẻ từ nhiều lãnh đạo các đơn vị, nghệ thuật Chèo đang phải đối diện với bài toán nan giải về “cơm áo gạo tiền” khi mà các vở diễn dựng ra không thể bán vé doanh thu. Chèo ngày càng trở nên xa lạ và không còn là nhu cầu thưởng thức đối với khán giả, hoạt động biểu diễn èo uột như cảnh chợ chiều, chỉ trông cậy vào các mùa lễ hội. Hơn thế, một số địa phương đã và đang thực hiện việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... thành mô hình nhà hát nghệ thuật mặc dù biết đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm tinh giảm biên chế và co cụm lực lượng chứ không phải sáp nhập để đầu tư quy mô và dĩ nhiên những diễn viên trẻ rất khó có thể được vào biên chế mặc dù họ có thể đang là lực lượng diễn chủ chốt.

 

Phùng Thị Thanh Huyền, diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội vai Thị Màu trong trích đoạn "Thị Màu lên chùa", HCV Cuộc thi

 

Nguyễn Thị Thu Hiền, diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam vai Thị Nở trong "Chuyện tình làng Vũ Đại",  HCV Cuộc thi

 

 Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi chia sẻ: Có địa phương sáp nhập 3 đoàn gồm chèo, kịch nói và cải lương thành một đoàn, kinh phí cấp hàng năm chỉ đủ cho một loại hình nghệ thuật dựng vở, nếu chèo dựng vở, tiết mục thì cải lương và kịch thôi và ngược lại; mức lương theo hạng, bậc của các nghệ sĩ đã thấp nhưng các khoản bồi dưỡng lại ngày càng ít đi do không có nguồn thu...Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của các nghệ sĩ trẻ dành cho nghệ thuật Chèo. Ông  Tuấn cũng cho biết trong kế hoạch công tác năm 2021, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chủ động báo cáo, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặt mục tiêu hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn. Đây sẽ là một văn bản quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều chục năm quản lý bằng quy chế, Thông tư rồi Nghị định, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ tiến tới xây dựng một văn bản Luật mà ở đó sẽ có những quy phạm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển; tiếp theo là xây dựng một Đề án phát triển tài năng và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với lãnh đạo Bộ những nội dung, biện pháp trong định hướng phát triển sự nghiệp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về VHNT trong thời gian tới.

Phát hiện được tài năng trẻ đã khó, nhưng để tài năng phát triển được lại phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn nhận về vấn đề đầu tư cho công tác đào tạo diễn viên trẻ.Có rất nhiều giải pháp đã được thực thi để khuyến khích các tài năng trẻ gắn bó với nghệ thuật, như miễn giảm học phí, tạo cơ hội biểu diễn... Tuy nhiên, với một ngành đặc thù như nghệ thuật chèo cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt hơn, để có thể thu hút người trẻ, và tạo bệ đỡ vững vàng cho những tài năng phát lộ.

Thi tài năng trẻ để phát hiện nguồn nhân lực cao cho nghệ thuật biểu diễn
Mặc dù Cuộc thi lần này chưa quy tụ được đầy đủ các đơn vị nghệ thuật trong cả nước nhưng điều đáng chú ý đó là các đơn vị có diễn viên viên trẻ dự thi đã tạo những điều kiện tốt nhất cho diễn viên của mình tham dự cuộc thi.  Các trích đoạn dự thi cơ bản được dàn dựng kỹ càng, chỉn chu, có sự đầu tư cả về nghệ thuật và  kỹ năng biểu diễn. Điều đó khẳng định ý nghĩa quan trọng của Cuộc thi, được coi như Ngày hội lớn - nơi gặp gỡ, trao đổi, học hỏi của đồng nghiệp, bạn bè để cùng nhau gìn giữ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Cuộc thi cũng cho thấy lòng say mê nghề nghiệp của các diễn viên trẻ thật đáng trân trọng, khiến chúng ta thêm tự tin vào giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và của nghệ thuật Chèo nói riêng trong đời sống xã hội hôm nay. Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật cần tiếp tục đầu tư hơn nữa coi đây là một trong những công tác quan trọng để duy trì và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống. Bộ VHTTDL tổ chức các cuộc thi tài năng trẻ để phát hiện những nguồn nhân lực cao cho nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là sân khấu truyền thống.

(THỨ TRƯỞNG BỘ VHTTDL, PGS, TS TẠ QUANG ĐÔNG)

 

KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG:  

10 Huy chương Vàng, 18 Huy chương Bạc, 1 giải thưởng cho diễn viên trẻ nhất và 3 giải diễn viên chèo triển vọng. 10 tài năng trẻ được trao HCV gồm: Phùng Thị Thanh Huyền, Phạm Thị Kim Liên (NH Chèo Hà Nội), Trần Thị Lệ Thu, Nguyễn Thị Thu Hiền (NH Chèo VN), Đặng Thị Quyến (NH Chèo Bắc Giang),  Lê Thị Hồng Vân (NH Chèo Thái Bình),  Nguyễn Thị Tuyền (NH Chèo tỉnh Ninh Bình), Phạm Văn Hoá (NH NTTT Thanh Hoá), Nguyễn Thị Huyên (NH Chèo Quân đội), Lê Thị Kim Cúc (Trung tâm VHNT Hà Nam). Bên cạnh đó Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng trao tặng phần thưởng và Bằng khen cho các diễn viên trẻ triển vọng, đơn vị có thành tích xuất sắc cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc đào tạo và bồi dưỡng lớp diễn viên trẻ kế cận là Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Chèo Ninh Bình.

THUÝ HIỀN, Ảnh : QUANG HÀO

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top