Việt Nam liên tiếp đón nhận danh hiệu là điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á: Cơ hội “vàng” phủ sóng tới du khách quốc tế

VHO- “Việc gia tăng sự nhận diện Việt Nam trên phạm vi toàn cầu thông qua liên tiếp góp mặt trong các giải thưởng quốc tế là phương thức hiệu quả mang lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách ngay từ khi họ đang tìm kiếm thông tin về Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để du lịch Việt Nam bứt phá sau Covid-19”.

Việt Nam liên tiếp đón nhận danh hiệu là điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á: Cơ hội “vàng” phủ sóng tới du khách quốc tế - Anh 1

 Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám tháng 2.2020 Ảnh: TR HUẤN

 Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trên mọi lĩnh vực bởi đại dịch Covid-19, các nước đều tập trung nguồn lực để quảng bá hình ảnh đất nước, con người bằng hình thức trực tuyến để cung cấp thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch và chuẩn bị để cạnh tranh thu hút khách khi có điều kiện. Điều này đang tạo nên một cuộc đua và cạnh tranh giữa các quốc gia trên không gian Internet để hấp dẫn du khách.

Việc Việt Nam vinh dự sở hữu nhiều hạng mục Điểm đến hàng đầu châu Á trong khuôn khổ Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) tại thời điểm này chính là lợi thế, là cơ hội “vàng” để chúng ta “phủ sóng” rộng rãi hình ảnh Việt Nam an toàn và hấp dẫn tới đông đảo bạn bè quốc tế. Theo kết quả công bố của Giải thưởng Du lịch thế giới WTA hôm 3.11 vừa qua, Việt Nam đã vinh dự được gọi tên chiến thắng trong cuộc bình chọn các hạng mục: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đứng đầu khu vực châu Á tại cả ba hạng mục này. Theo thông báo của WTA, Việt Nam tiếp tục được đề cử tại 5 hạng mục giải thưởng “hàng đầu thế giới” (“World Leading’s”) năm 2020 bao gồm: (1) Điểm đến hàng đầu thế giới; (2) Điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới; (3) Điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới; (4) Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; (5) Cơ quan quản lý du lịch cấp quốc gia hàng đầu thế giới. Kết quả các hạng mục giải thưởng cấp thế giới của WTA sẽ được công bố vào ngày 27.11 tới.

Bên cạnh danh hiệu dành cho điểm đến quốc gia, nhiều thương hiệu, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đạt được hàng loạt giải thưởng cho thấy du lịch Việt Nam đã khẳng định được chất lượng, vị thế và thương hiệu trong khu vực. Các giải thưởng quốc tế uy tín luôn được cộng đồng du lịch xem như chỉ dẫn hoặc bảo chứng đáng tin cậy khi đánh giá về một điểm đến hay một thương hiệu nào đó. “Việc gia tăng sự nhận diện Việt Nam trên phạm vi toàn cầu thông qua liên tiếp góp mặt trong các giải thưởng quốc tế là phương thức hiệu quả, mang lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách ngay từ khi họ đang tìm kiếm thông tin về Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để du lịch Việt Nam bứt phá hậu Covid-19”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.

Trước câu hỏi, vậy những giải thưởng quan trọng đó có ý nghĩa như thế nào đối với việc xây dựng, triển khai “Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”, ông Khánh cho biết việc xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa nhằm tạo bước phát triển đột phá trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thương hiệu du lịch quốc gia về du lịch văn hoá tập trung phát triển 2 lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh gồm ẩm thực và di sản. Qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường ưa chuộng.

Hai năm liên tiếp Việt Nam được nhận giải thưởng Điểm đến hàng đầu châu Á về ẩm thực, di sản và văn hoá khẳng định Việt Nam đang tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất khu vực châu Á. Điều này cũng cho thấy việc tập trung phát triển của du lịch Việt Nam trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, di sản, ẩm thực là một hướng đi đúng đắn. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 20% trong tổng số khoảng 40 tỉ USD doanh thu từ khách du lịch. Thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hóa Việt Nam được mở rộng, ghi nhận tại các thị trường mục tiêu và

 truyền thống như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, New Zeland, Đông Âu, Bắc Âu và thị trường mới Trung Đông.

Việc du lịch Việt Nam nhiều năm liền ghi dấu ấn trên các bảng xếp hạng giải thưởng khu vực của WTA sẽ tạo cơ hội để chúng ta quảng bá, thu hút khách đi du lịch Việt Nam nhiều hơn. Nhưng làm sao để níu chân du khách, khiến du khách thực sự hài lòng, sẵn lòng quay trở lại và giới thiệu thêm nhiều bạn bè khác tới Việt Nam đòi hỏi chúng ta cần cung cấp được những dịch vụ chất lượng và trải nghiệm du lịch hấp dẫn. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể hướng tới các danh hiệu cao quý hơn.

Cũng theo ông Khánh, “danh hiệu Điểm đến Văn hóa hàng đầu thế giới có lẽ không chỉ là khát khao của ngành Du lịch mà mong muốn của mọi người dân Việt Nam. Để phát triển thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hoá, hướng đến danh hiệu Điểm đến văn hoá hàng đầu thế giới, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy các giá trị về văn hóa, di sản, ẩm thực mà Việt Nam có thế mạnh và là những yếu tố nổi trội đã được ghi nhận thời gian qua. Trước hết chúng ta phải ứng xử có trách nhiệm, có chính sách bảo tồn để gìn giữ tốt nhất các di sản, các giá trị văn hóa. Đồng thời phát huy các giá trị văn hóa, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức hấp dẫn, tạo môi trường văn hóa, ứng xử văn hóa đối với khách du lịch, để cho mỗi du khách hiểu hơn, tôn trọng hơn những giá trị, những nét đẹp của văn hóa Việt Nam”.

Bên cạnh đó rất nhiều yếu tố cần được chú trọng bao gồm xây dựng và hình thành các sản phẩm, hệ thống điểm đến trên cơ sở phát huy tốt nhất các giá trị văn hoá độc đáo, đặc trưng mà chúng ta đang có. Kết nối hàng không, chính sách tạo điều kiện đi lại cho khách, chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, không gian, cảnh quan môi trường và cam kết của các doanh nghiệp luôn phải thực sự quan tâm và cải thiện…

 Việc du lịch Việt Nam nhiều năm liền ghi dấu ấn trên các bảng xếp hạng giải thưởng khu vực của WTA sẽ tạo cơ hội để chúng ta quảng bá, thu hút khách đi du lịch Việt Nam nhiều hơn. Nhưng làm sao để níu chân du khách, khiến du khách thực sự hài lòng, sẵn lòng quay trở lại và giới thiệu thêm nhiều bạn bè khác tới Việt Nam đòi hỏi chúng ta cần cung cấp được những dịch vụ chất lượng và trải nghiệm du lịch hấp dẫn. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể hướng tới các danh hiệu cao quý hơn.

 NGUYỄN LÂM SƠN

Ý kiến bạn đọc