Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tạo động lực cho sự phát triển

Thứ Hai 09/11/2020 | 10:29 GMT+7

VHO- Trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn coi trọng công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Điều đó đã trở thành mục tiêu phấn đấu và nguồn khích lệ to lớn để các cán bộ, công nhân viên chức toàn ngành nỗ lực phát huy thành tích đạt được, tạo động lực cho sự phát triển...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết 18 năm Phong trào TDĐKXDĐSVH (tháng 9.2018) Ảnh: TR.HUẤN

Phong trào TDĐKXDĐSVH: Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, việc thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trong những năm qua đã từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân... Phong trào được xem như một luồng gió tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, gắn kết chặt chẽ các ngành, lĩnh vực và được các tầng lớp nhân dân tự nguyện thực hiện. Đặc biệt, Phong trào đã đi vào cuộc sống và trở thành hoạt động thường xuyên, hằng ngày của cộng đồng dân cư, tác động đến từng cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang về hành vi, lối sống, đạo đức, nhân cách... Qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn; đạo đức, gia phong của dòng tộc, làng xã được giữ gìn và trao truyền; các nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị được thực hiện nghiêm túc. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, ngành được người dân hưởng ứng thi đua, tham gia thực hiện đầy đủ, trách nhiệm. Phong trào đã tập hợp được sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Từ tác động của Phong trào đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả trong Phong trào được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Qua các giai đoạn sơ kết, tổng kết, Phong trào đã có trên 1.200.000 gương người tốt, việc tốt; 18.651.317/21.771.790 gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; 73.984/104.609 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa được công nhận; 84.785/114.972 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen thưởng động viên kịp thời.

Tổng cục TDTT: Phát động phong trào thi đua trước mỗi sự kiện lớn

Với Thể thao Việt Nam, giai đoạn từ năm 2016-2020 có thể xem là thành công nhất trong lịch sử phát triển từ trước tới nay, trong đó nổi bật là chiếc HCV Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh; HCB môn Bơi lần đầu tiên tại Asian Games cùng hàng loạt ngôi Vô địch thế giới, Vô địch châu Á và khu vực...

Những thành tích đó có được là do sức lan toả của các phong trào thi đua đối với các HLV, VĐV và toàn thể những người làm công tác TDTT trên cả nước. “Trước mỗi nhiệm vụ quan trọng của ngành như tổ chức Đại hội TDTT các cấp và Đại hội Thể thao toàn quốc, chuẩn bị tham dự SEA Games, Asian Games, Olympic..., Tổng cục TDTT đều phát động các phong trào thi đua với các khẩu hiệu thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc và động viên các tập thể, cá nhân, VĐV lập thành tích xuất sắc, góp phần cùng toàn cơ quan hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ được giao; đồng thời, tổ chức tốt các phong trào thi đua trong đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên, hướng tới lập thành tích xuất sắc “vì màu cờ, sắc áo của Tổ quốc” trước thềm mỗi đại hội thể thao quốc tế lớn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về TDTT có nhiều chuyển biến. Trong giai đoạn 2016-2020, ngành TDTT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, 5 Nghị định; trình Bộ trưởng ban hành 39 Thông tư và 3 Đề án về lĩnh vực TDTT. Hệ thống các văn bản, đề án được ban hành đầy đủ, kịp thời, giúp cho việc quản lý và tổ chức các hoạt động TDTT ngày càng được chặt chẽ và có hiệu quả, đồng thời tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành trong 5 năm qua và những năm tiếp theo.

 Sự kiện Ngày hội gia đình Việt Nam năm 2020 Ảnh: P.V

Du lịch Việt Nam đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước

Trong 5 năm qua, Du lịch Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về các chỉ số quan trọng. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng từ 10 triệu lên 18 triệu (tăng 1,8 lần). Tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế đạt trung bình 15%/năm. Khách du lịch nội địa từ 62 triệu lượt lên 85 triệu lượt (tăng 1,3 lần). Tổng thu từ du lịch tăng từ 401 ngàn tỉ đồng lên 755 ngàn tỉ đồng (tăng gần 1,9 lần). Đóng góp trực tiếp của ngành Du lịch vào GDP từ 6,96% lên 9,2% (tăng 1,3 lần), đến hết năm 2019 đã tạo ra khoảng 2,9 triệu lao động, trong đó có trên 972.000 lao động trực tiếp. Năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2019 đã tăng 4 bậc so với năm 2017 để vươn lên xếp hạng 63 trong 140 nền kinh tế.

Liên tục trong nhiều năm, Du lịch Việt Nam được nhận những giải thưởng danh giá do các tổ chức uy tín trong khu vực và thế giới trao tặng. Sự phát triển vượt bậc của du lịch đã làm thay đổi diện mạo đất nước; nâng cao vịthếvàhình ảnh Việt Nam trong quátrình hội nhập với quốc tế, tốc độ tăng trưởng cao và tỷ trọng trong GDP tăng nhanh, có sức lan tỏa mạnh, thúc đẩy nhiều ngành và địa phương phát triển, góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội; thu hút được ngày càng nhiều lao động, góp phần phát triển yếu tố con người; tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, tạo tiền đề vững chắc cho du lịch phát triển ở mức cao hơn trong thời kỳ mới.

Với những thành tích nổi bật, nhân dịp kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển, để động viên khích lệ Tổng cục Du lịch phát huy những thành tích đạt được, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh chính trị được giao, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tổng cục Du lịch đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện lời dạy của Bác: “Càng khó khăn, càng phải đẩy mạnh thi đua”, xác định đại dịch Covid-19 là cơ hội để cơ cấu lại ngành Du lịch, toàn ngành Du lịch quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy sức mạnh tổng hợp và triển khai thực hiện mục tiêu đưa Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Xây dựng gia đình hạnh phúc là mục tiêu lớn nhất của công tác gia đình

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, điều hành thuộc lĩnh vực gia đình trong những năm qua đã ban hành nhiều văn bản quan trọng mang tính chiến lược. Đặc biệt, đã tham mưu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, phê duyệt nhiều văn bản quan trọng như: Quyết định số 363QĐ-TTg ngày 8.3.2016 về Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ, Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17.5.2016 ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ... Những sự kiện lớn đã được tổ chức mang tính khoa học, rút ra những kinh nghiệm quý báu trong sự phát triển của công tác gia đình như: Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam (2012-2017), Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2008-2018); Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3 hằng năm (2013-2018)...

Mục tiêu lớn nhất của công tác gia đình hướng tới là xây dựng gia đình hạnh phúc. Chính vì vậy, cho tới thời điểm hiện nay, người dân đều đã quen và hưởng ứng tích cực vào các hoạt động của công tác gia đình được tổ chức thường niên như: Ngày Quốc tế hạnh phúc (20.3); Ngày Gia đình Việt Nam (28.6); Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25.11)... Năm 2020 là năm thứ hai Bộ VHTTDL tổ chức thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Dù mới triển khai nhưng có thể thấy, việc cho ra đời Bộ Quy tắc ứng xử trong gia đình đã được các địa phương và đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng. 

 NGÂN ANH - THU SÂM - THÚY HÀ - THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top