Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Chìa khóa giúp doanh nghiệp “vượt bão” Covid-19: Văn hóa kinh doanh là yếu tố sống còn

Thứ Hai 09/11/2020 | 09:09 GMT+7

VHO - Trước những khó khăn và thách thức do dịch Covid-19 gây ra, việc thực thi văn hóa, đạo đức kinh doanh chính là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp (DN) vượt bão dịch thành công. Đó là chia sẻ của các doanh nghiệp tại Diễn đàn “Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh” do Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 8.11 tại Hà Nội.  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại Diễn đàn. 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại Diễn đàn

Xây dựng niềm tin bằng thái độ phục vụ

Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề văn hóa trong các doanh nghiệp giữ vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trước những tác động của bối cảnh đại dịch Covid-19. Thực tế đã cho thấy, lợi ích mang lại từ văn hóa kinh doanh đã giúp rất nhiều doanh nghiệp vượt “bão dịch” thành công.

Theo PGS.TS Dương Thị Liễu, Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam: “Những tác động từ đại dịch vừa là thách thức, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi, bứt phá. Trong  đó, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp vừa là yếu tố phát triển bền vững, vừa là động lực của sự thay đổi...”.

Chia sẻ tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cho biết, văn hóa kinh doanh là điều kiện cần thiết để tái thiết kinh tế, trong đó yếu tố con người và yếu tố công nghệ giữ vai trò quan trọng. Chính bởi vậy, ngoài việc lập chiến lược kinh doanh một cách bài bản, doanh nghiệp cần phải xây dựng đội ngũ doanh nhân có văn hoá, như vậy mới có thể trụ vững trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), điều kiện cần để hướng đến sự phát triển bền vững thì phải có một nền kinh tế bền vững và điều này đòi hỏi phải có những DN phát triển bền vững. Xác định được điều này, ngay từ khi mới thành lập, PNJ đã coi mỗi nhân viên trong công ty là một “chiến binh”, phục vụ khách hàng với sự tôn trọng, coi lợi ích của khách hàng là mục tiêu phục vụ đầu tiên.

Nói về quá trình vượt qua đại dịch Covid-19, bà Dung cho hay, ngay từ đầu tháng 1. 2020, ban lãnh đạo Công ty PNJ đã nhìn thấy và lường trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Ngay lập tức, PNJ đã thành lập một Ban chỉ đạo và điều hành xuyên suốt tất cả các trụ sở mà PNJ “đóng chân” trên cả nước. Dù dịch bệnh xảy ra, PNJ vẫn không quên thực hiện các chương trình chăm sóc cũng như đảm bảo lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Thái độ phục vụ chính là yếu tố tạo nên niềm tin cho người sử dụng dịch vụ . Bên cạnh đó, đời sống công nhân cũng được chăm sóc đầy đủ, dù doanh thu giảm do một thời gian giãn cách xã hội nhưng lương cho nhân viên vẫn được đảm bảo.

Theo bà Dung, đại dịch Covid-19 khiến cho phần lớn người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm. Từ mua sắm truyền thống chuyển sang mua hàng trực tuyến. Với PNJ, trước đây kênh bán hàng này không nổi trội, vì sản phẩm vàng bạc đá quý là những sản phẩm người dân ít khi mua “online”. Tuy nhiên, bằng việc xây dựng niềm tin với khách hàng, PNJ đã nhận được niềm tin của nhiều người tiêu dùng, họ sẵn sàng mua các sản phẩm của công ty qua kênh bán hàng trực tuyến. “Có thể khẳng định, văn hóa, đạo đức kinh doanh chính là nền tảng để các DN vượt qua đại dịch không quá khó khăn”- bà Dung nhấn mạnh.

Bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ kinh nghiệm "vượt bão Covid"

Văn hóa kinh doanh là yếu tố sống còn

Cũng khẳng định văn hóa kinh doanh là yếu tố sống còn, có thể giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Công ty Ao Vua, chuyên về lĩnh vực du lịch cho biết, dịch bệnh khiến các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch tổn thất nặng nề nhất. Và công ty của ông Thản không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Tuy nhiên, ngay từ đầu thành lập công ty, ông Thản cho biết,  đã luôn tâm niệm “Mình vì mọi người thì mọi người cũng sẽ vì mình”. Với phương châm này, suốt nhiều năm liền, Ao Vua đã xây dựng được niềm tin với khách du lịch”. Mặc dù không phủ nhận dịch bệnh đã ảnh hưởng đến doanh thu của công ty, khiến công ty sụt giảm 30% lợi nhuận. “Song, trong thời điểm xã hội giãn cách, chúng tôi cũng đã củng cố lại hoạt động của toàn công ty, từ việc đưa ra chiến lược kinh doanh thế nào, dịch vụ chăm sóc khách hàng ra sao để có thể vực dậy một cách mạnh mẽ sau đại dịch” – ông Thản nói.

Cũng là một trong những ngành bị tổn thương khá nặng nề vì đại dịch Covid-19, Tổng Giám đốc Công ty May 10, ông Thân Đức Việt cho biết, dịch bệnh khiến ngành may gặp nhiều khó khăn hơn cả. “Tháng 2.2020 chúng tôi bị đứt gãy hoàn toàn nguồn cung”, ông Việt nói. Bởi đại dịch xuất phát từ Trung Quốc, trong khi nguồn cung nguyên liệu chủ yếu của ngành may là từ Trung Quốc, chính bởi vậy, trong một khoảng thời gian dài, nguồn nguyên liệu bị dừng hoàn toàn. Đặc biệt, dịch bệnh khiến nhu cầu mua sắm của người dân về các mặt hàng thời trang giảm sút. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, Công ty đã có những thay đổi trong chiến lược kinh doanh, sản xuất, từng bước vượt qua đại dịch. Thay vì tập trung vào những dòng sản phẩm veston, May 10 đã chuyển qua sản xuất những mặt hàng mà người dân cần để phòng chống dịch như khẩu trang và các mặt hàng cần thiết khác.

“Dịch và thiên tai ngày càng khó lường, quan trọng nhất là DN biết ứng phó và thay đổi theo những khó khăn đó như thế nào” - ông Thân Đức Việt nêu quan điểm.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thống nhất với các chia sẻ từ diễn giả đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam  về những tác động thuận nghịch của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp; Vai trò của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong việc giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch và tái thiết kinh tế...

Phó Thủ tướng Thường trực đồng ý với nhận định mà nhiều diễn giả, đại diện cho các doanh nghiệp phát biểu: Muốn doanh nghiệp phát triển phải xác định rõ chiến lược, mục tiêu kinh doanh; xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả; xây dựng thương hiệu; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và không ngừng đổi mới, sáng tạo. Doanh nghiệp phải xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, xác định đây là vấn đề cốt lõi, nền tảng để phát triển. Thông qua diễn đàn những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp sẽ được tập hợp trình lên Thủ tướng Chính phủ để các đề xuất hữu ích nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Nhân dịp này, Ban tổ chức diễn đàn đã tôn vinh các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đã có nỗ lực vượt bậc trong xây dựng, củng cố văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam, từng bước khắc phục tác động bất lợi do đại dịch Covid-19 gây ra, hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động.

VŨ MỪNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top