Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN lần 3 - Việt Nam 2020: “Chiến thắng” của nghệ thuật trong bối cảnh đại dịch

Thứ Sáu 06/11/2020 | 10:49 GMT+7

VHO- Là sự kiện văn hóa nghệ thuật ý nghĩa trong năm 2020, cuộc thi và triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN lần 3 được Bộ VHTTDL phối hợp với ĐSQ Việt Nam tại các nước ASEAN, ĐSQ các nước ASEAN tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao, các đơn vị tổ chức Mỹ thuật của các nước ASEAN và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.

 Tác phẩm đoạt giải Nhì của Việt Nam

Sự kiện được tổ chức 4 năm một lần, nhằm góp phần mở rộng quan hệ giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế, thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước ASEAN, được khai mạc ngày 6.11 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA, Hà Nội).

Bức tranh cuộc sống đương đại ASEAN

Theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), tại cuộc thi sáng tác tranh đồ họa các nước ASEAN lần thứ 3, đề tài, nội dung sáng tác về cuộc sống, con người, phong cảnh thiên nhiên, đất nước hòa bình, đoàn kết, hợp tác, hữu nghị và những vấn đề của cuộc sống đương đại của các nước ASEAN cùng được quan tâm chia sẻ. Đây là những tác phẩm được sáng tác từ 2017 - 2020, với sự tham gia của các tác giả có quốc tịch thuộc khối ASEAN.

BTC đã nhận được 345 tác phẩm của 182 tác giả đến từ 10 quốc gia ASEAN gửi tham dự. HĐNT đã lựa chọn 117 tác phẩm của 84 tác giả, gồm các thể loại tranh in: tranh in nổi (khắc gỗ, khắc cao su, khắc bìa và các kỹ thuật in nổi khác); tranh in lõm (khắc kim loại, khắc mica, khắc trên phim, khắc lõm cảm quang); tranh in phẳng (in đá, litho trên kim loại, litho trên gỗ); tranh in xuyên (in lưới, in trổ khuôn); tranh in độc bản (collagraph); tranh in các kỹ thuật khác: cyanotype (blue print), gumprint, tranh in kỹ thuật số; tranh in đa chiều (sắp đặt tranh in, book art tranh in, tranh in nhiều lớp). HĐNT đánh giá, thông qua các sáng tác, các nghệ sĩ ASEAN mong muốn mang lại sự mới mẻ, thú vị trong từng tác phẩm, kích thích thị giác của người xem với những biểu đạt tinh tế do kỹ thuật in mang lại. HĐNT gồm các nhà chuyên môn của Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản đã chấm chọn được 11 tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng, bao gồm: 01 giải Nhất (tác phẩm của họa sĩ Thái Lan), 02 giải Nhì (tác phẩm của các họa sĩ Thái Lan và Việt Nam), 03 giải Ba (tác phẩm của các họa sĩ Philippines, Thái Lan và Việt Nam) và 5 giải Khuyến khích.

 Tác phẩm đoạt giải Nhất của Thái Lan

Đây là dịp để họa sĩ Việt Nam và các nước ASEAN giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm mới trong sáng tác, giới thiệu tác phẩm về đất nước, con người mỗi nước cùng những vấn đề mà các nước ASEAN quan tâm. Triển lãm cũng là cơ hội để công chúng Việt Nam tiếp xúc và thưởng thức những tác phẩm đồ họa chọn lọc của các nước ASEAN; đồng thời là dịp để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng.

Nghệ sĩ thị giác Vũ Bạch Liên, Ủy viên HĐNT cho rằng, qua các kỳ triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN, xu hướng phát triển về chất lượng nghệ thuật cũng như sự giao thoa văn hóa và kỹ năng kết hợp các hình thức thể hiện tác phẩm của các nghệ sĩ trong khu vực ngày càng độc đáo và đa dạng, dù vậy họ vẫn giữ được sự nhận diện cá nhân và bản sắc văn hóa dân tộc tương đối cao. Các tác phẩm trong triển lãm phản ánh những mâu thuẫn cá nhân trước bối cảnh xã hội hiện đại, người nghệ sĩ biểu đạt trách nhiệm với thế giới xung quanh và gửi gắm những khát vọng về tương lai tốt đẹp hơn.

Nghệ thuật tranh in trong bối cảnh Covid-19

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch HĐNT nhận định, đến lần thứ ba, Việt Nam vẫn tiếp tục là nước chủ nhà can đảm kết nối và đăng cai Triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN năm 2020. Đồ họa đương đại ở bất kỳ quốc gia nào trong khu vực cũng đang đứng trước những thách thức mới khi thế giới đang phẳng và văn hóa đang toàn cầu. Công nghệ và kỹ thuật số là tiếng gọi bí ẩn đầy quyền năng trong Thế kỷ của châu Á và phương Đông huyền hoặc. Thông qua triển lãm, công chúng không chỉ có cơ hội tiếp xúc và thưởng thức những tác phẩm đồ họa chọn lọc của các nước ASEAN mà còn là dịp để đặt ra câu hỏi: Đồ họa Việt đương đại đi về đâu trước muôn nẻo rẽ, khúc quanh để ngỏ…?

 Giải Ba của Philippines

Phó Chủ tịch HĐNT, PGS.TS. họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương (Trưởng khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, Cuộc thi và Triển lãm là một điều kỳ diệu, một chiến thắng lớn của nghệ thuật tranh in trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Điều đó cho thấy lợi thế và giá trị của tranh in đối với việc giao lưu nghệ thuật trong thế giới ngày nay. So với hai lần tổ chức trước đây, sự mới mẻ của sự kiện lần này nằm ở hình thức tranh in đa chiều qua một số mở rộng thú vị về điểm tiếp xúc của người xem với tác phẩm. Nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng nhìn nhận, dịch Covid-19 khiến cho số lượng, chất lượng các tác phẩm Đồ họa quốc tế năm nay có phần không phản ánh đúng thực tế của nghệ thuật. Sáng tác dựa trên công nghệ và kỹ thuật số hiện vẫn chưa chính thức được tìm hiểu sâu ở nước ta, mà chỉ được đánh giá ở phương diện Thiết kế Đồ họa nói chung. Đáng chú ý, theo ông Phan Cẩm Thượng, sáng tác của họa sĩ Việt Nam còn nghèo nàn về cả kỹ thuật và nội dung, hình thức tác phẩm. Đây là điều đáng báo động, khi Đồ họa sáng tác rất ít được các nghệ sĩ trẻ chú trọng.

Ủy viên HĐNT đến từ Nhật Bản, GS Takeshi Hara, giảng viên Khoa Sơn dầu và Tranh in, Trường Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Tokyo bày tỏ ngạc nhiên bởi sự đa dạng của những tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nhiều kỹ thuật và cách thức biểu đạt. Ông chia sẻ cảm thấy thích thú những kỹ thuật tinh tế, tham vọng đối với các tác phẩm của những người nghệ sĩ.

Theo GS Pongdej Chaiyakut, giảng viên Khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Chiang Mai, Thái Lan, Ủy viên HĐNT, năm 2020 đã chứng kiến một đại dịch toàn cầu, tuy nhiên Triển lãm Tranh đồ họa ASEAN 2020 vẫn được diễn ra. Điều này minh chứng rằng BTC cùng các nghệ sĩ đã rất mạnh mẽ và có một sự gắn kết lớn với nghệ thuật. “ Cuộc thi này đã được mở rộng với sự tham gia của nhiều quốc gia hơn. Hi vọng rằng cuộc thi Nghệ thuật đồ họa Việt Nam ASEAN sẽ trở thành một tiêu chuẩn của ngành Tranh in và là một hoạt động thường xuyên của Nghệ thuật đồ họa ASEAN...”, GS Pongdej Chaiyakut nhận định. 

  Cuộc thi và Triển lãm là một điều kỳ diệu, một chiến thắng lớn của nghệ thuật tranh in trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Điều đó cho thấy lợi thế và giá trị của tranh in đối với việc giao lưu nghệ thuật trong thế giới ngày nay. So với hai lần tổ chức trước đây, sự mới mẻ của sự kiện lần này nằm ở hình thức tranh in đa chiều qua một số mở rộng thú vị về điểm tiếp xúc của người xem với tác phẩm.

(Phó Chủ tịch HĐNT, PGS.TS. họa sĩ NGUYỄN NGHĨA PHƯƠNG - Trưởng khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam)

 BẢO NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top