Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nghệ thuật xòe Thái: Hồn cốt văn hóa của người Thái ở Tây Bắc

Thứ Sáu 06/11/2020 | 10:32 GMT+7

VHO- Nói đến dân tộc Thái là người ta nghĩ đến những biểu đạt văn hóa mang tính cộng đồng cao như Xòe; nói đến Xòe thì người ta biết đó là vũ điệu dân gian của người Thái ở Tây Bắc, tập trung ở các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La. Các điệu Xòe xuất phát từ nghi lễ Then mang tính shaman giáo, và dần dần, Xòe được trình diễn trong các các lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Xòe nghi lễ trong Lễ Xên Lẩu Nó, bản Nà Và 2, huyện Yên Châu (Sơn La) Ảnh: NGUYỄN VĂN HUYNH

 “Xòe” có nghĩa là các động tác múa mô phỏng hoạt động của con người trong cuộc sống, lao động, sản xuất, tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp và sự đoàn kết, cộng cảm...

Sự gắn kết thông qua thực hành di sản

Về cơ bản, Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe biểu diễn. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với đạo cụ, vì thế được gọi theo tên các đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa... Xòe vòng là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người, đây cũng là điệu Xòe phổ biến nhất.

Động tác cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh rồi cùng bước chân nhịp nhàng, ngực hơi ưỡn, lưng ngả về phía sau. Các nhạc cụ tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm choẹ, pí pặp, bẳng bu, mák hính... đệm theo nhịp chẵn 2/4, 4/4 trong những âm điệu đặc trưng của những quãng 2 trưởng, 3 trưởng, thứ, quãng 4,5 đúng. Những cử động uyển chuyển hòa với âm nhạc, bài hát, trang phục trong không gian nghi lễ Then thể hiện một hệ thống tín ngưỡng của người Thái; đồng thời các cuộc vui có Xòe vòng còn thể hiện tính cởi mở, gắn kết, thân thiện của một loại hình nghệ thuật cộng đồng.

Mỗi loại Xòe có cách thể hiện riêng về con người, văn hóa Thái. Chẳng hạn, Xòe vòng là một loại hình sôi nổi, vui tươi, có thể diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc. Điều này nói lên rằng đối với Xòe, nếu chỉ nhìn vào các động tác thì chưa đủ, cái hồn cốt và ý nghĩa xã hội mới là cái tạo nên giá trị đích thực của xoè. Với người Thái, không chỉ trong nghi lễ Kin Pang Then (mừng Then), mà trong nhiều lễ hội như Xên Cha, Xên Mường, Xên Bản, Xên Lẩu Nó, chỉ cần nghe tiếng trống Xòe là người ta đã cùng nhau nắm tay nhau để hòa vào điệu múa. Đây chính những ý nghĩa xã hội thể hiện sự cởi mở, gắn kết của con người thông qua thực hành di sản, thể hiện giá trị cốt lõi của một di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng được tiêu chí về nhận diện một DSVHPVT của Công ước 2003.

Cái tạo ra chất “Thái”, thuộc về người Thái, về văn hóa Thái, hồn cốt người Thái không chỉ nằm ở những biểu hiện đơn lẻ (một điệu nhảy, một bài hát, một bộ trang phục truyền thống), mà là một tập hợp những hành động, lời nói, ca từ, âm nhạc, trang phục và ứng xử... Những điệu Xòe thiêng phải được thể hiện trong nghi lễ mang ý nghĩa biểu tượng cao như mừng Then, tiễn Then, hay mô phỏng nội dung của các đường Then lên Trời. Trong nghi lễ mang tính tượng trình và thể hiện đức tin này, thầy Then đàn, hát và có thể thoát hồn sang thế giới bên kia làm nhiệm vụ của mình như trình báo Then, tìm vía thất lạc cho những người bị ốm đau, vượt qua chướng ngại vật, qua sông, qua núi... Và Xòe có lẽ khởi nguồn từ các điệu múa trong các nghi lễ này. Thông qua các điệu Xòe nghi lễ, chúng ta thấy Xòe không đơn giản là những động tác mà còn thể hiện tính nhân văn và sự giao hòa giữa con người với thế giới tự nhiên và thế giới vô hình, một đặc trưng của tín ngưỡng Thái tin vào Trời.

Tính triết lý, đạo lý của người Thái cũng thể hiện rõ nét trong điệu múa Xòe hoa ở lễ hội Kin Pang Then, tất cả mọi người đều múa, đầu tiên là ngồi xuống, gạt hoa về gốc, dồn vào mâm và động tác cuối cùng là bà Then lật úp mâm hoa xuống, kết thúc lễ Kin Pang Then. Điệu Xòe thể hiện triết lý: Con người phải có nguồn cội, Thần tiên về thế giới của họ và chúng ta ở cõi trần gian này cũng tiếp tục phải sống.

 Xòe vòng trong Lễ hội Hoa Ban, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) Ảnh: TRẦN THỊ THUỶ

Cộng đồng người Thái trong thực hành và trao truyền Xòe

Là một vũ điệu dân gian, Xòe Thái đã được sự quan tâm và phát triển thành một loại hình mang tính biểu diễn. Các Câu lạc bộ Xòe Thái từ những năm 1990 đến nay phát triển mạnh, theo số liệu thống kê, năm 2019 tỉnh Yên Bái có khoảng 180 đội; Điện Biên có 1.273 đội; Lai Châu hơn 100 đội và Sơn La khoảng 1.700 đội tạo nên một lực lượng hùng hậu trong việc trình diễn, trao truyền và sinh hoạt văn hóa. Một số nghệ nhân dân gian và nhà nghiên cứu đã ghi chép và xuất bản tài liệu về quá trình sáng tạo, phát triển các điệu Xòe, cách thức Xòe, bối cảnh diễn xướng và những loại hình văn hóa liên quan. Các ông bà Then hướng dẫn cho các con nuôi cách thức Xòe mừng và tạ ơn thần linh trong các nghi lễ. Các nghệ nhân và những thành viên cộng đồng am hiểu về Xòe Thái tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ bắt đầu từ các lớp mầm non, trường phổ thông, trường nghệ thuật...

Bên cạnh đó, Xòe Thái cũng được sự bảo trợ và hỗ trợ bằng pháp luật của Chính phủ Việt Nam. Bộ VHTTDL ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013, 2015; các địa phương đã cam kết bảo vệ Xòe với các đề án và đưa Xòe vào trình diễn trong các ngày hội văn hóa dân tộc. Các CLB Xòe cũng nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cho việc tập luyện, mua nhạc cụ để hiện thực hóa thực hành một cách bài bản hơn. Việc tự phát thành lập các CLB cũng như sự cho phép chính quyền, các ban ngành liên quan thể hiện sự quyết tâm bảo tồn, lưu giữ và phát triển di sản văn hóa này.

Xòe nghi lễ cũng như Xòe vui trong ngày hội bản mường đã đi vào cuộc sống người Thái và tạo thành một dấu ấn văn hóa đặc sắc. Có thể nói rằng nghi lễ Then còn, người Thái còn, thì Xòe còn. Ghi danh Xòe Thái trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, cũng như nỗ lực của 4 tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La lập hồ sơ đệ trình UNESCO để xét duyệt ghi danh Xòe Thái trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2021 cũng là một động thái quan tâm của Chính phủ và của lãnh đạo các địa phương này. Tuy nhiên, cần hiểu đúng mục đích của việc ghi danh của Công ước 2003 là nhằm nâng cao nhận thức về giá trị cũng như góp phần vào bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung, đảm bảo sự tôn trọng đa dạng văn hóa của các cộng đồng dân tộc và góp phần tăng thêm sự đối thoại giữa cá nhân, nhóm người, cộng đồng. Việc ghi danh của UNESCO không bao hàm sự phân biệt cao thấp để biến một di sản Xòe trở thành di sản thế giới theo nghĩa vẫn được nhiều người hiểu nhầm hiện nay. Dù có được ghi danh, Xòe Mãi mãi vẫn là của người Thái và do người Thái sáng tạo, lưu truyền, thực hành và gìn giữ.

Cộng đồng người Thái ở Tây Bắc đã và đang tích cực bảo vệ, trao truyền, phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái trong các bối cảnh sinh hoạt lễ hội, nghi lễ, sự kiện văn hóa, đáp ứng các tiêu chí của UNESCO ghi danh di sản trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

NGUYỄN THỊ HIỀN,Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top