Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vẫn vẹn nguyên hương vị chợ phiên Sín Chéng

Thứ Hai 02/11/2020 | 09:51 GMT+7

VHO- Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, chợ Sín Chéng trông như chiếc bánh đa vừng lấm tấm vài ánh đèn đỏ đục nằm thấp thoáng trong sương, khuất lấp nơi lưng trời biên ải. Chúng tôi háo hức chờ đợi tới sớm mai được theo chân đồng bào Mông ra chợ. Nghe bảo, Sín Chéng là phiên chợ xưa nhất trên mảnh đất Simacai đầy nắng và gió này.

 Không khí của chợ phiên ăn sâu vào trong bữa ăn, giấc ngủ của những em bé người Mông

 Từ xuôi lên, vượt qua 12km đường từ trung tâm huyện về xã Sín Chéng mới thấy thấm thía câu nói: “Núi này toàn đặc sản cua”, nhưng mà là cua vòng cua vèo, cua gấp khúc liên tục bên sườn đá núi, người không đi quen, ngồi xe máy cũng say.

Mỗi phiên chợ là một ngày hội

Simacai vừa kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện, cũng là từng ấy năm người Mông, Nùng, Thu Lao, La Chí… tại Sín Chéng cần mẫn như con ong rừng, khai sơn phá thạch, xây dựng cuộc sống mới. Với gần 20ha lúa canh tác hai vụ, “mèn mén”, món ăn truyền đời của người Mông giờ lại thành ra thứ đặc sản để Sín Chéng đãi khách miền xuôi. Cuộc sống và nếp sinh hoạt đã đổi khác là thế, nhưng phiên chợ vùng cao nơi đây vẫn vẹn nguyên những giá trị văn hóa bản địa giữa trùng trùng, điệp điệp núi rừng.

Mới vừa sang tháng 10, nhưng khắp vùng Simacai cái rét châm chích vào da thịt. Thế mà từ 4h sáng, khi con gà trên núi còn đương “ngái ngủ” chưa kịp gáy thì cái bếp của người Mông đã rần rật đỏ lửa. Anh Vàng A Giang rì rầm kể: “Sống gần với trời, nên người Mông dậy sớm lắm. Dậy sớm để còn kịp cho ngựa ăn, còn kịp đi nương… Cơ mà hôm nay có phiên chợ nên mọi người dậy sớm để đi chơi đấy! Cả tuần làm lụng rồi nên thứ 4 nào già, trẻ, gái, trai cũng kéo nhau ra chợ. Có khi chả mua bán gì đâu, chỉ cần được gặp nhau, được trò chuyện, ăn miếng mèn mén, uống bát rượu là vui lắm rồi”.

Mỗi phiên chợ là một ngày hội để vui chơi cho bõ những ngày cặm cụi, vất vả. Người ta đổ xuống từ đỉnh Thào Chư Phìn, nơi bốn mùa chìm trong mây trắng tinh như bông gòn; cũng có người xuyên rừng Quan Thần Sán, đi bộ từ lúc ông sao Mai còn chưa mọc chỉ để mua con dao mới; hay duyên dáng hơn là những cô gái Bản Mế rủ nhau tới chợ để khoe bộ váy vừa thêu xong vẫn còn nguyên nếp hồ. Những chàng trai Lùng Sui mặt ửng hơi men, phấn khích cất lên điệu khèn lá, khèn môi tình tứ. Ở gian hàng nào cũng dễ dàng bắt gặp một ông lão Nàn Sín đang ngồi nhâm nhi chén rượu với bát thắng cố, hay để chắc cái bụng hơn thì ăn một bát xôi bảy màu dẻo thơm mùi thảo mộc, ăn một lần sẽ nhớ mãi. Họ vừa ăn uống vừa rủ rỉ với nhau về chuyện thu hoạch lúa nương, chuyện đẵn mấy gốc cây sa mộc đã chết khô nhưng gỗ vẫn chắc nịch về làm nhà… Cứ như thế, bước chân của người đi chợ không say bởi thứ men được chắt chiu từ những hạt ngô mọc trên núi đá, thì cũng chếnh choáng bởi tình người.

 Một góc chợ trâu tại Sín Chéng

... và là nơi gìn giữ, giao thoa của nhiều miền văn hóa

Đứng từ đỉnh cao nhất của Sản Sín Pao nhìn xuống, chợ Sín Chéng hệt như dải mây ngũ sắc vắt ngang thung lũng bởi hàng trăm gian hàng bán thổ cẩm. Người Mông quan niệm, muốn biết người phụ nữ có đảm khéo hay không thì cứ nhìn những bộ váy áo mà họ làm ra. Hoàn thành được bộ váy áo thổ cẩm vẽ bằng sáp ong thì phải nhẫn nại lắm, và phải mất nhiều thời gian như chờ đợi con trâu lớn nhanh để có thể lên nương đi cày.

Sống ở vùng lạnh nên trẻ con rẻo cao đứa nào cũng da trắng mịn, mắt đen biếc, môi và má luôn đỏ căng như quả đào chín. Chúng nằm ngủ ngon lành trên lưng mẹ, mặc cho ngoài kia người ta đang hát: “Tay em biết cầm kim khâu áo, anh không có lòng thì thôi, nếu có lòng thì về ta ở với nhau một ngày. Tay em biết cầm sợi se lanh, anh không có lòng thì thôi, nếu có lòng thì về ta ở với nhau một đêm”. Lũ trẻ cứ thế lớn lên trong cái không khí ồn ào của chợ phiên, trong lời ca tình tứ được cất lên từ những người đang nồng nàn hơi men, hơi tình, cứ hồn nhiên như cây cỏ, thẳng tắp như thân ngô mọc trên đá, rồi lại đi chợ và tiếp tục hát những bản tình ca của riêng dân tộc mình.

Có bà cụ chỉ ẵm theo con mèo con và thế cũng thành một phiên đi chợ. Mèo ngồi trên đầu gối bà cụ vẫn còn kêu “ngoeo ngoeo” vì nhớ sữa mẹ. Mấy chú cún con được bà chủ cẩn thận hái nắm lá cây ven đường để chúng đứng lên cho đỡ bẩn chân, chẳng gì cũng sắp phải chia tay nhau rồi… Góc kia vài cô gái má đỏ hây hây, tay cầm một bó thừng buộc cổ mấy con lợn đen tí xíu mà người miền xuôi quen gọi là lợn cắp nách, cái mũi hồng dụi dụi nền đất nhão nhoét, gặp ai cũng ngoáy tít đuôi kêu ụt ịt, ụt ịt... Các cô vừa đứng bán vừa che miệng tán chuyện với nhau, chắc hẳn trong câu chuyện đang hiện hữu vài anh chàng đang “khoe mẽ” ngoài kia bằng mấy điệu khèn lá, mắt cứ hướng vào góc này như chờ đợi, như muốn nói điều gì...

Thế nhưng, kể về chợ Sín Chéng mà không nhắc tới điều này thì có lẽ sẽ là thiếu sót lắm. Chúng tôi tạm gọi khu đất rộng cả ha ấy là “sàn giao dịch trâu” của miền biên viễn này. Hàng trăm con trâu từ vùng lân cận được đưa về đây, trên lưng viết tên ông chủ bằng vôi trắng, người mua chỉ việc vào quán rượu thắng cố, gọi to cái tên ấy ra mà ngã giá. Có gã lái trâu miền xuôi lên, cứ nắm sừng con trâu có chữ “Páo” mà gân cổ gọi, ra điều tao có tiền, mày ra đây bán đi. Gã không biết rằng, con trâu ấy được Thào Páo mang ra chỉ để khoe rằng, con trâu này đã giúp nhà tao làm hai tạ lúa nương đấy, chứ đâu phải cứ mang trâu ra chợ là bán đâu mà gọi, ơ kìa!

Chợ Sín Chéng họp từ khi ánh sáng mặt trời còn chưa lọt được qua khe cửa những ngôi nhà trình tường của người Mông và chỉ chịu tàn khi những người đến từ đỉnh núi xa đứng dậy ra về bằng bước chân líu quýu. Tay vén lá rừng ướt đẫm, chân đạp lên tảng đá trơn trượt, họ nắm đuôi ngựa liêu xiêu đi về bản theo tiếng lục lạc leng keng... leng keng...

Anh Vàng A Đức, Phó Bí thư đoàn xã Sín Chéng bảo: “Chợ là nơi giao lưu giữa các dân tộc với nhau và cũng là nơi giao thoa của nhiều vùng, nhiều miền văn hoá”. Chúng tôi thì nghĩ, chợ Sín Chéng còn giữ được nhiều nét độc đáo mà bất kỳ nhà nghiên cứu văn hoá nào nếu chỉ đọc qua sách vở, cũng không thể tìm thấy hết được. Chợ phiên Sín Chéng cho ta niềm tin vào sự bền vững của những giá trị văn hoá, được tiếp nối, gìn giữ bởi những con người sinh ra nơi núi rừng, lớn lên rồi lại trở về với núi rừng. 

VŨ MỪNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top