Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020: Sau niềm vui là nỗi lo

Thứ Sáu 30/10/2020 | 11:12 GMT+7

VHO- “Đã có những tài năng thực thụ được phát hiện và tôn vinh tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020. Trình độ của lớp nghệ sĩ trẻ đã vượt trội hơn hẳn so với trước đây ở từng loại hình, đây là tín hiệu vui mừng đối với sân khấu truyền thống”, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020 chia sẻ với Văn Hóa.

 NSND Nguyễn Quang Vinh, Q. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu tặng hoa Hội đồng Giám khảo

 “Thậm chí, có những nghệ sĩ đã tỏa sáng ở cả hai loại hình sân khấu Tuồng và Dân ca kịch”, ông Thọ phấn khởi cho biết.

P.V: Xin ông chia sẻ về những kết quả đạt được tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020.

- NSND Lê Tiến Thọ: Cuộc thi lần này có 44 thí sinh từ 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc tham dự, trong đó có 29 diễn viên Tuồng và 15 diễn viên Dân ca kịch. Hội đồng giám khảo rất mừng khi chứng kiến không ít những tài năng trẻ hội tụ đủ các yếu tố thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần. Chính vì thế, chúng tôi đã rất lúng túng khi phải lựa chọn theo ba-rem huy chương theo quy định. Có những thí sinh có thể đưa lên Vàng lại phải xuống Bạc và có thí sinh xứng đáng đoạt Bạc thì cũng phải hạ xuống theo thang điểm từ cao xuống thấp. Giá như đối với tài năng trẻ, chúng ta đừng sợ “mưa” huy chương và đừng khống chế tỷ lệ huy chương như các giải thưởng nghệ thuật khác thì chắc chắn sẽ có nhiều hơn nữa sự động viên để lớp trẻ thêm gắn bó và tâm huyết với nghệ thuật.

Các thí sinh tại cuộc thi đã chứng tỏ được bản lĩnh, sự vững vàng trong nghề, khẳng định họ đã và sẽ là những hạt nhân nòng cốt, sung sức của hai loại hình sân khấu Tuồng và Dân ca kịch. Thông qua các trích đoạn kinh điển, mẫu mực của sân khấu Tuồng truyền thống như Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Tiêu Anh Phụng loạn trào, Chung Vô Diệm lột xác, Nhị khí Chu Du, Lỗ Lâm đề cờ, Đào Tam Xuân đề cờ, Phàn Định Công đề cờ, Kim Lân qua đèo, Ôn Đình chém tá... họ đã tự tin diễn tả một cách sống động từng điển hình tính cách nhân vật. Phần thi của các thí sinh ở loại hình Dân ca kịch có phần gần gũi hơn với đời sống bằng những tích truyện dân gian, những làn điệu dân ca uyển chuyển, dung dị và sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát múa và diễn xuất.

Như chia sẻ của ông thì cuộc thi năm nay không hề thiếu tài năng trẻ, điều này hoàn toàn khác xa với thực trạng khan hiếm thí sinh ở các cuộc thi trước?

- Thực tế là vẫn còn thiếu Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ không tham gia; một số đơn vị nghệ thuật như Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hoá, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hoà chỉ có 2, 3 diễn viên... Cuộc thi lần này cho thấy các đơn vị đã làm rất tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và vì vậy họ không những có số lượng thí sinh tham gia đông đảo mà còn “bội thu” thành tích, tiêu biểu là các đơn vị như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định...

Rất bất ngờ trong tổng số 12 thí sinh của Nhà hát Tuồng Việt Nam thì có tới 11 em vừa tốt nghiệp ra trường, mới được vào biên chế từ tháng 8.2020. Sở dĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam có được lứa diễn viên trẻ tài năng như vậy là do Nhà hát và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã cùng phối hợp đào tạo theo Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước của Bộ VHTTDL. Ở độ tuổi rất trẻ, mới 21-22, nhưng các em đã bộc lộ rất rõ tài năng, không hề có một hạt sạn nào trong phong cách biểu diễn và tiếp cận sân khấu truyền thống. Ưu điểm lớn nhất của lớp trẻ hôm nay là họ không chỉ nắm chắc về các kỹ thuật hát, múa, diễn xuất cơ bản mà còn thẩm thấu được tình cảm của từng nhân vật trong các trích đoạn, điều này thể hiện họ đã trang bị cho mình một phông nền kiến thức văn hóa nhất định. Khi xem các em biểu diễn, tôi cảm thấy rất yên tâm vì sân khấu Tuồng và Dân ca kịch đã có lớp người trẻ đầy bản lĩnh, tự tin để giữ gìn, kế thừa và phát triển.

 Tiết mục “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” của Nhà hát Tuồng Việt Nam

Các cuộc thi tài năng là để tìm kiếm, khẳng định và tôn vinh những tài năng trẻ ở từng loại hình nghệ thuật sân khấu. Nhưng điều quan trọng hơn đó là sau những cuộc thi, liệu chúng ta có chế độ đặc biệt nào để nuôi dưỡng tài năng, giúp họ tiếp tục toả sáng và gắn bó cả cuộc đời với con đường làm nghệ thuật?

- Đây chính là nỗi niềm trăn trở, lo lắng của chúng tôi. Liệu sân khấu có giữ chân được các tài năng trẻ trụ lại bám nghề hay không là bài toán vô cùng nan giải. Sau vinh quang trở về với đời sống thường nhật, các em lại phải lao vào cuộc mưu sinh bởi nhà hát không dựng vở mới nhiều, không thường xuyên đỏ đèn. Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương hiện tại thì ngay cả với những nghệ sĩ đã có danh hiệu cũng khó có thể chuyên tâm được với nghề. Khi sân khấu truyền thống quá thưa vắng khách, việc có được nguồn thu để an tâm tái sáng tạo vẫn chỉ là trên lý thuyết. Thậm chí, cả khi các đơn vị nghệ thuật đỏ đèn thì với khung bồi dưỡng hiện thời chỉ khoảng 200.000 đồng cho một đêm diễn thì cũng không đáp ứng chi phí tối thiểu hằng ngày, nói gì đến tích luỹ. Thế là hầu hết các tài năng lại loay hoay bươn trải kiếm sống như hát tại các quán, hát đám, hát hầu đồng, hát đám cưới, sự kiện… Khi phải làm những việc không thuần nghề như vậy, tài năng sẽ bị mai một đi.

Sáng tạo nghệ thuật rất cần dấu ấn cá nhân, đặc biệt là cần sự nổi trội, bứt phá... Với nghệ thuật sân khấu thì tài năng đóng vai trò quyết định và là yếu tố tạo sức hút đối với khán giả. Tôi nghĩ rằng tất cả những vị lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đều nhìn thấy điều đó nhưng lực bất tòng tâm. Liệu có bạn trẻ nào thành công từ cuộc thi thay đổi nổi cuộc sống thực tế của chính mình? Có bạn trẻ nào từ những tấm huy chương kiêu hãnh mà được tăng lương hay tặng thưởng xứng đáng? Giới nghệ sĩ sân khấu truyền thống rất mong các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển nghệ thuật, đặc biệt là chú trọng bồi dưỡng lớp diễn viên tài năng trẻ. Các tỉnh, thành cần có chế độ ưu đãi như thế nào để tạo điều kiện phát triển văn hoá phi vật thể chính là người nghệ sĩ. Công tác đào tạo sân khấu truyền thống gặp khó khăn ngay từ khâu tuyển sinh, vì vậy việc bồi dưỡng, đặc cách cho tài năng trẻ ở các đơn vị nghệ thuật là vô cùng cần thiết để giữ chân họ. Và cũng cần tiếp tục thực hiện các đề án đào tạo theo nhu cầu thực tế như Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước mà Bộ VHTTDL đã thực hiện.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 THUÝ HIỀN (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top