Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhiều đại biểu đề nghị sổ hộ khẩu được tiếp tục dùng đến hết năm 2022

Thứ Tư 21/10/2020 | 16:30 GMT+7

VHO-Trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) vào ngày 21.10, nhiều đại biểu đề nghị kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1.7.2021) sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31.12.2022.

Theo dự thảo Luật, đã được tiếp thu chỉnh lý từ kỳ họp thứ 9 đến nay, điều 38, qui định về Điều khoản thi hành có nêu rõ: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021. Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên đơn vị soạn thảo đã đề ra 2 phương án. Phương án 1, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31.12.2022. Phương án 2, các loại giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tán thành phương án 1 

Đánh giá cao và bày tỏ sự tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho biết, ông tán thành với việc dự thảo sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú, chuyển từ quản lý thủ công bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng dữ liệu điện tử, bằng các ứng dụng công nghệ thông tin.

“Tôi cho rằng đây là phương thức quản lý hiện đại, là xu hướng của cách mạng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản, vì vậy để tránh tình trạng gây phiền hà và bảo vệ quyền lợi của người dân thì rất cần một giai đoạn chuyển tiếp, từ sau khi luật có hiệu lực cho đến khi chúng ta bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Cho nên tôi tán thành phương án 1 do Thường vụ Quốc hội trình là từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy thì tiếp tục được sử dụng cho đến ngày 31.12.2022”, đại biểu Cường bày tỏ.

Cũng đồng ý với phương án này, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) phân tích, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an cùng các cơ quan liên quan đã thể hiện quyết tâm rất cao, có nhiều văn bản chỉ đạo và hành động quyết liệt, phấn đấu hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú để có thể vận hành chính thức từ ngày 1.7.2021. Tuy nhiên, đó mới chỉ là hoàn thiện về giai đoạn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, còn giai đoạn kết nối của các cơ quan, tổ chức có liên quan để có thể khai thác được các cơ sở dữ liệu này phục vụ việc bỏ sổ hộ khẩu chưa được đánh giá cụ thể.

Đại biểu Dung cũng cho biết, theo quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương cũng xác định thời hạn đến tháng 9.2022 các bộ, ngành, địa phương mới hoàn thành việc nâng cấp, chỉnh sửa các hệ thống thông tin để bảo đảm tuân thủ các quy định về mã định danh điện tử phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu. Như vậy, theo kế hoạch của Chính phủ, đến hết năm 2025 vẫn chưa hoàn thành việc kết nối, chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu với tất cả các bộ, ngành, địa phương.

“Đấy là còn chưa kể đến những địa phương khó khăn, vùng núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất thiếu thốn, không đủ nguồn lực kinh phí để hoạt động. Bên cạnh đó, trong thời gian này cả nước đang phải tập trung nguồn lực để đấu tranh với dịch COVID-19 hỗ trợ người dân ở khu vực miền Trung vượt qua bão, lũ lụt nên việc dành nguồn lực để bảo đảm hoàn thiện nhanh cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú, đặc biệt là việc đầu tư hạ tầng kết nối của các cơ quan, tổ chức có liên quan trên toàn quốc từ Trung ương đến tận cấp xã để bảo đảm việc khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia trước ngày 1.7.2021 là rất khó khăn và khó bảo đảm tính khả thi”, đại biểu Dung nói và cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu là vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân và phương thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Do đó, cần phải được xem xét, cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng, toàn diện để tránh làm khó cho người dân.

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Cư trú của Quốc hội 

Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng để đảm bảo sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan cũng như tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân thì nên lựa chọn phương án, kể từ ngày có hiệu lực thi hành sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31.12.2022.

Cho rằng việc quản lý cư trú, thường trú, tạm trú từ phương thức thủ công (giấy tờ) sang phương thức quản lý bằng công nghệ thông tin, sử dụng mã số định danh cá nhân bao gồm các thông tin liên quan đến nhân thân là phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cũng phân tích rằng, theo thống kê cho thấy sau hơn 4 năm triển khai thực hiện mới có 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân, còn khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại chưa được cấp số định danh cá nhân.

Bên cạnh đó, đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và chậm tiến độ so với yêu cầu của Luật Cư trú (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực ngày 1.7.2021 sẽ không đủ thời gian để bảo đảm cơ sở dữ liệu có liên quan, hoàn thiện và vận hành ngay trên thực tế. Cho nên cần có quy định chuyển tiếp riêng về vấn đề này và phải tính toán lộ trình cụ thể để triển khai áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, trong quá trình đó, cần sử dụng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú...

THU SÂM; ảnh: QUOCHOI.VN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top