Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khi người khiếm thị tham gia cuộc thi: “Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Thứ Tư 05/08/2020 | 10:40 GMT+7

VHO- Để góp phần phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong cộng đồng người khiếm thị và hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2020, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) và Hội Người mù Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc thi “Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Việc đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được người khiếm thị chú trọng Ảnh: Tư liệu

Cuộc thi nhằm tạo nên sân chơi, diễn đàn cho người khiếm thị trên cả nước có cơ hội được trao đổi, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm về vai trò của việc đọc và học tập suốt đời. Qua đó, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo trong phát triển trí tuệ, tâm hồn, nhân cách và tiếp thêm động lực cho những người không may bị khuyết tật thị giác vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo thông tin từ BTC, các thí sinh tham dự cuộc thi bằng hình thức làm bài trả lời 4 câu hỏi được đặt ra với những nội dung như chia sẻ kinh nghiệm của bản thân người khiếm thị trong việc nỗ lực tự đọc, tự học và nghe sách nói; liên hệ tấm gương ham học của các danh nhân qua các thời kỳ lịch sử nói chung, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thực tế bản thân; những đề xuất về các giải pháp, phương pháp hỗ trợ người khiếm thị phát triển văn hóa đọc và đóng góp sáng kiến, đề xuất để kênh “Cùng bạn đọc sách” có thể hỗ trợ và giúp cho người khiếm thị trong việc tiếp cận thông tin, tri thức và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời tốt hơn...

Bài dự thi có thể là một trong các hình thức viết tay, đánh máy hoặc bằng chữ nổi (độ dài tối thiểu 2.000 chữ, tối đa 5.000 chữ); ghi âm, quay clip (độ dài tối thiểu là 7 phút, tối đa 12 phút). BTC sẽ nhận bài dự thi từ ngày 3.8 - 25.9 tại các địa chỉ: Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL, 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội); Trung ương Hội Người mù Việt Nam (139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) hoặc địa chỉ email: vanhoadockt@ gmail.com. Cuộc thi sẽ trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 6 giải Ba, 40 giải Khuyến khích cùng nhiều giải phụ khác cho các cá nhân có bài dự thi xuất sắc.

Thực tế, người khiếm thị có nhu cầu rất lớn về việc đọc sách cũng như tham gia các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Thế nhưng, sách đặc thù cũng như các hoạt động phù hợp để người khiếm thị phát triển năng lực bản thân còn thiếu, cung chưa đủ cầu của đối tượng bạn đọc này. Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL), người khiếm thị đã chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống, nếu không có những sân chơi để họ thể hiện đam mê với sách, phát huy năng lực thì thật “bất công” cho họ. “Tâm sự với người khiếm thị, tôi được biết họ rất khao khát được tham gia những cuộc thi phát triển văn hóa đọc. Đây là nơi họ được thể hiện, chứng minh năng lực bản thân. Ngay khi thông tin cuộc thi xuất hiện, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn cảm ơn từ cộng đồng những người khiếm thị. Họ cho rằng đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cầu nối để họ được hòa nhập với cộng đồng cũng như lan tỏa đam mê đọc sách với những người đồng tật”, Vụ trưởng Vụ Thư viện chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện tham gia để được đọc sách, cuộc thi còn hướng đến mục đích giúp người khiếm thị hoàn thiện bản thân, đứng vững trên đôi chân của mình và sống một cuộc sống đầy ý nghĩa. Từ đó, họ cống hiến những điều có ích cho xã hội thông qua việc đọc và hình thành thói quen học tập suốt đời. Cao hơn cả, cuộc thi sẽ tạo nên sự hứng khởi, mong muốn học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cho người khiếm thị. Ở đó, tinh thần ham học hỏi, vượt lên nghịch cảnh để chạm tới ánh sáng của tri thức luôn được đề cao. Suốt thời gian qua, người khiếm thị đã lấy tấm gương của Bác làm kim chỉ nam để nỗ lực rèn luyện, phấn đấu trong cuộc sống, làm theo tinh thần lời dặn của Bác khi đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt đêm 30 Tết Bính Thân (1956): “Các chú tàn nhưng không phế”.

Cũng theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, cuộc thi lần này có sức lan tỏa vì nhiều cấp hội người mù đã cam kết sẽ phổ biến, khuyến khích hội viên của mình gửi bài dự thi. Hơn nữa, cuộc thi cũng tổ chức trong thời gian dài để thu hút, hấp dẫn thêm người khiếm thị tham gia. Bà Ngà kỳ vọng, đây sẽ là minh chứng rõ nét nhất cho việc người khuyết tật có thể tham gia các hoạt động xã hội như người bình thường, làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Bên cạnh đó, lãnh đạo Vụ Thư viện cũng bày tỏ hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều sân chơi hơn nữa để người khiếm thị có cơ hội phát triển bản thân, đẩy mạnh văn hóa đọc ra toàn xã hội; thực hiện đúng phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top