Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Kiểm tra thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH tại Hòa Bình: Các giá trị văn hóa truyền thống là “điểm tựa” cho sự phát triển

Thứ Bảy 01/08/2020 | 11:07 GMT+7

VHO- Tiếp tục chương trình công tác năm 2020 của BCĐ TƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH, ngày 31.7, đoàn kiểm tra do lãnh đạo Văn phòng Thường trực BCĐ TƯ làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Đoàn kiểm tra làm việc với BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Hòa Bình

Bảo tồn bản sắc 

Hòa Bình với đặc thù có 7 dân tộc cùng chung sống là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, Hoa…, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 63,3%, nhiều năm qua đã luôn nỗ lực giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tạo sức thu hút với người dân và du khách.

“Mỗi dân tộc ở Hòa Bình đều có bản sắc văn hóa riêng, thể hiện trong phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca dân vũ, nhạc cụ truyền thống đặc sắc và nhiều lễ hội dân gian độc đáo. Đặc biệt, Hòa Bình là nơi sản sinh và còn lưu giữ những áng Mo sử thi “Đẻ đất- Đẻ nước” của người Mường”. Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo này đã tạo sức lan tỏa, trở thành nền tảng cho sự phát triển”, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hòa Bình Lưu Huy Linh cho biết.

Khảo sát thực tế tại Nhà Văn hóa  Xóm Lũy Ải (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc)

Báo cáo kết quả thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trong thời gian qua, lãnh đạo Sở VHTTDL Hòa Bình cho biết, đã có rất nhiều nỗ lực để đưa Phong trào trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển tại tỉnh miền núi Tây Bắc Hòa Bình trong điều kiện còn vô vàn khó khăn, thách thức.

Đơn cử, ngay từ đầu năm, trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, việc phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo được thể hiện rõ trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh có 1443/1482 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố, đạt 97,3%, trong đó 607 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa theo quy định của Bộ VHTTDL. 109/131 xã có nhà văn hóa, đạt 83%, trong đó có 88 nhà văn hóa xã đạt chuẩn văn hóa theo quy định của Bộ. 131 tủ sách xã, phường, thị trấn và 131 điểm bưu điện văn hóa xã. 10 đội Thông tin lưu động cấp huyện và 1482 đội văn nghệ tuyên truyền quần chúng xóm, bản, tổ dân phố hoạt động hiệu quả. 54/131 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại Nhà Văn hóa  Xóm Lũy Ải (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc)

Trong việc thực hiện 7 phong trào nội hàm của Phong trào  TDĐKXDĐSVH, tỉnh Hòa Bình cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều cá nhân tiêu biểu trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc như CLB Chiêng Mường xóm Củ xã Tú Sơn, CLB Chiêng Mường của Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Đồng, CLB Mo Mường huyện Lạc Sơn… Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa được tiến hành công khai, dân chủ, nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Các tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa trở thành nếp sống hằng ngày, tạo môi trường văn hóa lành mạnh từ trong mỗi gia đình, nền tảng của đời sống văn hóa cơ sở.

Chính quyền địa phương cho biết, nhiều gia đình trên địa bàn đã triển khai mô hình du lịch cộng đồng để giới thiệu những bản sắc văn hóa đến du khách

 Đánh giá cao những nỗ lực trong triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn, ông Lương Đức Thắng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ TƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH, Trưởng đoàn kiểm tra khẳng định, hạt nhân cốt lõi tạo nên thành công, đưa phong trào thấm vào từng lát cắt đời sống chính là cộng đồng, là mỗi người dân. “Đó là điều lý giải vì sao những phong trào, danh hiệu, mô hình văn hóa… trên địa bàn tỉnh Hòa Bình khi phát động lại đạt được nhiều kết quả đến vậy. Cộng đồng các dân tộc đã cùng đoàn kết, hưởng ứng, tạo sức lan tỏa và thấm sâu từng giá trị văn hóa vào đời sống hàng ngày, tạo nền tảng của sự phát triển bền vững”, ông Lương Đức Thắng nhấn mạnh.

Gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch

Hai địa chỉ trên địa bàn huyện Tân Lạc được đoàn kiểm tra tới khảo sát thực tế là minh chứng sống động cho sức sống của những giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Xóm Lũy Ải (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc) là một trong những địa chỉ trong chương trình bảo tồn Làng văn hóa người Mường của tỉnh Hòa Bình. Lãnh đạo địa phương cho biết, đã có nhiều hộ gia đình phát triển mô hình du lịch cộng đồng mà “đặc sản” thết đãi du khách chính là các những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào. Đây cũng là mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.

Nhà văn hóa xóm Chiến, xã Vân Sơn , huyện Tân Lạc

Tại xã vùng cao Vân Sơn, Bí thư Đảng ủy Đinh Văn Chuyền chia sẻ,  bảo tồn văn hóa truyền thống được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn. Các xóm đều có đội văn nghệ quần chúng với những hoạt động được duy trì thường xuyên, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản phi vật thể. Các xóm cũng đều có hương ước, quy ước với những quy định về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh được thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua.

Cộng đồng dân cư tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Khẳng định Phong trào TDĐKXDĐSVH đã và đang thấm sâu vào đời sống cộng đồng, trở thành động lực cho sự phát triển, lãnh đạo huyện Tân Lạc cho biết, mục tiêu của phong trào nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã và đang được triển khai hiệu quả. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy, góp phần thay đổi đời sống nhân dân, diện mạo nông thôn ngày càng được chỉnh trang. Nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội được thực hiện theo quy định; đẩy lùi tệ nạn xã hội…

Mô hình du lịch văn hóa cộng đồng tại xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc

Cùng với những kết quả đạt được, một số hạn chế trong triển khai thực hiện phong trào liên quan đến những khó khăn về kinh phí, con người, cơ chế chính sách vận hành hệ thống thiết chế văn hóa thể thao… cũng đã được chia sẻ với mong muốn được hỗ trợ, định hướng giải pháp tháo gỡ. Một số ý kiến đề cập đến những vướng mắc khi sáp nhập các đơn vị hành chính dẫn đến công năng, diện tích của các thiết chế văn hóa trong tình trạng vừa thiếu, vừa thừa, không đủ điều kiện đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình đề cập: “Thực trạng nhiều nhà văn hóa có nhưng chỉ là cái vỏ, không hề có nội hàm để có thể hoạt động, nói gì đến nâng cao hiệu quả. Đây là một thực tế ở cơ sở đòi hỏi nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ…”.

Đoàn kiểm tra làm việc với chính quyền địa phương xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc

Ghi nhận những ý kiến thẳng thắn, ông Lương Đức Thắng cho biết, qua 20 năm, phong trào TDĐKXDĐSVH có được như hôm nay là kết quả của nhiều sự thăng trầm. Để góp phần tháo gỡ khó khăn thì tiếng nói từ chính cộng đồng rất quan trọng, sẽ là cơ sở để BCĐ TƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH đưa ra những định hướng phát triển cho giai đoạn kế tiếp.

Đoàn kiểm tra khảo sát thực tế tại xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc

Đối với sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh Hòa Bình, Trưởng đoàn kiểm tra lưu ý, những mô hình sáng tạo trong cộng đồng nhằm gìn giữ di sản có giá trị đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa những giá trị này, cần nghiên cứu các mô hình gắn kết giữa bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch. “Hòa Bình có nhiều tiềm năng thiên nhiên ưu đãi, nhiều giá trị di sản độc đáo, nếu có những định hướng mang tầm nhìn xa sẽ thực sự đưa những giá trị di sản đó trở thành tài sản vật chất, thay đổi cuộc sống của người dân”, ông Lương Đức Thắng nhấn mạnh.

BẢO NGÂN

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top