Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nâng cánh âm nhạc dân tộc qua những “Thanh âm hy vọng”

Thứ Sáu 03/07/2020 | 10:15 GMT+7

VHO- Nhằm quảng bá Âm nhạc Việt Nam và lan tỏa tình yêu với âm nhạc dân tộc, đồng thời tôn vinh tài năng, nghị lực của các nghệ sĩ khiếm thị, CLB Đình làng Việt đã phối hợp với Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội và nhóm Hy vọng tổ chức chương trình “Thanh âm hy vọng”, diễn ra vào 14h ngày 4.7 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội.



 Nhóm Hy vọng biểu diễn tại nhà của Đại sứ Srilanka

 Âm nhạc là một trong những điểm đặc trưng nhất để nhận diện một nền văn hóa. Bước vào thế kỷ XXI, trong xu thế mở cửa chào đón nhiều loại hình giải trí nói chung và âm nhạc nói riêng của thế giới, văn hóa Việt Nam ngày càng trở nên đa dạng và phong phú, nhưng mặt trái của nó là sự quan tâm dành cho âm nhạc truyền thống đã phần nào giảm sút. Để hòa nhập nhưng không hòa tan, việc thúc đẩy sao cho cộng đồng, nhất là giới trẻ, hiểu và yêu âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã trở thành một yêu cầu cấp thiết. 
Tiếp nối các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, sau nhiều buổi diễn xướng dân gian tại đình làng và chương trình chuyên đề cho từng bộ môn nghệ thuật truyền thống như Chèo, Then, Xẩm... tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, nhóm Đình làng Việt đã phối hợp tổ chức chương trình chuyên đề về trình diễn nhạc cụ truyền thống mang tên “Thanh âm hy vọng”. 
Nhà văn Lê Xuân Khoa, đạo diễn của chương trình cho biết, “Thanh âm hy vọng” gồm 3 phần: Cổ nhạc (gồm các làn điệu dân ca, âm nhạc cổ truyền như Chèo, Quan họ, Chầu văn, Nhã nhạc Cung đình Huế...); Tác phẩm được sáng tác hoặc biên soạn cho nhạc cụ dân tộc và Tác phẩm đương đại, trong đó sẽ có những bài nhạc trẻ hiện đang thịnh hành để khán thính giả thấy chất liệu dân gian hoàn toàn có thể bắt nhịp với đời sống hôm nay. Chương trình tập trung vào biểu diễn nhạc cụ, nhưng sẽ có phần trò chuyện, giao lưu giữa Nhóm Hy vọng và các thành viên của Đình làng Việt. 
Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội tại 50 Đào Duy Từ được xây dựng trên nền cũ của Rạp hát Sán Nhân Đài (sau đổi tên là Lạc Việt, từng là một rạp hát lớn nhất nhì Hà Nội, được xây dựng từ đầu thế kỷ XX nhưng đến năm 1989 thì bị cháy), có thể được coi là “thánh đường” dành cho âm nhạc truyền thống. “Thanh âm hy vọng” cũng là một trong những chương trình nghệ thuật đầu tiên được tổ chức tại đây sau khi Việt Nam tạm thời vượt qua đại dịch Covid-19. 
Đặc biệt, chương trình lần này do Nhóm Hy vọng gồm các nghệ sĩ khiếm thị biểu diễn. Trưởng nhóm là nghệ sĩ Trần Quốc Hoàn cho biết, Nhóm được thành lập từ năm 2004, tập hợp những nghệ sĩ khiếm thị chuyên về nhạc cụ dân tộc được đào tạo bài bản tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Những năm vừa qua, Nhóm đã có rất nhiều buổi biểu diễn thành công cả ở trong và ngoài nước, góp phần giới thiệu và quảng bá vẻ đẹp của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. 
Chịu nhiều thiệt thòi nhưng mỗi nghệ sĩ đều là tấm gương về nghị lực phi thường trong học tập và cuộc sống. Dù có tài năng âm nhạc, nhưng để tổ chức một chương trình biểu diễn, họ đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc đi lại. Có những người ở cách xa điểm luyện tập và biểu diễn hàng chục cây số. Trong số các thành viên, nghệ sĩ sáo trúc Nguyễn Văn Linh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do bị suy thận giai đoạn cuối, phải vào viện chạy thận mỗi tuần 3 lần. Tuy nhiên, anh vẫn luôn cố gắng hết mình để tham gia các buổi biểu diễn trước công chúng, góp phần bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc. 
Với chương trình “Thanh âm hy vọng”, BTC kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng tới các nghệ sĩ khiếm thị, đồng thời gây quỹ ủng hộ để các nghệ sĩ có thể tiếp tục biểu diễn và phần nào bảo đảm cuộc sống. “Chương trình thực chất là một hành trình truyền cảm hứng. Khi tập luyện, giao lưu với nhau, tôi cũng như mọi người đều nhận thấy các bạn Nhóm Hy vọng luôn tràn đầy nhiệt huyết. Chắc chắn mọi người khi đến thưởng thức chương trình này cũng sẽ cảm nhận được điều đó để thấy yêu cuộc sống hơn, trân trọng những gì mình đang có hơn, và càng muốn sống cho thật tốt, thật tử tế...”, nhà văn Lê Xuân Khoa chia sẻ. Những người thực hiện mong muốn chương trình vừa quảng bá, giới thiệu âm nhạc và các nhạc cụ truyền thống Việt Nam, vừa lan tỏa đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, những khát vọng và ý chí vươn lên, giống như những gì các nghệ sĩ Nhóm Hy vọng đang làm. 

 HÀ NINH 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top