Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sân khấu lao đao vì thiếu “sao”

Thứ Sáu 13/03/2020 | 10:51 GMT+7

VHO- Những năm gần đây, hoạt động biểu diễn tại các sân khấu TP.HCM rơi vào tình trạng trầm lắng, ảm đạm. Bên cạnh cơ sở vật chất không đủ tiêu chuẩn, kịch bản không hợp thời…, thì việc thiếu “sao” trên sàn diễn cũng là lý do khiến khán giả không mặn mà với sân khấu.

 Dàn diễn viên trong vở “Ngôi làng ma” của Sân khấu Thế giới Trẻ

Khán giả đến xem kịch một phần vì có sự góp mặt của diễn viên mình yêu thích. Thế nhưng, tình trạng diễn viên bận chạy show ngoài liên tục, không thể đảm bảo lịch diễn, phải thế vai liên tiếp, khiến khán giả “lắc đầu ngao ngán” và dần “quay lưng” với sân khấu kịch nói truyền thống.

“Thực đơn” giải trí đa dạng

Nếu như trước đây, kịch nói luôn có những vở diễn “làm mưa làm gió” thu hút đông đảo khán giả thì nay nhiều loại hình giải trí xuất hiện, có sức cạnh tranh cao, bắt kịp được thị hiếu công chúng đã chia bớt thị phần của thị trường giải trí. Mặc cho các ông bà “bầu” luôn cố gắng làm mới kịch bản sao cho hợp thời, nhưng sân khấu vẫn không thể bắt nhịp kịp, bởi thiếu thốn từ cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tác phẩm có chất lượng cho đến những gương mặt đã làm nên “thương hiệu” cho vở diễn.

Hơn thế nữa, việc đa dạng “thực đơn” giải trí cũng kéo theo một lượng lớn nghệ sĩ, diễn viên lấn sân sang game show, chương trình thực tế, phim điện ảnh,… điều này khiến các sân khấu tại TP.HCM lao đao vì thiếu “sao” làm trụ cột để hút được khán giả. Điển hình tại sân khấu Thế giới Trẻ, nơi đã xây dựng nên tên tuổi của hàng loạt diễn viên chính kịch cho đến hài kịch như: Thu Trang, Tiến Luật, Khả Như, Puka, Diệu Nhi…, thế nhưng, dạo gần đây đa phần các nghệ sĩ này đều rẽ hướng sang các loại hình giải trí khác.

Chỉ cần bật tivi hay điện thoại thông minh, khán giả đã có thể dễ dàng bắt gặp những diễn viên nổi tiếng mà họ yêu thích. Họ đã có nhiều lựa chọn hơn, thay vì đến sân khấu như trước kia.

Chạy show là lẽ đương nhiên...

Nhiều ý kiến cho rằng, diễn viên không diễn ở sân khấu vì bận chạy show là lẽ đương nhiên, vì thu nhập ở sân khấu không đủ để họ trang trải cuộc sống.

Có thời điểm, Sân khấu kịch Nụ Cười Mới đã tạo được cú bứt phá ngoạn mục với những vở hài kịch có sự tham gia diễn xuất của các ngôi sao tên tuổi như: Hoài Linh, Chí Tài, Thanh Thủy, Trường Giang, Nam Thư, Lâm Vỹ Dạ... khiến hầu hết các suất diễn “cháy vé”. Về sau, khi sân khấu này không còn các “sao” hoạt động, khán giả thưa vắng dần, thậm chí nhiều suất diễn phải trả vé vì không có diễn viên thay thế. Sân khấu kịch Hồng Vân cũng không ngoại lệ, một thời doanh thu được bảo đảm bởi các tên tuổi: Hồng Vân, Minh Nhí, Đức Thịnh, Thanh Thúy, Ốc Thanh Vân, Hòa Hiệp, Thái Hòa, Cát Phượng,… nhưng đến khi có tên tuổi, họ cũng bận chạy show và để lại sân khấu cho dàn diễn viên trẻ.

Không phải họ không yêu nghề, không phải họ không đam mê với sàn diễn, mà vì lẽ họ còn phải lo cho cuộc sống của chính mình. Thu nhập cao nhất của diễn viên kịch sau mỗi vở diễn từ 300 ngàn cho đến trên 1 triệu, so với vài trăm triệu cho một bộ phim là sự chênh lệch khá lớn. Biết làm sao được khi ai cũng phải đối diện với áp lực cơm áo gạo tiền, việc rẽ hướng của nhiều nghệ sĩ sân khấu kịch nói cũng là lẽ đương nhiên. Không khó để nhận thấy, nhiều gương mặt chính của các sân khấu kịch vẫn đang hằng ngày xuất hiện trong các gameshow, chương trình truyền hình, phim điện ảnh…, bởi đây là nơi tạo ra nguồn thu nhập chính cho đa số diễn viên hiện nay.

“Lực bất tòng tâm”

Để cải thiện tình trạng thiếu diễn viên, nhiều sân khấu phải thường xuyên tuyển và đào tạo diễn viên mới. Thế nhưng, với những vai diễn đã làm nên “thương hiệu” cho sân khấu, thì diễn viên trẻ mới được đào tạo không thể thay thế ngay được. Nhiều sân khấu đã phải lao đao, cố gắng “lấy ngắn nuôi dài” nhằm duy trì, kéo dài thời gian để tìm cách tồn tại.

Tại Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, ngoài NSƯT Trịnh Kim Chi thì dàn diễn viên trẻ vẫn chưa hội đủ chất và lượng để níu chân khán giả. Sân khấu kịch Sài Gòn cũng có những khoảng thời gian vất vả để sáng đèn vì các tên tuổi trụ cột lần lượt ra đi. Sân khấu kịch Thế giới Trẻ giờ đây cũng không thể lên đèn một số vở diễn vì nhiều diễn viên giỏi đã không còn cộng tác, hoặc thường xuyên kín lịch. Tất cả đều vì một nỗi thiếu “sao”, sân khấu muốn sáng đèn cũng là một bài toán khó.

Thực tế cho thấy, khi không còn những ngôi sao tham gia trong các vở kịch, lượng khán giả đến sân khấu cũng dần mất đi. Thành công của sàn diễn gắn liền với nhiều yếu tố, từ diễn viên, dàn dựng sân khấu, kịch bản, cho đến cơ sở vật chất, thế nhưng sân khấu kịch truyền thống hiện nay lại phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Về lâu dài, liệu sân khấu kịch nói còn có thể quay lại thời hoàng kim như trước đây, thời mà vé luôn “cháy” sạch? Tất cả sẽ là hy vọng, hy vọng để sàn diễn lại tiếp tục có nhiều “ngôi sao” lấp lánh, cùng những vở diễn hay để phục vụ công chúng. 

 HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top