Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thú chơi "đệ nhất phong lưu"

Thứ Sáu 06/03/2020 | 10:46 GMT+7

VHO- Với nhiều người, sách chỉ là nguồn thông tin, là kiến thức được thể hiện bằng con chữ, hình ảnh trên giấy. Thế nhưng với một số người, sưu tầm sách, nhất là sách cổ, ấn bản đặc biệt… là một thú chơi, và không quá lời khi thú chơi này được nhiều người xem là “đệ nhất phong lưu”.

 Vang bóng mt thi ca Nguyn Tuân bn in ca NXB Tân Dân năm 1940 đây là mt trong 56 bn đặc bit, có 5 ph bn tranh khc g ca Nguyn Đỗ Cung, in trên giy dó la, có th bút và ch ký ca tác giả

 “Trấn giữ riêng một cõi”

Ngược dòng thời gian nhìn lại, có lẽ nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển - một cao nhân làng sưu tập đồ cổ - là người đầu tiên dùng từ “thú chơi sách” để diễn giải và đặt tên cho cuốn sách viết về thú tiêu khiển được xem là đệ nhất phong lưu này. Thú chơi sách trong cách nói của Vương Hồng Sển, là thú chơi tao nhã với thư phòng thanh tịnh, trầm hương phảng phất, ngọn đèn tĩnh lặng tỏa sáng. Sau “Thú chơi sách” của Vương Hồng Sển, một tác phẩm đề cập sâu đến vấn đề này là “Về chốn thư hiên” của Trần Trọng Cát Tường, giúp những “kẻ ngoại đạo” hiểu thêm về thế giới của những “kẻ chơi sách”.

Theo Trần Trọng Cát Tường, những gương mặt trong sách vốn dĩ rất sống động. Thuở xưa, các bậc thức giả mới được vua chúa giao cho giữ gìn sách vở. Họ là người tạo dựng cầu nối tri thức, dẫn dắt độc giả đến với cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Một gương mặt nữa đáng được gọi là kẻ chơi sách, đó là người mê sách, đọc sách. Người mê đọc hay con “mọt sách” trân trọng tất cả những gì sách truyền tải. Nhưng không phải tất cả người đọc đều là kẻ chơi sách. Kẻ chơi sách trấn giữ riêng một cõi, vừa “khoái” về hình thức (bìa đẹp, minh họa mỹ thuật, mép xù xì chưa cắt xén…), vừa mê ở nội dung (tư liệu quý hiếm, kiến thức giá trị…), quý nhất là bản in lần đầu, bản thủ bút tác giả… “Và họ nặng lòng với sách vở hơn bao người, hao tâm tổn trí tìm bao phương cách sở hữu cho bằng được cuốn sách mình ao ước”.

Người chơi sách thường chuộng sự khác lạ, không giống ai, và tất nhiên cũng rất khắt khe trong việc chia sẻ thú chơi đó. Tác giả Ngọc Giao, trong bài Chơi sách, cuốn Hà Nội cũ nằm đây dẫn lại tấm biển si sách của nhà văn đường rừng Lan Khai: “Có thể cho mượn vợ. Không cho mượn sách”. Chẳng thế, người đời vẫn truyền tụng rằng, cho mượn sách đã dại nhưng mượn được mà đem trả, còn dại hơn, mượn sách không trả chẳng phải nợ nần hay tội tình gì. Cây bút bậc thầy người Pháp Anatole France được biết đến là người sống thoải mái, phóng khoáng, nhân hậu nhưng nhà văn mê đắm sách vở này không ngần ngại viết rằng: “Dứt khoát không cho mượn sách vì chẳng ai trả lại bao giờ”.

Bồi đắp giá trị

Những giai thoại về người chơi sách, những câu chuyện về sưu tầm sách cổ, sách cũ, ấn bản đặc biệt… thường cuốn hút bởi cái sang, cái ngông của chủ nhân cuốn sách. Đối với người chơi sách, sưu tầm được chữ viết tay (thủ bút), chữ ký của tác giả sách là một đam mê lớn. Có những thủ bút độc nhất vô nhị, là di vật duy nhất còn giữ được của danh nhân, như thủ bút của các thi sĩ Bích Khê, Hàn Mặc Tử… Giới sưu tầm sách cổ còn lưu truyền chuyện ông Cao Đắc Điềm, con rể nhà văn Ngô Tất Tố, hậu duệ duy nhất hiện nay chuyên tâm sưu tầm, khảo cứu về tác phẩm của cụ Tố, đã phải photo chữ ký Ngô Tất Tố từ nhà sưu tầm sách cổ Nguyễn Hữu Triết…

Theo nghiên cứu, thú chơi sách theo chân người Pháp vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, ngay khi nhà xuất bản hiện đại bắt đầu hình thành và phát triển. Một số nhà xuất bản ngoài bản thường, còn in thêm một ít bản đặc biệt dành riêng cho kẻ chơi sành sỏi thưởng ngoạn thường lượng in không quá 100. Bản đặc biệt được chăm chút không chỉ nội dung mà cả về hình thức, nhằm thỏa mãn nhu cầu sưu tầm bởi tính độc lạ, quý hiếm... Trước 1945, có thể kể đến như Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), do NXB Thời đại xuất bản năm 1943, in giấy dó, kèm phụ bản, tranh minh họa của Nguyễn Đỗ Cung, bổ sung nhiều đoạn bị kiểm duyệt bỏ của bản in 1940; Hay Lều chõng (Ngô Tất Tố) bản đặc biệt in giấy dó vào năm 1941, có chữ ký tác giả…

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay, tìm được những cuốn sách 50 năm tuổi trở lên đã rất khó. Các nhà xuất bản hầu hết đều không in bản đặc biệt. Câu chuyện ấn bản đặc biệt chỉ thực sự được hồi sinh vài năm trở lại đây. Nhiều đơn vị xuất bản phục vụ phân khúc riêng dành cho những “kẻ chơi sách” như NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Trẻ, các đơn vị tư nhân như Nhã Nam, Đông A, Tao Đàn... Mảng sách được làm bản đặc biệt tập trung vào lĩnh vực văn học kinh điển, sử học, văn hóa… của các tác giả nổi tiếng.

Cuối năm 2019, tác phẩm Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế của Thái Hà Books được bán đấu giá với 4 bản “siêu đặc biệt” gồm “long, quy, phượng, phúc lành và trường thọ” in giấy Trúc Chỉ, đóng hộp tinh xảo… thu về 72 triệu đồng. Đối với những cuốn sách hội tụ nhiều tiêu chí quý hiếm thì cái giá để sở hữu nó không phải con số nhỏ. Nhà sưu tập Nguyễn Bình Phương cho rằng, việc các nhà sưu tầm sẵn sàng bỏ số tiền lớn ra để mua sách, đấu giá sách là những tín hiệu vui. “Nhìn sâu xa, câu chuyện sưu tầm không phải là tranh nhau xem ai sở hữu được cái gì, ai là nhà sưu tầm số 1, số 2 hay số 3 để rồi khăng khăng giữ cho riêng mình, mà nằm ở sự lưu giữ, đóng góp một phần giá trị cho đời sống văn hóa, sách vở”. 

MINH CHÂU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top