Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh việc tu bổ di tích quốc gia đình Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Cục Di sản văn hóa: Khắc phục ngay việc thay mới quá nhiều cấu kiện gỗ

Thứ Hai 02/03/2020 | 11:07 GMT+7

VHO- Liên quan đến việc tu bổ, thay mới quá nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ khiến di tích quốc gia đình Đồng Kỵ (P. Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) mất đi giá trị kiến trúc- nghệ thuật, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) vừa có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ sau khi Cục có buổi làm việc tại hiện trường đình Đồng Kỵ vào sáng cùng ngày.

Theo đó Cục này đã gửi công văn 108/DSVH-DT tới Sở VHTTDL Bắc Ninh, yêu cầu nhanh chóng xử lý vụ việc tu bổ, tôn tạo tòa Đại bái di tích đình Đồng Kỵ.

Bị thay mới quá nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ

Báo cáo với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy bằng văn bản, Cục Di sản văn hóa cho biết, Cục đã kiểm tra và làm việc với các cơ quan chức năng và địa phương có liên quan đến công tác tu bổ di tích quốc gia đình Đồng Kỵ. Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình, chùa Đồng Kỵ do UBND thị xã Từ Sơn làm chủ đầu tư. Tháng 12.2018, Bộ VHTTDL đã có công văn thỏa thuận dự án; tháng 3.2019, Cục có công văn thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công; tháng 10.2019 tiếp tục có công văn nêu ý kiến về việc điều chỉnh Thiết kế bản vẽ thi công.

Tại buổi kiểm tra ngày 27.2, Cục Di sản văn hóa đã cùng Sở VHTTDL Bắc Ninh kiểm tra hiện trường công trường tu bổ tòa Đại bái đình Đồng Kỵ. Cục Di sản văn hóa cho rằng, chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai dự án đã không tuân thủ đầy đủ ý kiến của Bộ và Cục tại các văn bản liên quan đến việc trùng tu di tích này. Cơ bản đã lắp dựng gần xong bộ khung gỗ tòa Đại bái, tuy nhiên cấu kiện gỗ cũ bị thay mới quá nhiều, không đúng với ý kiến của Cục Di sản văn hóa tại công văn đã gửi vào tháng 10.2019, làm mất đi giá trị kiến trúc- nghệ thuật của công trình.

Báo cáo nêu rõ, lý do của việc cấu kiện cũ bị thay mới là do di tích được làm bằng vật liệu gỗ xoan, có tuổi thọ đã 300 năm nên bị mục ải, xuống cấp, không còn khả năng tái sử dụng. Nêu rõ quan điểm đối với việc trùng tu tại đình Đồng Kỵ, Cục Di sản văn hóa cho rằng về thủ tục, trình tự triển khai dự án đã thực hiện các quy định pháp luật; quá trình lập hồ sơ, thi công tu bổ được cộng đồng quan tâm, theo dõi và giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, tỉ lệ cấu kiện kiến trúc gỗ thay mới quá nhiều đã làm mất đi giá trị kiến trúc- nghệ thuật của công trình. Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư do chưa thực hiện biện pháp tu bổ tái sử dụng tối đa các cấu kiện kiến trúc gỗ của công trình.

Cục Di sản văn hóa cũng nhấn mạnh, qua báo cáo của các cơ quan chức năng liên quan và hiện trạng công trường, các cấu kiện gỗ cũ bị thay thế đang được chủ đầu tư và chính quyền địa phương lưu giữ tại di tích. Vì vậy còn đủ cơ sở để yêu cầu chủ đầu tư và các cơ quan chức năng tổ chức đánh giá, tái sử dụng tối đa các bộ phận kiến trúc cũ của di tích để trả lại giá trị kiến trúc - nghệ thuật cho di tích.

Trước sự việc này, Cục Di sản văn hóa đã yêu cầu địa phương và Sở VHTTDL Bắc Ninh thực hiện ngay việc bảo vệ nguyên trạng, an toàn toàn bộ cấu kiện kiến trúc gỗ cũ của di tích đang được lưu giữ tại công trường, chờ biện pháp xử lý tiếp theo. Nhanh chóng tổ chức đánh giá, phân loại hệ thống các cấu kiện gỗ cũ để có biện pháp tái sử dụng vào di tích. Đặc biệt, để khắc phục sự việc, Cục Di sản văn hóa sẽ phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh để cử cán bộ xuống chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường.

 Ảnh: HIẾU TRẦN (nhóm Đình làng Việt)

Yêu cầu nhanh chóng xử lý

Văn bản số 108/DSVH-DT của Cục Di sản văn hóa gửi Sở VHTTDL Bắc Ninh một lần nữa nêu rõ việc chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã không thực hiện đầy đủ ý kiến của Bộ và Cục Di sản văn hóa tại các văn bản liên quan đến việc tu bổ di tích quốc gia đình Đồng Kỵ. Để khắc phục vụ việc, Cục yêu cầu Sở VHTTDL Bắc Ninh nhanh chóng xử lý.

Cụ thể, yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền địa phương khẩn trương bảo vệ nguyên vẹn các bộ phận, cấu kiện cũ của công trình. Tổng hợp toàn bộ các hồ sơ, tài liệu có liên quan để phục vụ quá trình giải quyết vụ việc. Sở cũng cần giao cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo chủ đầu tư thống kê, tư liệu hóa toàn bộ các cấu kiện gỗ cũ của di tích. Trên cơ sở đó, tổ chức phân loại, đánh giá cấu kiện còn khả năng sử dụng sẽ được đưa trả lại công trình; quản lý công trường thi công đảm bảo an toàn mọi mặt như an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, trộm cắp…

Trước đó, những thông tin về việc trùng tu thay mới, đánh mất những mảng chạm tinh xảo xưa của đình Đồng Kỵ đã được dư luận phản ánh. Hy vọng, với những nội dung được Cục Di sản văn hóa yêu cầu địa phương khẩn trương thực hiện để khắc phục, đình Đồng Kỵ sẽ sớm được trả lại nhiều nhất có thể những giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc vốn có từ xa xưa trên từng mảng chạm, đường nét… 

 BẢO ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top