Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khán giả thay đổi “khẩu vị” giải trí trong mùa dịch

Thứ Sáu 28/02/2020 | 11:11 GMT+7

VHO- Dịch bệnh Covid-19 làm nhiều người lo sợ và hạn chế ra đường, khiến các nhà hát, rạp phim, sân khấu… vắng khán giả, các dịch vụ giải trí tại nhà đã thu hút được lượng lớn người xem.

 Web-drama cải lương "Vui xuân không quạu" của Võ Minh Lâm và Thoại Mỹ

Giữa thời điểm dịch đang phát triển một cách khó đoán, người dân hạn chế ra đường, các hình thức giải trí nơi công cộng ít đi, thậm chí còn có phim phải hoãn chiếu, thì số phận phim truyền hình lại trái ngược với phim điện ảnh.

Truyền hình “lên ngôi”

Lượng khán giả xem phim truyền hình tăng lên đáng kể trong thời điểm dịch hoành hành. Đa số người xem cho rằng, phim truyền hình đang là sự lựa chọn tối ưu của họ.

Chính vì thế, đơn vị sản xuất phim đã quyết định tăng lịch phát sóng giờ vàng của VTV, qua đó giúp khán giả có thêm một sự lựa chọn giải trí trong thời gian đợi dịch bệnh được dập tắt hoàn toàn. Điển hình, VTV đã đưa ra thông báo phim giờ vàng trên VTV3 sẽ tăng thêm một buổi chiếu vào tối thứ Sáu hằng tuần, để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Như vậy, phim trên VTV3 sẽ lên sóng vào 21h30 từ thứ Hai đến thứ Sáu, thay vì từ thứ Hai đến thứ Năm như trước. Cụ thể, Tiệm ăn dì ghẻ sẽ lên sóng 2 tập/tuần (thứ Hai, thứ Ba), Cô gái nhà người ta sẽ tăng lên 3 tập/tuần (thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu). Bên cạnh đó, VTV1 vẫn tiếp tục phát sóng bộ phim đang gây sốt Sinh tử vào lúc 21h từ thứ Hai đến thứ Sáu.

Có thể thấy, những năm gần đây, phim truyền hình gần như đã lấy lại vị trí vốn có của mình trước sự phát triển của nhiều loại hình giải trí mới, nhờ vào sự đầu tư bài bản, chăm chút kĩ lưỡng từ kịch bản đến bối cảnh, cũng như tâm huyết của các nhà làm phim cùng dàn diễn viên chuyên nghiệp. Hơn nữa, đề tài phim ngày càng đa dạng, có chiều sâu đã đánh trúng vào tâm lý, thị hiếu của người xem.

Web-drama “tung hoành”

Từ khi mạng xã hội bùng nổ, Youtube phổ biến, web-drama cũng từ đó phát triển với hàng loạt phim ngắn, phim sitcom, phim hài… thu hút hàng chục triệu lượt xem. Dịch bệnh Covid-19 cũng chính là cơ hội để web-drama mở rộng “địa bàn” của mình.

Nhìn quanh một lượt trên kênh Youtube, ta sẽ không khó để bắt gặp các web-drama đang nằm trong top thịnh hành. Mới đây nhất là phim ca nhạc Hiếu bến tàu, một dự án mà ca sĩ Hồ Quang Hiếu kết hợp cùng đạo diễn Mr.Tô, theo kế hoạch ban đầu chỉ có 8 tập nhưng đến nay đã tăng lên con số 9, với hàng triệu view cho mỗi tập lên sóng. Hay Bố già của Trấn Thành, mặc dù đã ra tập cuối nhưng lượt view vẫn tăng lên mỗi ngày và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đến nay tập 1 của Bố già đã gần 30 triệu view - một con số “khủng”.

Không chỉ dừng lại ở phim ca nhạc, phim ngắn… mà loại hình nghệ thuật truyền thống như cải lương cũng đã được các nghệ sĩ chuyển thể sang web-drama. Đang trong mùa dịch, sân khấu đóng cửa, nhiều hoạt động sân khấu bị hoãn, chính vì thế nhiều nghệ sĩ đã có kế hoạch cho mình. Họ đã vận dụng thế mạnh của web-drama để cải lương tiếp cận với công chúng một cách dễ dàng và gần gũi nhất. Có thể kể đến như: Vui xuân không quạu của nghệ sĩ Võ Minh Lâm - một sản phẩm thử nghiệm đầu tay, nhận được nhiều đánh giá tích cực của khán giả với gần 1 triệu view, Hoàn Châu cách cách, Sông dài, Duyên cô Thắm, Thân chùm gửi… của các nghệ sĩ Kim Tử Long, Kim Tiểu Long, Bình Tinh, Hoàng Hải, Cao Mỹ Châu…

Chất lượng phải đặt lên hàng đầu

Mặc dù phim truyền hình và web-drama thu hút được đông đảo khán giả vào mùa dịch này, thế nhưng, yếu tố chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu và là ưu tiên số một qua từng sản phẩm.

Phim truyền hình của những năm trước đã đứng trước tình trạng “tụt dốc không phanh”. Các bộ phim cứ mãi xoay quanh một kịch bản nhàm chán, lẩn quẩn, thậm chí là dài dòng và lê thê, chỉ để “đếm tập ăn tiền”. Dàn diễn viên thì một màu, thiếu sự chỉn chu trong vai diễn khiến khán giả lắc đầu ngao ngán. Thế nhưng, những năm gần đây, phim truyền hình đã dần khẳng định được chỗ đứng của mình trong làng giải trí khi những cái tên Sống chung với mẹ chồng, Gạo nếp gạo tẻ, Người phán xử… liên tiếp nhận được “cơn mưa” lời khen từ đông đảo khán giả, cũng như giới chuyên môn; từ kịch bản đến diễn viên, tất cả đều làm “tròn vai” của mình. Thế nhưng, các nhà làm phim cũng không nên “ngủ quên” với những thành công gần đây của phim truyền hình. Vì nếu không tiếp tục đầu tư, chăm chút, sáng tạo, đổi mới thì có thể đâu lại vào đó, phim truyền hình vẫn có nguy cơ quay lại những ngày đen tối.

Còn đối với web-drama, chính vì được phát trên Youtube miễn phí, rộng rãi, dễ dàng đến với khán giả nên ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm được phát hành tràn lan, thiếu tính chuyên nghiệp, kém chất lượng. Chẳng cần qua một khâu kiểm duyệt nào, nên các nhà sản xuất cứ vô tư làm phim chỉ đơn giản để “câu” like, “câu view”, đặt lợi nhuận lên trên hết mà không màng đến chất lượng. Những nội dung nhạy cảm, dung tục, hở hang đều được “bày” ra trước mắt người xem, kể cả không phù hợp lứa tuổi. Tính nghệ thuật dường như đã không còn hiện hữu vô hình trung làm xấu đi bản chất vốn có của web-drama.

Web-drama phát triển đã mở ra cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ, khi những diễn viên mới dần được khán giả biết đến, không những thế, nó mang đến nguồn thu khổng lồ. Thế nhưng không có gì là dễ dàng, khi sự cạnh tranh của web-drama ngày càng khốc liệt, muốn có chỗ đứng, các nhà làm phim cần phải có sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo hơn nữa để “giữ chân” được khán giả trước sự đa dạng của các loại hình giải trí. 

 HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top