Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vì sao nông sản vẫn cần “giải cứu”?

Thứ Tư 12/02/2020 | 11:22 GMT+7

VHO- Giải cứu dưa hấu, giải cứu thanh long, giải cứu củ cải, giải cứu vải thiều, giải cứu thịt lợn... là những lời kêu gọi xuất hiện khá nhiều trên báo chí và mạng xã hội những năm gần đây.

Hoa quả được siêu thị “giải cứu”

Mất vài tháng cho một lứa rau, nửa năm cho lứa lợn, cả năm cho vụ thanh long, nhưng chỉ cần một sự biến động của thời tiết, của điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội là hàng dồn ứ, chỉ còn mức để thối ngoài đồng. Đó là vì chúng ta chưa giải quyết được bài toán chế biến nông sản.

Trồng tràn lan và thiếu đồng bộ

Dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra tại Vũ Hán - Trung Quốc và lan ra một số quốc gia, vùng lãnh thổ, đã khiến mặt hàng dưa hấu, thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị dồn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Hữu Nghị. Không xuất khẩu được, dưa hấu, thanh long đã rớt giá thê thảm, trong đó giá thanh long chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg. Dưa hấu cá biệt có nơi chỉ còn 1.000 đồng/kg. Nhiều hộ nông dân ở Bình Thuận, Gia Lai, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang... khóc ròng vì đây là những nông sản không thể để dành, nếu không bán được thì chỉ có nước để thối ngoài ruộng.

Ngay sau khi thông tin về hoa quả bị ùn ứ ở cửa khẩu, báo chí và cả mạng xã hội đều vào cuộc kêu gọi cộng đồng giải cứu. Tại các siêu thị, các mặt hàng này được trưng bày ở những nơi bắt mắt nhất, với các pano như “Chung tay hỗ trợ nông dân miền Tây” hoặc các status như “Mua dưa dấu, thanh long để giúp đồng bào”... Trên các vỉa hè, tuyến phố, cũng xuất hiện những “Đội giải cứu dưa hấu”, “Điểm giải cứu thanh long”. Một số người nổi tiếng như diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc cũng đăng status kêu gọi cộng đồng “giải cứu” thanh long, dưa hấu, chuối, mía... Cũng nhờ những vụ “giải cứu” tự phát này mà người nông dân phần nào bớt thiệt hại. Những câu chuyện về “giải cứu” các mặt hàng nông sản liên tục trong những năm gần đây là minh chứng cho thấy công nghệ sau thu hoạch của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Việt Nam là đất nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển các loại rau, củ, quả nhiệt đới. Tuy nhiên, nông sản của Việt Nam chưa chiếm lĩnh được thị trường quốc tế, đặc biệt là các loại nông sản chế biến. Chúng ta cứ đến mua thu hoạch là ồ ạt bán, hết mùa thì vùng nguyên liệu lại cạn kiệt. Một điều bất cập nữa là quy hoạch các vùng chuyên canh rất yếu, dẫn đến nông dân tự phát mở rộng vùng. Ví dụ như vùng cam Cao Phong - Hoà Bình, trước đây chỉ trong khu vực nông trường cam Cao Phong, nhưng hiện nay nhà nhà trồng cam, người người trồng cam khiến cam không đảm bảo chất lượng, giảm giá trị thương hiệu và giảm giá bán. Sau hơn chục năm trồng tràn lan, nhiều hộ gia đình ở Cao Phong đã chặt bỏ các gốc cam để trồng loại cây khác.

Một thực tế đáng lo hiện nay là Việt Nam đã và đang xuất khẩu hầu hết nông sản dưới dạng thô, xuất khẩu “những gì mình có” thay vì xuất khẩu “những gì thị trường cần”. Một số mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam có tỷ trọng về giá trị xuất khẩu và vị trí rất cao trên thế giới như tiêu, điều, tôm, cá, cà phê, đồ gỗ nội thất, lúa gạo nhưng thứ hạng về giá xuất khẩu rất thấp.

Doanh nghiệp còn nhiều “lăn tăn”

Không phải các doanh nghiệp Việt Nam không có năng lực trong lĩnh vực chế biến nông sản, mà điều khiến không ít doanh nghiệp “lăn tăn” là sự ổn định của nguồn nguyên liệu. Ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty chế biến nông sản chia sẻ: “Công ty của tôi mới thành lập được một năm, sản phẩm chủ đạo là hoa quả sấy, nhập thử sang thị trường Nhật Bản rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, tôi đang rất lo lắng về nguồn nguyên liệu”. Anh Cường cho biết, dù doanh nghiệp có ký hợp đồng bao tiêu với nông dân thì vẫn có thể “vướng” vào tình huống là nếu thị trường khan hiếm hoặc có biến động giá, nông dân sẵn sàng “cắt cầu”, không cung ứng đủ nguyên liệu hoặc cung ứng với giá cao, nếu không, họ sẵn sàng bán cho thương lái.

Một chủ doanh nghiệp chế biến thực phẩm cũng “phàn nàn”: Làm ăn với nông dân có nhiều cái khó. Ví dụ, cách đây 3 năm, khi giá thịt lợn rớt một cách thảm hại, chỉ còn 20.000- 30.000đồng/kg lợn hơi, doanh nghiệp của anh đã phải bao tiêu cho bà con với giá 50.000đồng/kg như đã cam kết. Tuy nhiên, năm nay do dịch tả lợn châu Phi khiến đàn lợn bị thiếu hụt, nguồn cung khan hiếm, giá lợn hơi tăng lên gần 100.000đồng/kg thì chính những nông trại trước đây đã không hề “chia sẻ” với doanh nghiệp chế biến, mà đòi bán giá thị trường.

Nông sản Việt Nam dồi dào, nhưng giá trị nông sản chưa cao. Giá trị gia tăng của nông lâm sản phần lớn nằm ở khâu chế biến, tuy nhiên ở lĩnh vực này, chúng ta còn rất nhiều hạn chế. Nhiều chuyên gia về thương mại cho rằng, đầu tư cho chế biến sẽ là bước đột phá để giải quyết vấn đề thị trường, đồng thời tăng tính cạnh tranh và hạn chế tối đa những thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Muốn vậy, ngoài việc Nhà nước cần có sự điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp, thì chính người nông dân, cũng cần phải đổi mới tư duy làm ăn để tự giải cứu mình. 

 HOÀNG HƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top