Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập sắp bị tháo dỡ: Nặng lòng với chuyện ứng xử...

Thứ Sáu 13/12/2019 | 11:26 GMT+7

VHO- Trước thông tin ngôi biệt thự Pháp cùng một số công trình thuộc Trạm vô tuyến điện báo ở địa chỉ 128C phố Đại La (Hà Nội) được xây dựng từ năm 1912 sẽ bị tháo dỡ do vướng vào quy hoạch của dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở của UBND TP Hà Nội, có nhiều cảm xúc luyến tiếc, xót xa.

 Trạm phát sóng bản Tuyên ngôn Độc lập tại 128C Đại La (Hà Nội) sắp bị dỡ bỏ Ảnh: HOÀNG MINH

Thế nhưng, cân nhắc giữa việc ứng xử như thế nào cho đúng với công trình mang giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc này với việc đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại vẫn đang đặt ra bài toán rất khó và đầy giằng co.

Địa chỉ của những dấu mốc lịch sử đặc biệt

Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp- trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10.1912. Với chức năng phát thông tin bằng sóng vô tuyến điện tới toàn vùng Đông Dương và các nơi trên thế giới, địa chỉ này đã trở thành biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất ở châu Á bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, nơi tiếp cận với kỹ thuật truyền tin hiện đại ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.

Đặc biệt, nơi đây đã ghi dấu những mốc lịch sử đặc biệt quan trọng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi đó là trạm phát sóng phát đi bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên ra cả nước và thế giới vào trưa chiều ngày 7.9.1945. Ngôi biệt thự Pháp cổ còn sót lại của trạm vô tuyến điện đến nay còn ghi lại một dấu ấn vô cùng đặc biệt khác, đó là nơi phát thanh viên nữ đầu tiên của Việt Nam đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19.12.1946 như một mật lệnh đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào chú ý. Tiếng đại bác đã nổ. Cuộc kháng chiến bắt đầu. Mời đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe mệnh lệnh chiến đấu...”. Một khoảnh khắc đặc biệt của lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại, giải quyết bài toán giao thông, trạm phát sóng vô tuyến điện Bạch Mai sẽ bị tháo dỡ, nhường chỗ cho dự án đường trên cao Vĩnh Tuy- Ngã Tư Sở. Có nhiều tiếc nuối. Có nhiều cảnh báo. Có những giải pháp được hiến kế. Nhưng ở thời điểm hiện tại, một phương án lý tưởng để lưu giữ lại những dấu ấn lịch sử của một thời vẫn chỉ đang dừng lại ở những mong muốn và đề xuất. Các cột phát sóng và một số công trình thuộc trạm này đã bị tháo dỡ. Còn lại vài biệt thự Pháp cổ và tòa nhà hành chính một tầng có ghi bằng tiếng Pháp tên gọi “Trạm vô tuyến điện báo”.

Theo nhiều KTS, ngôi biệt thự cổ sắp bị tháo dỡ là công trình có giá trị kiến trúc. Nhưng cao hơn cả những giá trị kiến trúc đó là những giá trị về, lịch sử, những ký ức vô giá của một thời. KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: “Có những công trình mà sau này có tiền cũng không thể xây nên được. Với ngôi nhà cổ ở 128C Đại La, nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử vô giá thì có thể tính đến việc điều chỉnh quy hoạch. Còn nếu là việc bất khả thi thì cũng phải có cách gì đó để lưu giữ lại. Hiện trên thế giới đã có rất nhiều phương án để lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử như số hóa, dựng bia tưởng niệm..., ít nhất để mọi người khi đi qua có thể biết rằng nơi đây đã từng diễn ra những sự kiện văn hóa, lịch sử đó”.

Lựa chọn gì giữa bảo tồn hay phát triển? Bài toán không mới này lại một lần nữa trở thành thách thức và tòa biệt thự Pháp cổ đang phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Giữa sự bế tắc từ phía các nhà bảo tồn, việc trạm phát sóng Bạch Mai sắp bị phá bỏ cũng khiến cho không ít nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử bày tỏ sự lo âu, tiếc nuối. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh, làm mới rất dễ nhưng quá khứ thì không dễ gì làm lại được.

Ý tưởng di dời trạm phát sóng

Ở một góc nhìn khác, KTS Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng, ngôi nhà cổ ở 128C Đại La là một công trình có kiến trúc “sạch sẽ”, nhưng đồng hành với sự phát triển, đôi khi thực tế ngặt nghèo lại khiến cho người ta buộc chấp nhận phải có sự lựa chọn. “Trong thời đại phát triển chúng ta phải có những tư duy đổi mới. Với mỗi công trình cổ có những giá trị văn hóa, lịch sử, khi bị phá bỏ mà quên lãng mới là điều đáng sợ. Hiện chúng ta có những bảo tàng để lưu giữ những kỷ vật là như thế. Khi phát triển, chúng ta cần chấp nhận cái mới nhưng cũng phải lưu giữ được cái cũ. Các yếu tố công nghệ, đô thị thông minh đang đáp ứng được điều này. Tuy nhiên, quy hoạch này cần phải làm ngay từ đầu chứ không phải khi triển khai mới nhìn thấy...”, KTS Phạm Thanh Tùng nói. Ông nhấn mạnh, quy hoạch là một hợp phần với nhiều ngành phối hợp với nhau như kiến trúc, địa lý, văn hóa, lịch sử, kinh tế... Trường hợp nhà cổ ở 128C Đại La là một minh chứng về sự thiếu kết hợp của các ngành khi thiết kế quy hoạch chung .

Theo quy hoạch, tòa biệt thự Pháp cổ thuộc trạm phát sóng Bạch Mai hoàn toàn nằm trong lòng đường của dự án đường trên cao, còn tòa nhà một tầng còn biển tên “Trạm vô tuyến điện báo” sẽ có một góc nhà nằm trên vỉa hè con đường mới. Theo nhận định từ các nhà kiến trúc, từ khâu lập quy hoạch và xác định chỉ giới giải tỏa hành lang giao thông đã không xem xét yếu tố bảo tồn nên xảy ra câu chuyện đáng tiếc này. Tòa biệt thự Pháp cổ nằm trong lòng đường của dự án được nhận định sẽ khó bảo vệ tại chỗ. Tuy nhiên, với tòa nhà một tầng chỉ có một góc nhà nằm trên vỉa hè con đường mới được khuyến cáo nên cân nhắc phương án bảo tồn khi ngôi nhà này có thể tính toán giữ lại, trở thành một phòng truyền thống, một bảo tàng nhỏ về trạm vô tuyến.

Một giải pháp khác do một người nước ngoài đưa ra cũng được nhiều nhà chuyên môn đánh giá là một gợi ý để Hà Nội có thể xem xét, cân nhắc nhằm vừa đáp ứng nhu cầu giải quyết bài toán giao thông, vừa bảo tồn được di sản. Tính toán di dời ngôi nhà ở 128C Đại La, theo ông Martin Rama, Giám đốc dự án của Trung tâm phát triển đô thị bền vững, sẽ là một cách để Hà Nội giải quyết được bài toán giữa hiện tại và quá khứ. Bởi trên thế giới cũng đã từng có nhiều công trình kiến trúc lớn, và để đảm bảo những di sản thuộc về quá khứ không bị phá bỏ, họ cũng đã làm như vậy.

Giải pháp này cũng được một số chuyên gia văn hóa, kiến trúc tán đồng, khi hàng loạt minh chứng thực tế đưa ra cho thấy đó là một lựa chọn mà nhiều nước có chính sách phát triển ưu tiên bảo tồn di sản đã từng thực hiện. Tuy nhiên, giải pháp này cần một kinh phí không nhỏ, và không phải có thể lập tức được triển khai. Trong lúc chờ đợi sự hỗ trợ của công nghệ, kinh phí để có thể triển khai giải pháp di dời, điều cần thiết nên chăng là xem xét, rà soát lại cụm các công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc trên phố Đại La có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dự án đường giao thông vành đai 2.

Trước những ý kiến nhiều chiều được đưa ra, lời khuyên “cần thận trọng” được các nhà nghiên cứu nhắc lại nhiều lần. Nhấn mạnh những giá trị lịch sử vô giá của công trình, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trong những trường hợp như thế này, khó có thể hướng đến một sự tuyệt đối nhưng vấn đề còn lại là sự cân nhắc, thật sự thận trọng của những người có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, về lâu dài, Hà Nội và các đô thị đặc thù phải xây dựng quy chế phát triển đô thị, trong đó có tính toán bảo tồn di sản nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. 

 Cần cân nhắc thật kỹ

Đối với câu chuyện cụ thể này, theo tôi chúng ta cần kiểm tra lại ngôi nhà đó đã được kiểm kê, đưa vào danh mục bảo tồn di tích chưa. Nếu đã kiểm kê thì không nên phá bỏ. Còn chiều ngược lại thì đề nghị cấp thẩm quyển của thành phố Hà Nội cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng, đồng thời có cái nhìn nhiều chiều để đưa ra những giải pháp tối ưu. Đừng để mọi chuyện trở nên quá muộn.

(PGS.TS PHẠM MAI HÙNG, Phó chủ tịch Hội KHLS Việt Nam)

 HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top