Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bổn cũ soạn lại vì "đói" kịch bản

Thứ Hai 09/12/2019 | 10:43 GMT+7

VHO- Không chỉ giải quyết tình trạng thiếu kịch bản mới, có chất lượng, làm mới kịch bản cũ bằng cách dựng mới là lối đi cần thiết của nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật trong thời điểm này.

Vở Nghêu Sò Ốc Hến của Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu tại lâu đài Salomon De Rothschil, Pháp

Khán giả có cơ hội được tiếp cận lại những vở kịch đã một thời “tung hoành ngang dọc” trên sân khấu nước nhà của các tác giả nổi tiếng trong nước và thế giới. Nhìn lại những bản dựng với những kịch bản xưa, chắc hẳn không chỉ khán giả mà chính bản thân giới sân khấu cũng đã thấy lộ rõ khoảng trống về kịch bản hiện nay.

Kịch cũ làm tan chảy khán giả

Sự tái xuất của những vở cũ phần nào tạo thêm sinh khí cho đời sống sân khấu vì rõ ràng những kịch bản này đã được thời gian sàng lọc. Sân khấu có thêm những lớp khán giả mới. Ngay cả lớp khán giả cũ cũng vẫn có lý do trải nghiệm với vở kịch mình đã từng xem qua, xem lại trong cách dựng mới, diễn xuất của những thế hệ diễn viên sau.

Một loạt những vở diễn dựng lại kịch bản cũ của các tác giả Việt Nam như Lưu Quang Vũ, Lộng Chương, Xuân Trình... xuất hiện với tần suất cao. Có thể kể tới Nhà hát Kịch VN với Bệnh sĩ, Hồn Trương Ba da Hàng thịt của Lưu Quang Vũ, Đoàn kịch Luc Team của Trần Lực với Quẫn (Lộng Chương), Bạch đàn liễu của Xuân Trình… Đặc biệt, Nhà hát Tuổi Trẻ cứ vào dịp tháng 8 hằng năm đều trình diễn những vở kịch đặc sắc của tác giả Lưu Quang Vũ để tưởng nhớ, tri ân tác giả tài danh này với nhiều kịch bản hay và đặc sắc của ông như: Sống mãi tuổi 17, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Tin ở hoa hồng

Bổn cũ soạn lại nhưng các đạo diễn cùng ê kíp sáng tạo và thế hệ nghệ sĩ trẻ đã thổi những luồng gió mới để kịch đến gần hơn với khán giả nhưng vẫn giữ được những giá trị tư tưởng mà nhà viết kịch gửi gắm. Hàng chục năm trôi qua nhưng các vở diễn vẫn đáp ứng được thông điệp của thời đại, vẫn có được sức sống trong lòng người xem, đặc biệt là khán giả trẻ. Phương Trang, nữ sinh viên ĐH Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội sau khi xem Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Nhà hát Tuổi Trẻ đã chia sẻ: “Em rất ngạc nhiên khi xem vở kịch này. Cố tác giả Lưu Quang Vũ đã chứng tỏ nhãn quan vượt thời đại của ông khi viết kịch giả tưởng với những yếu tố hết sức mới mẻ về khoa học hiện đại. Bi kịch của các nhân vật trong kịch cũng rất gần gũi với lớp trẻ chúng em, sau khi ra trường, đi làm phải đối diện với bài toán lập nghiệp”.

Vở diễn Lời thề thứ chín nằm trong chuỗi tác phẩm của Mùa diễn kịch Lưu Quang Vũ đang được Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn và cũng từng lưu diễn khắp nơi trong nước, giành nhiều huy chương với thông điệp chống tham nhũng, tiêu cực, nói lên sự bức xúc, trăn trở của người dân về sự bất cập của chính quyền cơ sở, một vấn đề rất thời sự trong thời điểm hiện tại. Trong 2 năm trở lại đây, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã ghi dấu ấn khi xuất hiện thương hiệu liên tiếp trên thị trường biểu diễn tại châu Âu như Đức, CH Séc, trong đó có những vở diễn như Bệnh sĩ, Nghêu Sò Ốc Hến.

 Cảnh trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Nhà hát Tuổi trẻ nằm trong chuỗi vở diễn tưởng nhớ cố tác giả Lưu Quang Vũ với tên gọi Mùa diễn kịch Lưu Quang Vũ.

Kịch Việt vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới…

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực “đơn thương độc mã” làm sân khấu xã hội hoá ở Hà Nội nhưng lại chọn dựng những kịch bản như Quẫn của Lộng Chương, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Bạch đàn liễu của Xuân Trình. Điều thú vị là kịch bản cũ nhưng đạo diễn đã thổi sinh khí mới với tư duy và phương pháp nghệ thuật dàn dựng đương đại, phát huy những ưu thế của sân khấu truyền thống. Tham dự các chương trình biểu diễn của Luc Team luôn có rất nhiều khán giả nước ngoài đến xem. Họ háo hức và vô cùng thích thú trước những câu chuyện, những tình tiết của các vở kịch Việt Nam. “Kịch bản Quẫn của bác Lộng Chương chạm tới tính nhân văn, mối quan hệ người thường với xã hội, của cải và con người. Khách nước ngoài xem thấy thích vì cách con người bị đồng tiền chi phối trong vở diễn. Họ bảo giống bên tao lắm, càng kiếm nhiều tiền càng phải lo lắng giữ...”, NSƯT Trần Lực kể lại.

Đánh giá về xu hướng dựng kịch xưa của nhiều sân khấu hiện nay, tác giả Lê Quý Hiền cho rằng có hai dạng dựng lại vở cũ của sân khấu hiện nay. “Thứ nhất là dạng lười biếng, dựng lại vở cũ cho an toàn. Nhất là đi hội diễn liên hoan sân khấu thì nhiều vở như thế. Dạng thứ hai là làm lại vở cũ, đó là dạng của Bạch đàn liễu, Quẫn… Cái cũ rồi mà khai thác kiểu mới thì mình ủng hộ bởi những giá trị tư tưởng của tác phẩm vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự, hấp dẫn khán giả đương đại”, tác giả nhận định. Nhìn vào mặt bằng chung thì rõ ràng sân khấu hiện nay đang ở tình trạng “đói” kịch bản, nên các đơn vị nghệ thuật mới tìm về dựng lại những kịch bản cũ nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm kịch bản hiện nay. Bên cạnh khai thác những kịch bản của các tác giả trong nước thì một số nhà hát như Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam đã kiên trì với mục đích dàn dựng những tác phẩm hay kinh điển của thế giới đến với công chúng Việt Nam cũng là điều đáng khích lệ.

Trong khi sân khấu đang thiếu kịch bản hay thì những vở kịch kinh điển của thế giới được dàn dựng trên sân khấu Việt Nam sẽ giúp các nghệ sĩ có cơ hội bộc lộ tài năng, trau chuốt nghề nghiệp và khán giả cũng có cơ hội được xem những tác phẩm thật sự có chất lượng. Kịch kinh điển không những kén người dựng, người diễn mà còn kén cả khán giả. Không phải đơn vị nào cũng có thể dựng những tác phẩm kinh điển, bởi nếu không chắc tay, không đầu tư kỹ lưỡng thì tác dụng có thể ngược lại.

Nhìn và dựng lại những tác phẩm một thời vàng son của sân khấu trong quá khứ, chắc hẳn không riêng gì khán giả mong chờ mà bản thân đội ngũ tác giả, các nhà biên kịch sân khấu hiện nay cũng có đôi chút chạnh lòng. Đến bao giờ lại có thêm những kịch bản hiện đại đề cập trực diện tới những vấn đề của đất nước, con người Việt Nam hiện đại là câu hỏi vẫn chưa có lời đáp… 

 THUÝ HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top