Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hủy diệt hải sản, khai thác du lịch trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo tồn biển Việt Nam

Thứ Bảy 19/10/2019 | 09:37 GMT+7

VHO- Ngày 19.10.2019, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN tổ chức Hội nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh. 

Sau gần 10 năm triển khai Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đang dần được hình thành và đi vào hoạt động, công tác bảo tồn biển được duy trì tạo điều kiện cho mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ NN&PTNN, công tác bảo tồn biển tại Việt Nam còn rất hạn chế do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt, việc khai thác hoạt động du lịch, tận diệt hải sản thiếu sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý đã và đang tác động rất lớn gây hệ quả nghiêm trọng đối với thiên nhiên biển, từng bước làm suy giảm chất lượng của các hệ sinh thái dưới nước. Điển hình phải kể đến các địa phương Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quốc là những điểm rất “nóng” và điển hình về việc khu bảo tồn biển (KBTB) bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của các cơ sở du lịch. Ô nhiễm môi trường ven biển từ rác thải du lịch - đặc biệt là rác thải nhựa, đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, các hoạt động nhấn chìm gần khu vực bảo tồn biển... đang trở thành vấn đề cấp bách.

Hội nghị bảo tồn biển hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh

Theo thống kê của Tổng cục thủy sản, trong 4 năm trở lại đây tổng số vụ vi phạm các quy định quản lý nhà nước liên quan đến công tác bảo tổn biển là 767 vụ, nhưng theo các chuyên gia trong lĩnh vực thì con số này còn lớn hơn rất nhiều mà chưa được thống kê. Số vụ vi phạm tại một số KBTB có xu hướng tăng, các hoạt động trong khai thác, lặn bắt những loài hải sản nguy cấp quý hiếm ngay trong vòng nghiêm ngặt, tàu cá sử dụng các nghề lưới kéo, màng, ngư cụ có mắt lưới nhỏ, ngư cụ cấm, sử dụng chất nổ để khai thác trong và xung quanh các KBTB (đặc biệt là trong phân khu nghiêm ngặt) vẫn diễn ra nhưng cơ quan chức năng không có chế tài để xử phạt. Các KBTB chưa có lực lượng kiểm ngư, tuần tra phối hợp không hiệu quả nên tình hình vi phạm pháp luật vẫn diễn ra phổ biến, dẫn đến các loài giá trị cao như Hải sâm, Tôn hùm, Bào ngư, Trai tai tượng, cầu gai Sọ dừa... bị suy giảm rất lớn, hậu quả càng nghiêm trọng khi thực tế các KBTB chưa có các hoạt động nghiên cứu phục hồi tái tạo các nguồn lợi hải sản.

Đề cập đến những khó khăn trong việc đảm bảo hiệu quả tại các KBTB, đa số các đại biểu đều có ý kiến rằng các KBTB thiếu nhân lực và kinh phí trong khi phạm vi quản lý rộng, trách nhiệm cao. Tất cả các KBTB đều thiếu cán bộ chuyên sâu về sinh học biển nên công tác nghiên cứu, bảo vệ không phát triển. Cơ sở vật chất không đủ để triển khai các hoạt động bảo tồn như tàu thuyền, trang thiếu bị, không có lực lượng kiểm ngư nên việc kiểm tra, giám sát kém hiệu quả. Ngoài ra, phát triển sự xung đột lợi ích giữa bảo tồn và phát triển kinh tế cũng là vấn đề nảy sinh khó giải quyết.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ông Jacob Brunner – Đại diện Tổ chức IUCN cho rằng: Tại Việt Nam, khu vực bảo vệ bảo tồn nghiêm ngặt rất nhỏ, khoảng dưới 1 % diện tích, trong khi đó theo tiêu chuẩn quốc tế là 30% diện tích. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc bảo tồn các loài sinh vật. Trong quá trình nghiên cứu, IUCN đã phát hiện một trong những yếu tố làm cản trở sự quản lý hiệu quả tài nguyên sinh vật biển không phải đều bắt nguồn từ sự thiếu thốn nguồn vốn hay cơ sở vật chất mà là do sự không đồng ý của cộng đồng người dân. Có những cộng đồng người dân dù hiểu biết về bảo tồn biển nhưng vẫn không đồng ý tham gia vào khu bảo vệ nghiêm ngặt này, nguyên nhân là do một số ngư dân đã mang tàu thuyền đến đánh bắt bất hợp pháp và chính quyền chưa có hành động nào để ngăn chặn việc đánh bắt trái phép này. “Công tác bảo tồn biển gặp nhiều thách thức này rất khó nhưng IUCN sẽ đồng hành cùng Việt Nam để thành lập những khu bảo tồn biển một cách hiệu quả. Hiện nay chúng tôi cũng hỗ trợ khu bảo tồn Cù Lao Chàm tăng diện tích từ 0,5% - 10%”, đại diện IUCN khẳng định.

Nhằm đạt được những kết quả tốt trong thiết lập, quản lý hệ thống khu bảo tồn biển thời gian tới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW đối với lĩnh vực bảo tồn biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu  các đơn vị liên quan Triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển; Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các KBTB hoạt động bảo tồn biển; Bố trí lực lượng kiểm tra tại các KBTB để thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý KBTB tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại các KBTB; xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xung điện, chất nổ, hóa chất cấm, chất độc, nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác hải sản...

NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top