Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc”: Đến đây để nhớ thương đồng đội”

Thứ Sáu 18/10/2019 | 10:46 GMT+7

VHO- “Nhìn lại những hình ảnh, hiện vật ở triển lãm này, tôi lại thấy nhớ thương đồng đội vô hạn. Họ đã dành tuổi thanh xuân nơi chiến trường, nhiều người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của dân tộc…”.

 Những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đến triển lãm với nỗi nhớ thương đồng đội

Một nữ bộ đội Trường Sơn năm xưa bần thần ngắm nhìn những hình ảnh ở cuộc triển lãm “Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc” được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Gặp lại thanh xuân nơi chiến trận

Những xúc cảm cứ thế ùa về trong ký ức của những nữ bộ đội Trường Sơn năm xưa khi đến thăm cuộc triển lãm về những người phụ nữ Việt Nam kiên trung, bất khuất. Những phụ nữ ấy giờ tuổi đã cao, trải qua bao năm tháng vẫn không nguôi nỗi nhớ thương đồng đội. Một trong số họ là bà Trần Thị Bình (Ninh Bình), người nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đã không quản ngại hiểm nguy nơi chiến trường để làm công tác quân y, cứu chữa vết thương cho đồng đội.

Viết đơn tình nguyện ra chiến trường bằng máu, với bà hai chữ “độc lập” cho Tổ quốc đã trở thành động lực để không gì ngăn cản bước chân tưởng như yếu mềm của người phụ nữ. Nhìn vào những đồng đội cùng đến từ tỉnh Ninh Bình, bà nói: “Hôm nay chúng tôi đến với triển lãm này để được gặp lại thanh xuân, được gặp lại những người đồng đội thân yêu mà bao năm đã qua, nhiều lý do như chiến tranh, thời gian, cách biệt khiến chúng tôi không còn được gặp lại, cũng không biết hết ai còn, ai mất…”, bà xúc động nói. Nhiều nhân chứng lịch sử, những nữ chiến sĩ anh hùng đã xông pha trận mạc năm xưa cùng có mặt ở cuộc triển lãm này, rưng rưng khóe mắt nhớ về những tháng ngày đạn bom ác liệt.

Triển lãm trưng bày gần 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật. Bên cạnh những hình ảnh tiêu biểu về sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội với hoạt động của phụ nữ Việt Nam, triển lãm đã khắc họa hình tượng đẹp đẽ, anh hùng của người phụ nữ Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc qua các nội dung được trưng bày mạch lạc.

Ở nội dung Phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (1930 – 1954), người xem được tiếp cận những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu về phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở vùng hậu phương, phụ nữ là lực lượng chủ yếu trong lao động sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân và đáp ứng nhu cầu “hậu cần tại chỗ” phục vụ quân đội, góp phần chi viện tiền tuyến đánh thắng giặc Pháp. Trong vùng địch tạm chiếm, phụ nữ là lực lượng đấu tranh quan trọng, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng, tạo mọi điều kiện ủng hộ cuộc kháng chiến. Sự tham gia đông đảo của các tầng lớp phụ nữ trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã góp phần to lớn vào thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954.

Đây cũng là phần triển lãm mang đến cảm xúc đặc biệt với hình ảnh những người phụ nữ kiên trung, dũng cảm, can trường, tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Minh Khai, nữ đảng viên đầu tiên của Đảng; bà Hoàng Thị Ái ở Quảng Trị ba lần bị địch bắt giam tra tấn vẫn giữ vững khí tiết; bà Nguyễn Thị Thập trực tiếp lãnh đạo phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa giành chính quyền tại Mỹ Tho năm 1940, người phụ nữ đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao vàng; bà Hà Thị Quế phụ trách quân sự hai huyện Yên Thế, Việt Yên (Bắc Giang) khi mới 23 tuổi, quân địch kính nể gọi bà là “Tướng Việt Minh đàn bà”. Các nữ du kích tiêu biểu như Mạc Thị Bưởi ở Nam Sách, Hải Dương; Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân) ở Nam Trực, Nam Định, tên của bà được đặt cho các đội nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên, là nỗi khiếp sợ của giặc Pháp; bà Nguyễn Thị Chiên là Trung đội phó nữ du kích xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình chỉ huy đội du kích xã đánh 40 trận, diệt và bắt sống nhiều tên địch…

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ cơ quan TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ VN ở Việt Bắc

“Gặp lại” những phụ nữ “còn cái lai quần cũng đánh”

Phần trưng bày “Phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975)” giới thiệu các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thể hiện vai trò của phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Ở miền Bắc , phụ nữ với phong trào “Ba đảm đang”, tay cày, tay súng, chiến đấu và phục vụ chiến đấu với hàng vạn phụ nữ tham gia các lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội và thanh niên xung phong. Những cái tên không thể không nhắc đến như Anh hùng La Thị Tám, người con gái sông La kiên cường bám trụ, không quản ngại hy sinh đếm bom nổ chậm, chỉ dẫn cho xe qua trọng điểm an toàn. Sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc đã trở thành niềm tự hào của tuổi trẻ thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ.

Trên chiến trường miền Nam, phụ nữ chiếm một lực lượng đông đảo, luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh ở nông thôn và thành thị, tích cực tham gia chiến đấu, cứu chữa thương bệnh binh, nuôi giấu bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc… Nhiều phụ nữ đã anh dũng hy sinh, hàng ngàn phụ nữ bị giam cầm, tra tấn dã man trong các nhà tù của địch nhưng vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.

Chị Út Tịch, AHLLVTND, một mình với 6 con nhỏ vẫn tích cực tham gia kháng chiến với tinh thần “còn cái lai quần cũng đánh”. Nữ tướng Nguyễn Thị Định, thủ lĩnh của đội quân tóc dài trong phong trào Đồng Khởi Bến Tre năm 1960, nữ tướng huyền thoại của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam (1969-1973) là người phụ nữ có tinh thần thép trong các cuộc đấu trí trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Triển lãm cũng dành một phần quan trọng khắc họa hình tượng phụ nữ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ: “Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang” tiếp tục tỏa sáng. Nhiều tấm gương điển hình giỏi việc nước, đảm việc nhà được tôn vinh.

Triển lãm mở cửa từ nay đến hết ngày 20.11. 

 Hôm nay chúng tôi đến với triển lãm này để được gặp lại thanh xuân, được gặp lại những người đồng đội thân yêu mà bao năm đã qua, nhiều lý do như chiến tranh, thời gian, cách biệt khiến chúng tôi không còn được gặp lại, cũng không biết hết ai còn, ai mất…

(Bà TRẦN THỊ BÌNH)

 

 PHƯƠNG NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top