Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nữ nông dân biến đồi núi khô cằn thành trang trại tiền tỉ

Thứ Ba 15/10/2019 | 10:27 GMT+7

VHO- Người biến "sỏi đá cũng thành cơm" là bà Phùng Thị Thơ ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội - một trong 63 nông dân tiêu biểu xuất sắc năm 2019 được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh.

Một trang trại với mô hình vườn-ao-chuồng rộng gần 20 hecta đem lại doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động với thu nhập ổn định đang trở thành "điểm nhấn" trong phong trào làm giàu từ nông nghiệp ở vùng núi Ba Vì, Hà Nội.

Nơi đây từng là những sườn đồi bỏ hoang cằn cỗi. Người đã biến "sỏi đá cũng thành cơm" để minh chứng cho kết quả của sự cần cù, kiên nhẫn và sáng tạo chính là bà Phùng Thị Thơ ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội - một trong 63 nông dân tiêu biểu xuất sắc năm 2019 được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn và vinh danh.

63 nông dân Việt Nam xuất sắc chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Biến đất đồi thành trang trại tiền tỷ

Không giống những mô hình kinh tế nông nghiệp khác chỉ chuyên trồng một loại cây hay nuôi một loại con chủ đạo, trang trại của bà Thơ giống như một tổ hợp đa dạng với hàng chục loại vật nuôi như trâu, bò, lợn gà, cá, ba ba...

Trang trại này đang có tới chục hecta dứa, gần một vạn gốc bưởi và nhãn cùng nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Những sản phẩm của trang trại được cung cấp ra thị trường trong cả nước với doanh thu lên tới gần 20 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Chủ nhân của "mảnh đất vàng" này cho hay, để có được cơ ngơi như hiện nay, vợ chồng bà chưa phải vay bất kỳ một đồng vốn nào mà luôn xác định phát triển dần từ nhỏ đến lớn bằng chính nguồn lực đang có.

Đó cũng chính là lý do vì sao trang trại đang nuôi trồng rất nhiều loại cây, con. "Để quay vòng đồng vốn mà không phải đi vay, tôi chọn cách lấy ngắn nuôi dài. Cây 1 tháng tuổi cho thu hoạch sẽ nuôi cây 3 tháng tuổi, cây 3 tháng lại nuôi cây 6 tháng, cây 6 tháng lại nuôi cây 1 năm," bà Phùng Thị Thơ chia sẻ.

Điều đặc biệt, nhiều người dân trong huyện cũng như khách hàng, đối tác thường xuyên của trang trại đều cho rằng, thực phẩm của trang trại bà Thơ không hề sử dụng thuốc tăng trọng, các loại cây cũng rất hạn chế việc phun thuốc trừ sâu.

Ngày càng nhiều công ty phân phối thực phẩm có thương hiệu tìm về đề nghị trang trại làm thương hiệu để cung cấp sản phẩm thường xuyên.

Bà Thơ suy nghĩ mộc mạc "cứ làm ra sản phẩm sạch và chất lượng là được người tiêu dùng đón nhận."

Thực tế đã chứng minh, dù chẳng có tên thương hiệu, nhưng nhiều năm nay, trang trại nằm tận cuối làng, sát chân núi Ba Vì đã trở thành "địa chỉ đỏ" cho nhiều nông dân khắp nơi đến học hỏi kinh nghiệm.

Hễ có ai khó khăn trong sản xuất nông nghiệp tìm đến, thì có bao kiến thức tích lũy được trong nhiều năm, ông bà Thơ đều mang ra "cho" sạch.

Thậm chí, không ít lần còn cung cấp cây giống, theo chân khách về tận Hải Dương để hướng dẫn cách chăm sóc mà không hề tính công.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vật Lại Đỗ Quang Hà cho biết, bà Thơ không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là tấm gương về nêu cao tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và kiên trì.

"Cách đây 20 năm, khi huyện Ba Vì có chủ trương khuyến khích người dân khai hoang, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cả xã chỉ có bà Thơ dám đứng ra nhận đất, một mình với hai bàn tay trắng lên núi mưu sinh," ông Hà kể.

Người yêu đất, đất không phụ người

Nhớ lại những ngày đầu rời bỏ làng đi khai hoang, bà Thơ phải đối diện biết bao chỉ trích, phản đối từ mọi phía, thậm chí nhiều người còn mỉa mai: Ruộng đất màu mỡ còn không ăn thua, lên chỗ toàn sỏi đá với núi đồi thì làm được gì!

Thích khám phá, sáng tạo, lại đề cao lòng tự trọng, bà Thơ cùng chồng quyết tâm lên núi lập nghiệp với niềm tin “Người yêu đất, đất không phụ người.”

Động lực thì nhiều nhưng nền tảng lại thiếu, đôi vợ chồng nông dân trẻ gặp muôn vàn khó khăn khi loay hoay giữa mênh mông đồi núi khô cằn. Lựa chọn nuôi trồng cây con gì mang lại giá trị kinh tế để đảm bảo cuộc sống, đủ nuôi các con ăn học là một câu hỏi lớn với bà Thơ lúc bấy giờ.

"Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại thành công được như này," bà Phùng Thị Thơ tâm sự.

Thất bại trong những năm đầu tiên luôn tạo ra nhiều áp lực cho người tiên phong làm việc chưa ai làm và điều này cũng không ngoại lệ với gia đình bà Thơ.

Sườn núi Ba Vì thường xuyên xói mòn, những loại cây như ngô, khoai, sắn... bà Thơ trồng đều không đem lại kết quả; bao công sức bỏ ra bỗng mất trắng chỉ sau một trận mưa to.

Có những lúc, mọi phương hướng khắc phục đều rơi vào ngõ cụt khiến tinh thần của người nông dân suy sụp.

Không nản chí và cam chịu thất bại, bà Thơ bàn với chồng tìm gặp các chuyên gia khoa học, nhà nghiên cứu về cây trồng, vật nuôi để nghe tư vấn; tham khảo kinh nghiệm của cha ông trong làng để tìm giải pháp khắc phục.

Công sức của người nông dân cuối cùng cũng được đền đáp. Cả sườn đồi nhuộm một màu vàng óng của hàng vạn cây dứa đang vào mùa thu hoạch là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của gia đình bà Thơ.

Không ngừng phấn đấu, người phụ nữ can đảm sau khi đã được cả làng ghi nhận lại tiếp tục tìm tòi, nhân rộng mô hình với nhiều loại cây, con đem lại giá trị kinh tế cao.

"Làm nông nghiệp không thể vội vàng. Tôi thành công được là do đã am hiểu về khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để lựa chọn loại cây phù hợp, sinh trưởng tốt. Cây dứa chịu hạn tốt, lại chống được xói mòn, cho sản phẩm thơm ngon nên đến giờ vẫn là cây trồng chủ đạo của trang trại," bà Phùng Thị Thơ chia sẻ.

Sau khi thành công, có của ăn, của để, bà Thơ lại nghĩ đến chuyện mở rộng quy mô, vừa là tăng thêm thu nhập, lại tạo thêm việc làm cho những lao động nhàn rỗi trong làng.

Đến nay, gia đình bà sở hữu gần 20hecta đất đồi cùng hơn 30 lao động làm việc thường xuyên với mức lương từ 4 đến 7 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Hà, ở thôn Vật Yên, xã Vật Lại, cho biết chị tham gia làm công cho trang trại đã hơn 10 năm với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/tháng đã giúp gia đình chị có thêm thu nhập, lo việc học hành cho con cái.

"Những ngày nông nhàn ở nhà cũng không biết làm gì, sang làm thuê cho bà Thơ, vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa học thêm kiến thức chăm sóc cây trồng. Rất nhiều người trong xã được bà Thơ giúp cho vốn và cả cây giống nếu cần," chị Hà cho biết.

Đánh giá về mô hình V.A.C của gia đình bà Phùng Thị Thơ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vật Lại Phùng Huy Kiên, khẳng định đây là mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới.

Xã Vật Lại đang tập trung cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng nhân rộng các điển hình giỏi trong sản xuất như trường hợp của bà Thơ, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con trong thời gian tới.

Để có được thành quả ngày nay, vợ chồng bà Thơ cùng gia đình thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như đầu tư hệ thống phun, tưới nước tự động để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng, xử lý chất thải vật nuôi bằng chế phẩm vi sinh nên không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi, cùng cách tổ chức trang trại sản xuất tập trung khép kín rất khoa học, đa dạng và hiệu quả, gia đình bà Phùng Thị Thơ không chỉ là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mà còn chứng minh cho thế hệ trẻ thấy rằng, sự nỗ lực và kiên trì luôn mang đến thành công.

TTXVN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top