Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bộ TN-MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chất lượng không khí ở Hà Nội

Thứ Năm 10/10/2019 | 00:00 GMT+7

VHO- Nhìn chung, chất lượng không khí tại Hà Nội, đặc biệt là đối với nồng độ bụi mịn PM2.5 có nhiều thời điểm vượt ngưỡng cho phép. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ bụi PM2.5 có gia tăng nhưng thấp hơn.

Đốt rơm rạ gây khói mù tại khu vực các xã huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chất lượng không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo này cho biết thời gian gần đây, đặc biệt là trong tháng 9.2019, vấn đề chất lượng không khí tại các đô thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Liên tiếp trong nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội ở mức "kém."

Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa gây cản trở tầm nhìn. Việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hóa này đã gây những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Chất lượng không khí diễn biến theo chiều hướng xấu

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Hà Nội, trong thời gian từ ngày 12-29.9, có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng gia tăng trong thời gian từ ngày 12-17/9, sau đó giảm từ ngày 18-22.9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23-29.9.

Trong các ngày từ 15-17.9 và 23-29.9, có đến trên 75% giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt tiêu chuẩn quy định tại quy chuẩn Việt Nam. Đặc biệt trong các ngày từ 25-29/9, toàn bộ các trạm đều có giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt tiêu chuẩn quy định tại quy chuẩn Việt Nam.

Kết quả tính toán AQI tại các trạm trong các ngày từ 12-29.9 cho thấy, chỉ 5/18 ngày có AQI ở mức trung bình, các ngày còn lại chỉ số AQI luôn ở mức “kém.” AQI có xu hướng gia tăng và duy trì ở mức cao trong các ngày từ 23-29/9. Nhiều trạm AQI ngày đã tăng cao gần tới mức “xấu,” đặc biệt trong ngày 29/9 còn ghi nhận giá trị AQI ngày của trạm Đại sứ quán Mỹ đã vượt mức “xấu.”

Các khoảng thời gian ghi nhận giá trị bụi mịn PM2.5 tăng và duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm. AQI giờ trong khoảng thời gian từ ngày 23-29.9 cũng ở mức “kém,” thậm chí có những giờ lên đến mức “xấu.” Đặc biệt, trong buổi sáng các ngày liên tiếp từ 25-30.9.2019 ghi nhận một số trạm AQI giờ đã vượt ngưỡng 200, ở mức “xấu.”

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy qua việc theo dõi, phân tích số liệu quan trắc trong nhiều năm qua, xu hướng biến động của bụi PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc của Việt Nam, trong đó có thành phố Hà Nội, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.

Theo nhận định sơ bộ, nguyên nhân khiến bụi mịn PM2.5 tăng cao vì đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt, làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

Ngoài ra, theo dõi về lượng mưa trong tháng 9 cho thấy, năm 2019 có lượng mưa thấp nhất. Liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21-30/9), toàn bộ khu vực thành phố Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này.

Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 cũng là thời điểm giao mùa (cuối mùa mưa, đầu mùa khô), điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán các chất ô nhiễm trong không khí cũng như làm xuất hiện tượng sương mù quang hóa. Vì thế, chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn thành phố mang tính chu kỳ vào khoảng 6-7 ngày trong khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm.

Trong năm 2019, hiện tượng sương mù quang hóa đã xảy ra trong thời gian từ ngày 18-22.9. Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ ngày 1-23.9 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí. Tuy nhiên nồng độ bụi mịn PM2.5 phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn Việt Nam.

Bầu không khí tại hầu hết các khu vực ở thành phố Hà Nội đã “xanh, vàng” trở lại. (Ảnh chụp màn hình)

Nhận diện nguyên nhân

Nhìn chung, chất lượng không khí tại Hà Nội, đặc biệt là đối với nồng độ bụi mịn PM2.5 có nhiều thời điểm vượt ngưỡng cho phép. Tại Thành phố Hồ Chí Minh nồng độ bụi PM2.5 cũng gia tăng, song hiện tượng ô nhiễm không khí chỉ mang tính cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm nhất định. Bụi PM2.5 và chỉ số AQI ở mức xấu hơn trong thời gian đêm và sáng sớm. Thời gian còn lại trong ngày khi có thay đổi về điều kiện thời tiết, các thông số này đều giảm đi.

Phân tích các nguyên nhân khiến bầu không khí gần đây đang bị "nhiễm bẩn," Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng không khí tại các đô thị chịu ảnh hưởng tổng hợp từ rất nhiều nguồn thải, bao gồm các nguồn tại chỗ như từ các hoạt động dân sinh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải... và cả những nguồn từ xa vận chuyển đến.

Vì vậy, ngoài nguyên nhân sơ bộ như thời gian này là thời điểm giao mùa, thời điểm thu hoạch lúa với hoạt động đốt rơm rạ, ở khu vực ngoại thành còn có các nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí như: Quá trình đô thị hóa và hoạt động kinh tế-xã hội đang diễn ra rất mạnh mẽ ở các đô thị nước ta, trong khi đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật môi trường chưa được quan tâm đầu tư xây dựng tương xứng với yêu cầu của quá trình phát triển.

Số lượng, hoạt động các phương tiện tham gia giao thông quá lớn nhưng chưa kiểm soát được khí thải từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy cá nhân; hoạt động xây dựng tại các khu đô thị như xây dựng đường giao thông, các khu chung cư, khu đô thị mới, sửa chữa nhà, xây dựng công ích (lát vỉa hè, cải tạo sửa chữa đường ống điện nước…).

Ngoài ra, hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý, đốt chất thải sinh hoạt, sản phẩm phụ nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định tại các khu vực ven đô gây hiện tượng khói mù, thói quen sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt của người dân vùng ven đô; các nguồn thải vận chuyển từ xa đến (ô nhiễm xuyên biên giới) như khói bụi do cháy rừng từ các quốc gia lân cận, bụi mịn do đốt nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng theo gió mùa Đông Bắc vận chuyển về.

TTXVN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top