Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp (Huyện Kon Plông - Kon Tum): Đầu tư gần 29 tỉ đồng, cho thuê 3 triệu/tháng?

Thứ Hai 07/10/2019 | 10:26 GMT+7

VHO- Được đầu tư gần 29 tỉ đồng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là Trung tâm) huyện Kon Plông (Kon Tum) được kỳ vọng sẽ đào tạo, nâng cao chất lượng lao động nông thôn của 2 huyện Kon Plông và Kon Rẫy. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết việc đào tạo nghề của Trung tâm này lại diễn ra ở các xã, thị trấn.

Trung tâm GDTX-GDNN huyện Kon Plông

Còn trụ sở của Trung tâm sau thời gian bỏ hoang được huyện cấp kinh phí sửa chữa để rồi cho thuê sản xuất, thương mại với giá… 3 triệu đồng/tháng!

Có trụ sở nhưng đào tạo nghề ở thôn, làng

Tháng 10.2009, UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định phê duyệt dự án tăng cường năng lực dạy nghề thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về Giáo dục và đào tạo nghề đến năm 2020, trên cơ sở nâng cấp mở rộng Trung tâm Dạy nghề Măng Đen, huyện Kon Plông với tổng mức đầu tư 28,7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Trung tâm được xây dựng trên diện tích 4 ha ở xã Đăk Long (nay là thị trấn Măng Đen), huyện Kon Plông.

Dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng năng lực đào tạo nghề cho người dân trên địa bàn 2 huyện Kon Rẫy và Kon Plông, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, với quy mô đào tạo trung bình khoảng 500 học viên/năm. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay, hầu hết các phòng học, vườn thực nghiệm, các phòng chức năng, trang thiết bị dạy nghề của Trung tâm đều rơi vào trạng thái “đắp chiếu”, không sử dụng. Lý giải vấn đề này, ông Phạm Thanh Vận, Giám đốc Trung tâm cho biết, chức năng của Trung tâm là dạy văn hóa, kết hợp học văn hóa với học nghề và học nghề ngắn hạn. Thực tế tại huyện Kon Plông việc đào tạo các nghề điện, mộc, xây dựng, cơ khí ở đây hiệu quả không cao vì chỉ đào tạo 3 tháng. Cho nên Trung tâm chủ yếu là dạy các nghề thủ công truyền thống, mở các lớp dạy kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, dược liệu, kỹ thuật chăn nuôi và các lớp này chủ yếu được mở ở các thôn, làng. Theo quy định, Trung tâm sẽ hỗ trợ chi phí ăn uống, đi lại cho học viên với số tiền 30 nghìn đồng/ngày.

“Mỗi năm Trung tâm đào tạo nghề cho khoảng 500 học viên, kinh phí được cấp khoảng gần 1 tỉ đồng để phục vụ công tác dạy - học và hỗ trợ chi phí cho học viên. Hầu hết các lớp phải mở ở thôn, làng để duy trì sĩ số lớp học, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giảm chi phí đi lại cho học viên”, ông Vận nói.

 Dãy nhà gồm 2 phòng rộng được trung tâm cho HTX Tuyết Sơn thuê

“Đắp chiếu” nhưng vẫn cấp kinh phí đầu tư để… cho thuê

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù công tác đào tạo nghề chủ yếu diễn ra ở các thôn, làng thuộc các xã, thị trấn, và cơ sở vật chất của Trung tâm hiện đang “đắp chiếu” không sử dụng, nhưng tháng 7.2019 UBND huyện Kon Plông vẫn phân bổ gần 350 triệu đồng kinh phí để sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giảng dạy giáo dục thường xuyên. Trả lời câu hỏi vì sao khu thực hành giảng dạy hiện nay đắp chiếu không hoạt động mà vẫn được cấp kinh phí sửa chữa, ông Phạm Thanh Vận cho biết, trước đây Trung tâm chỉ có chức năng đào tạo nghề, năm 2019 huyện giao thêm chức năng giáo dục thường xuyên, dạy văn hóa, bổ túc nên cấp kinh phí để sửa chữa phòng học.

“Vẫn có học sinh nhưng ít, hiện nay đang sửa chữa vì năm 2019 huyện giao thêm chức năng giáo dục thường xuyên. Nhưng hiện nay chưa thực hiện dạy bổ túc văn hóa vì thiếu giáo viên, hiện chỉ có giáo viên dạy nghề, mà giáo viên dạy nghề thì không thể dạy văn hóa được”, ông Vận cho hay. Chúng tôi tìm đến khu thực hành giảng dạy của Trung tâm nằm ngay sát đường tỉnh lộ 676. Tại đây, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh ngổn ngang, lộn xộn như một bãi công trường. Theo quan sát, khu thực hành có 3 dãy nhà gồm dãy phòng học hiện đóng kín cửa, bàn ghế được chất thành đống; khu phòng làm việc mới được quét vôi nhưng không có bàn ghế, cơ sở vật chất bên trong và một dãy nhà gồm 2 phòng rộng, trong đó một phòng đang được sửa chữa ngăn đôi tường. Khuôn viên sân khu thực hành là nơi tập kết sắt, thép và các vật dụng để thi công đường dây điện.

Tiếp chuyện chúng tôi là một người phụ nữ tên Mai khoảng gần 50 tuổi. Chị Mai giới thiệu là thành viên của Hợp tác xã Tuyết Sơn Kon Plông (HTX). Chỉ về phía dãy nhà gồm 2 phòng rộng lớn, chị Mai cho biết: “Chị thuê Trung tâm để nấu tinh dầu và cao sâm dây với số tiền 3 triệu đồng/tháng, thời hạn hợp đồng là 3 năm, hết thời hạn chị được ký thuê tiếp. Nếu ai muốn thuê lại thì phải qua chị, vì chị đã thuê hết khu này rồi”. Dẫn chúng tôi đến căn phòng đang sửa chữa, chị Mai cho biết thêm, công trình đang sửa chữa đây là HTX nhận thi công cho Trung tâm rồi thuê lại luôn. Kinh phí là mình tự bỏ ra để làm theo ý mình.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những lời chị Mai nói về việc thuê trụ sở khu thực hành để làm nhà xưởng là có thật, bởi giữa Trung tâm và HTX có hợp đồng thuê nhà xưởng sản xuất hẳn hoi và được ký đóng dấu bởi đại diện là ông Phạm Thanh Vận, Giám đốc Trung tâm và ông Hà Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT HTX Tuyết Sơn.

Theo hợp đồng thuê nhà xưởng được ký kết, giá cho thuê là 40 triệu đồng/năm, thời hạn hợp đồng 3 năm, năm đầu tiên thanh toán 1 lần, từ năm thứ hai, thanh toán vào ngày 15 mỗi quý. Mặc dù có hợp đồng được ký giữa 2 bên và được đóng dấu mộc đỏ, nhưng không có số ký hiệu văn bản. Trả lời thắc mắc của phóng viên, chị Mai giải thích: “Nói tế nhị là trong đây mấy anh cho thuê cũng có tiền mà, nếu huyện hỏi thì không đưa hợp đồng mà chỉ nói là cho mượn trụ sở chứ không phải thuê”! Ngoài việc cho thuê trụ sở khu thực hành giảng dạy, khu vườn thực nghiệm cũng được Trung tâm cho người bên ngoài vào trồng chanh dây và cà chua.

Liên hệ với ông Phạm Thanh Vận để hỏi về những vấn đề trên, ông Vận nói: “Không có chuyện cho thuê (cho HTX thuê - PV) đâu em à, cái đó là tạo điều kiện để cho họ mượn làm rồi họ trả tiền điện nước. Còn khu đất phía sau trồng rau do giáo viên phải tập trung đi dạy xa, làm không nổi nên anh cho họ mượn trồng cà chua, đơn vị anh không có ký hợp đồng gì”. 

 Huyện chưa nắm được việc này và cho thuê với mục đích gì? Tôi sẽ cho kiểm tra lại, Trung tâm có được phép cho thuê phòng học hay không còn phải xem lại quy chế hoạt động.

(Ông HÀ ĐỨC VỊNH, Chánh văn phòng HĐND- UBND huyện Kon Plông)

 NGỌC HÒA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top