Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hiến kế giúp Huế phát triển du lịch thông minh và bền vững: “Đi tắt, đón đầu” để tăng cường nguồn nhân lực

Thứ Sáu 20/09/2019 | 10:54 GMT+7

VHO- Tại Diễn đàn Du lịch Huế 2019 vừa được tổ chức, các chuyên gia đã đề xuất nhiều nội dung để định hướng cho Thừa Thiên Huế phát triển du lịch thông minh và bền vững.

 Du khách trải nghiệm chương trình "Đi tìm Hoàng cung đã mất" bằng công nghệ thực tế ảo VR

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam nói chung và cho Thừa Thiên Huế nói riêng đang có nhiều cơ hội, song cũng lắm thách thức.

Cần phát triển nguồn nhân lực

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết, những năm qua các hoạt động đào tạo và thu hút nhân lực cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến. Tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn bởi nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề chính là chưa có được những giải pháp mang tính đột phá và phù hợp. Ông Chương thông tin, là “cái nôi” đào tạo nhân lực du lịch cho khu vực Miền Trung- Tây Nguyên, hiện nay tại Thừa Thiên Huế có 10 cơ sở đào tạo nhân lực du lịch (3 đại học, 2 cao đẳng và 5 trung cấp) với tổng số sinh viên ra trường 1.250. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên nhóm ngành du lịch ra trường làm việc tại Huế còn khá thấp.

Theo số liệu thống kê của Đại học Huế chỉ có 5% sinh viên ra trường làm việc tại Thừa Thiên Huế trong các năm qua, trong khi đó sinh viên nhập học ngành du lịch có 45% là con em đến từ Thừa Thiên Huế. Dù mặt bằng chung về chất lượng đào tạo nhân lực du lịch ở đây là khá tốt so với cả nước nhưng do không có đầu ra tại chỗ, dễ dẫn đến việc giảm số lượng sinh viên nhập học. Bàn về việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch thông minh, ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân cho rằng, ở cấp độ cao cấp, Việt Nam hiện chỉ có 2 GS, 11 PGS, 37 TS (trong đó có 1 TSKH), 210 ThS và nghệ nhân đang tham gia đào tạo ngành du lịch tại các trường cao đẳng, đại học. Trong đó, nhiều mảng ngành hoàn toàn chưa có chuyên gia bậc cao.

Hiện Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 8 châu Á với 15,5 triệu khách quốc tế, và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Trong khi đó về nhân lực du lịch thì Việt Nam đang còn nhiều khoảng trống.

“Trong thời gian tới, Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng cần tìm ra lối đi tắt để tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch. Tương lai và đẳng cấp du lịch Việt Nam sẽ phụ thuộc vào chất lượng nhân lực bên cạnh quy mô và tầm vóc của nhà đầu tư”, ông Minh nhấn mạnh.

Gắn với phát huy giá trị di sản

Ngành du lịch Việt Nam đang tập trung triển khai Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch theo các định hướng phát triển bền vững. Một số địa phương đã có bước phát triển mạnh mẽ như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế… Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, định hướng phát triển du lịch thông minh và bền vững là hướng đi phù hợp với quy hoạch. Tùy từng điều kiện, đặc thù riêng của mỗi địa phương để có những kế hoạch và hành động cụ thể cho việc phát triển du lịch thông minh. Đối với Thừa Thiên Huế, du lịch thông minh cần gắn với trọng tâm là phát huy giá trị di sản đặc sắc của Quần thể Di tích Cố đô Huế, gắn với định hướng tổng thể chung của du lịch Việt Nam.

Mới đây Công ty Vietsoftpro đã thực hiện hệ thống thuyết minh tự động Audio Guide tại các điểm tham quan thuộc khu di sản Huế. Hệ thống này có 12 ngôn ngữ thuyết minh, cung cấp cho du khách một dịch vụ công nghệ cao để tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp và giá trị lịch sử văn hóa của Huế.

Những năm gần đây, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch đã và đang triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm tiếp cận và từng bước thích ứng với xu thế du lịch mới này. Có thể dẫn chứng một số trang mạng và ứng dụng của du lịch Huế như: Cổng thông tin điện tử du lịch Huế visithue.vn, Apps Visit Hue, các ứng dụng công nghệ cao Audio Guide, thực tế ảo VR, mã QR code… Tuy nhiên theo các chuyên gia, phần lớn những ứng dụng công nghệ gắn với du lịch thông minh ở Thừa Thiên Huế đang còn tự thân vận động nên nhỏ lẻ và manh mún.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để cụ thể hóa các mục tiêu gắn với du lịch trong đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, UBND tỉnh đã giao Sở Du lịch phối hợp với các ban ngành liên quan tập trung xây dựng dự án Hệ sinh thái du lịch thông minh, trong đó lấy người dân và du khách làm trung tâm. Hệ du lịch sinh thái thông minh đảm bảo các chức năng và các dịch vụ thiết yếu cho người dân và du khách, như việc đi lại, hệ thống giao thông thuận tiện đến các điểm tham quan di tích, hạ tầng, sản phẩm du lịch đạt chuẩn phục vụ tốt…

Quan trọng nhất là phải có sự tương tác kịp thời giữa 3 bên gồm nhà quản lý, đơn vị kinh doanh du lịch và du khách. «Thừa Thiên Huế cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa, tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của Trung ương, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và nhất là sự góp ý, hiến kế của các chuyên gia, cộng đồng người dân để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai xây dựng Hệ sinh thái du lịch thông minh, xem đó là hợp phần quan trọng bậc nhất trong Đô thị thông minh”, ông Thọ nhấn mạnh. 

 SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top