Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Dự án phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ” trên vách núi ở Bình Định:Sẽ xem xét trên nhiều yếu tố, cân nhắc thận trọng

Thứ Hai 16/09/2019 | 09:35 GMT+7

VHO- Xung quanh dự án tạc phù điêu vào vách núi có chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ” ở cửa ngõ TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đang xới lên nhiều tranh cãi, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, cần có cái nhìn rộng, khách quan và hết sức thận trọng. Tất cả mới đang dừng ở bước đầu, mang tính giả định và hoàn toàn chưa được phê duyệt. Còn nhiều yếu tố phải tính toán kỹ lưỡng để dự án có thể được phê duyệt và đưa vào triển khai. Tất nhiên, nếu không phù hợp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thì sẽ chẳng có lý do gì thuyết phục được cho việc thông qua dự án công trình.

Phối cảnh tổng thể bức phù điêu

Cảnh báo là cần thiết…

Trung tuần tháng 9.2019 vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy Bình Định đã tổ chức cuộc gặp mặt các nguyên lãnh đạo tỉnh để lắng nghe ý kiến về việc chuẩn bị xây dựng công trình phù điêu tạc vào vách núi chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” tại đường Võ Nguyên Giáp (TP.Quy Nhơn). Theo báo cáo, về nội dung ý tưởng phác thảo bức phù điêu, đơn vị tư vấn đã tiếp thu và hoàn chỉnh theo ý kiến đóng góp của UBND tỉnh Bình Định; đồng thời, UBND tỉnh Bình Định dự kiến sẽ chi hơn 86 tỉ đồng; trong đó, kinh phí ngân sách hơn 34 tỉ đồng, nguồn xã hội hóa hơn 51 tỉ đồng để thực hiện công trình phù điêu tạc vào vách núi.

Theo Sở VHTT Bình Định, đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội đương thời, được thể hiện bằng chất liệu đá tự nhiên vốn có với quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, góp phần tác động đến nhận thức, giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước, lòng tự hào của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ngoài ra, việc hình thành tác phẩm sẽ làm tăng giá trị không gian văn hóa – lịch sử và kiến trúc cảnh quan đô thị và tăng giá trị hình ảnh quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Văn Hóa chiều 15.9, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà cho biết: “Công trình phù điêu tạc vào vách núi “Lạc Long Quân - Âu Cơ” dự kiến xây dựng ở cửa ngõ ra vào TP Quy Nhơn còn rất nhiều vấn đề cần bàn bạc, không nên vội vàng trước khi có quyết định chính thức”. Ông Vũ Hoàng Hà bộc bạch, chủ trương tạc phù điêu sẽ tạo dấu ấn rất đặc biệt cho TP Quy Nhơn. Nhưng muốn đặt ở vị trí hiện nay, cần ưu tiên quy hoạch cơ sở hạ tầng, giao thông tại khu vực ngã 6 với tầm nhìn đường Trần Hưng Đạo phải mở rộng 40m (thay vì hiện nay là 20m), xây dựng cầu vượt, vòng xuyến giao thông. Cùng với đó là xây dựng một quảng trường đủ diện tích để người dân vui chơi an toàn, không đặt sát đường vì rất dễ gây tai nạn. Có quy hoạch giao thông thì mới xác định vị trí đặt phù điêu thích hợp, đảm bảo không che khuất tầm nhìn…

Ông Vũ Hoàng Hà cũng cho rằng, tỉnh Bình Định phải hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn ngân sách để xây dựng công trình, lãnh đạo tỉnh nên kêu gọi sự đóng góp xã hội hóa. Trong đó, nguồn từ xã hội hóa phải đưa vào ngân sách quản lý, chứ không phải bỏ ra một quỹ riêng biệt để tự do chi. Nếu không tính toán kỹ, sau này thanh tra, kiểm toán nhà nước vào cuộc, cán bộ phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, công trình này dựa vào vách núi, cần nghiên cứu loại đá ở đây có đủ tiêu chuẩn không, cắt sâu thì có bền vững muôn đời; hay chỉ một thời gian sẽ sạt lở, hư hỏng? Việc này, cần mời chuyên gia khoáng sản- địa chất kết luận, có biện pháp kỹ thuật thực hiện.

Cũng theo ông Vũ Hoàng Hà, về tính thẩm mỹ nội dung phác thảo bức phù điêu, quá nhiều chi tiết còn rối rắm, đặc biệt là ở lớp phác thảo thứ 3. UBND tỉnh cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà sử học, Bộ VHTTDL... cần lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, cũng như triển lãm các phương án để người dân xem, khi đã có nhất thể sự ủng hộ, đồng tình mới thực hiện. Và khi lãnh đạo tỉnh đã quyết tâm làm thì phải làm chất lượng và có đặc sắc riêng, chứ không phải làm theo kiểu cho có tư duy nhiệm kỳ, “lấy điểm”. Bởi chất lượng không tốt, sau này công trình hư hỏng sớm, biết giải thích sao trước nhân dân.

Về vị trí xây tượng, cùng quan điểm với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Hội Kiến trúc sư trẻ tỉnh Bình Định cho rằng, không thể tạc trực tiếp được tượng phù điêu ở vách núi. Tại đây, cần phải tạo một bức phù điêu ở ngoài xưởng rồi gắn vào vách núi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở đây là tầm nhìn. Nói rõ hơn là nếu để nhìn được toàn bộ một bức tranh hay một bức phù điêu thì cần phải đứng ở xa mới thấy hết được, chứ không nên đứng gần, bởi đứng gần ngang tầm mắt thì sẽ không thấy được tổng thể của bức tranh, không gây thiện cảm với người xem.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định cho biết, tỉnh vẫn chưa trình dự án cụ thể về bức phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định. Dự án vẫn đang nằm trong kế hoạch, chưa triển khai vì còn phải lấy ý kiến của nhân dân. “Bình Định là tỉnh đang phát triển, làm sao cho phù hợp đô thị và dân đồng ý”, theo ông Lê Kim Toàn. Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định nếu không được dân ủng hộ thì việc xây dựng có thể sẽ không thực hiện.

 Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang triển khai di dời, hạ ngầm đường điện để chuẩn bị tạc bức phù điêu ở núi Bà Hỏa

… nhưng không nên để một dự án vừa bắt đầu phôi thai “chết” từ trong trứng nước

Trước những ý kiến nói trên, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL cho rằng, những băn khoăn và cảnh báo là cần thiết. Tuy nhiên, mỗi ý kiến, đặc biệt là những cảnh báo đều cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng. Trên thực tế, dự án tạc phù điêu vào vách núi cũng mới đang dừng ở ý tưởng, giả định và hoàn toàn chưa được phê duyệt. Bởi vậy, nếu tranh cãi quá sớm trước một dự án phôi thai rất có thể dẫn đến những hiểu lầm không tích cực.

Cũng theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 2439/BVHTTDL-MTNATL thỏa thuận với Tỉnh ủy Bình Định chủ trương xây dựng phù điêu tạc vào vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

“Bộ VHTTDL ủng hộ về chủ trương vì nếu triển khai thành công thì đây sẽ là công trình phù điêu nghệ thuật duy nhất ở Việt Nam tạc vào núi đá tính đến nay. Công trình cũng sẽ là tác phẩm nghệ thuật thể hiện truyền thống đại đoàn kết các dân tộc; là công trình văn hóa điểm nhấn tạo sức thu hút, phát triển du lịch của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, chắc chắn dự án sẽ phải cân nhắc rất nhiều yếu tố. Bộ VHTTDL đề nghị tỉnh Bình Định và đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng dự án cần phải tính toán, cân nhắc kỹ càng các yếu tố về địa điểm, chất liệu đá núi và xây dựng phác thảo bức phù điêu, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt…”, họa sĩ Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cũng nói rõ, dự án công trình có tính đặc thù như phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” sẽ phải tính toán ở mọi góc độ, đưa ra nhiều phương án để xem xét, cân nhắc tính khả thi. Trong đó, các nhà chuyên môn sẽ phải tính toán xem tầm nhìn từ bức phù điêu với đường giao thông có hợp lý, an toàn hay không. Tất cả những giả định hiện thời mới chỉ khiến người ta tạm thời mường tượng về một bức phù điêu cỡ lớn sẽ có thể được hiện diện ở vị trí đó, khu vực đó. Mặt khác, ở góc độ chuyên môn, họa sĩ Vi Kiến Thành lưu ý, chưa có phác thảo chính thức của bức phù điêu nên cũng chưa có căn cứ ở góc độ nghệ thuật để phê bình đạt hay không đạt, phê duyệt hay không. Việc phải làm bây giờ của địa phương là xây dựng đề án để xin phê duyệt, trong đó gồm có mục đích, ý nghĩa, nội dung và phác thảo công trình. Đội ngũ kiến trúc sư, nhà điêu khắc, các chuyên gia về giao thông, địa chất và cả những người dân… đều cần phải góp sức vào đây mới có thể xây dựng được một dự án phù hợp, khả thi. Tất nhiên, nếu không phù hợp và tiềm ẩn nguy cơ thì sẽ chẳng có lý do gì thuyết phục được cho việc thông qua dự án công trình.

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nói rằng, ông chưa được biết cụ thể về dự án phù điêu ở Bình Định. Tuy nhiên, ông cho rằng, sự xuất hiện các ý kiến trái chiều khi một dự án mới bắt đầu phôi thai rất có thể sẽ khiến nó “chết” từ trong trứng nước. Hãy để dự án thành hình rồi hãy cân nhắc có phù hợp để phê duyệt, triển khai hay không.

Cũng ở góc độ chuyên môn, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) nhấn mạnh, ông hoàn toàn ủng hộ những dự án nghệ thuật nói chung và đặc biệt là những dự án điêu khắc nói riêng. Ngoài mục tiêu tạo cơ hội sáng tạo cho giới nghề điêu khắc thì những công trình này cũng tạo dựng nên những tác phẩm nghệ thuật cho đời sống. Tuy nhiên, cái cần là phải cân nhắc, xem xét dự án đó, công trình đó có phù hợp hay không ở nhiều góc độ như: chất lượng nghệ thuật, vị trí giao thông và các yếu tố tác động khác. Theo nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành, thận trọng là rất cần thiết. Nhưng tất nhiên, trước khi phê duyệt, các nhà chức trách và giới chuyên môn sẽ phải có trách nhiệm xem xét, tính toán xem công trình ở vị trí đó có ảnh hưởng tầm nhìn, khả năng quan sát cũng như có gây nguy hiểm đối với các hoạt động giao thông qua lại hay không. 

Những băn khoăn và cảnh báo là cần thiết. Tuy nhiên, mỗi ý kiến, đặc biệt là những cảnh báo đều cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng. Trên thực tế, dự án tạc phù điêu vào vách núi cũng mới đang dừng ở ý tưởng, giả định và hoàn toàn chưa được phê duyệt. Bởi vậy, nếu tranh cãi quá sớm trước một dự án phôi thai rất có thể dẫn đến những hiểu lầm không tích cực.

(Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm VI KIẾN THÀNH)

 

 Bộ VHTTDL đề nghị tỉnh Bình Định và đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng dự án cần phải tính toán, cân nhắc kỹ càng các yếu tố về địa điểm, chất liệu đá núi và xây dựng phác thảo bức phù điêu, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt…

 

 BẢO NGÂN - PHAN HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top