Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Công trình thế kỷ cáp treo Fansipan và chuyện chưa kể về ‘những người mang hồn cáp’

Thứ Ba 30/07/2019 | 16:00 GMT+7

VHO- Mặc dù không xa lạ với việc leo rừng, vượt núi, nhưng những ngày đầu tiên mở lối lên Fansipan, “bố già” kéo cáp Trần Tịnh vẫn phải... thở ra bằng tai vì mức độ khốc liệt của rừng Hoàng Liên. 

Đầu năm 2016, tuyến cáp treo Fansipan chính thức được đưa vào vận hành và ngay lập tức đã xác lập cho mình hàng loạt kỷ lục hết sức khó tin: Tuyến cáp 3 dây dài nhất thế giới; độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất. Thế nhưng đằng sau công trình của những kỷ lục ấy còn là rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu xương của hàng nghìn con người đã dành hơn 800 ngày đêm của mình để mở tuyến, dựng nên cây cầu kỳ vĩ xuyên rừng thẳm và mây mù nối với đỉnh trời Tây Bắc. 

Sau 3 năm vận hành, người còn ở, kẻ đã mải miết đi theo những công trình mới, nhưng ký ức về tháng ngày vác đá, mở đường bằng vai trần, tay không vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những người đã lỡ... mang theo “hồn cáp” như một thứ hành trang quý giá của mình.

Bị vợ dọa bỏ... vì “mê cáp”

Cuối năm 2013, ngay sau khi giấy phép xây dựng tuyến cáp treo Fansipan chính thức có hiệu lực, hơn 300 cán bộ, kỹ sư bắt đầu hành trình hành quân vào lòng núi mẹ để hiện thực hóa giấc mơ bắc cáp lên đỉnh trời của mình.

Cũng vào năm đó, tại Đà Nẵng, Võ Hoài Quốc đang... thất nghiệp và chỉ dám thuê cho vợ mới sinh một căn phòng nhỏ xíu ven đô. Loay hoay với mưu sinh, chưa bao giờ chàng trai gốc Quảng Nam ấy lại nghĩ sẽ có ngày mình sẽ rời thành phố Sông Hàn lên Lào Cai lập nghiệp.

“Đó là giai đoạn cực kỳ khó khăn khi ngành xây dựng lúc này đang khủng hoảng. Đúng lúc chưa biết xoay sở ra sao thì tôi đọc được thông báo tuyển dụng làm cáp  Fansipan”, Quốc nhớ lại.

Sau vài đêm trằn trọc, Quốc quyết định sẽ để vợ con lại Đà Nẵng, khoác balô ra Bắc. Đầu năm 2014, anh chính thức có mặt tại Sa Pa và nhận nhiệm vụ khảo sát, trắc đạc cho tuyến cáp treo 3 dây đầu tiên ở Việt Nam. Hành trang của anh ngoài sức trẻ, nỗi lo mưu sinh thì còn là... hai bàn tay trắng.

“Vào thời điểm này, hầu hết anh em đều không hình dung nổi mình sẽ phải đối mặt với gì. Tất cả chỉ háo hức nghĩ: Đây sẽ là công trình ‘để đời’ chưa từng có từ trước tới nay,”  Võ Hoài Quốc hồi tưởng.

Thế nhưng, niềm hồ hởi ấy chẳng thể giữ được quá lâu khi va đập phải thực tế khắc nghiệt “có một không hai” của rừng già Hoàng Liên. Nhớ lại khoảng thời gian này, Quốc rùng mình: “Ngày đầu tiên, đoàn chúng tôi gồm 5 người bắt đầu đi từ Sín Chải hướng lên phía đỉnh 3.143m. Ai cũng nóng lòng vì trước đó chưa từng được vào rừng nguyên sinh. Thế nhưng, chỉ sau vài giờ đã có 2 người không đủ thể lực leo núi, vượt dốc nên đã bỏ về và xin... nghỉ hẳn.”

Khốc liệt là cách hình dung chính xác nhất cho giai đoạn đầu tiên khi những người như Võ Hoài Quốc “vạch đường, mở lối” định tuyến. Lương thực, thực phẩm thiếu thốn. Điều kiện làm việc “như thời chiến” vì không thể đưa máy móc lớn vào sâu trong rừng. Tuyết và gió thay nhau thốc ngược từ những vực sâu hun hút lên các vị trí đoàn đi khảo sát. Tất cả các công đoạn trắc địa, đo đạc và thậm chí cả thi công về sau đều chỉ được thực hiện bằng những đôi tay trần.

Khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ Quốc nghĩ tới việc bỏ về. Những lúc mệt mỏi nhất, hình ảnh đứa con mới lọt lòng đang ọ ọe khóc bên mẹ lại ùa về trong đầu ông bố trẻ. Không được nản! Không được đầu hàng vì đằng sau mình còn cả một gia đình nữa.

Quốc vẫn nhớ mãi chuyến đi rừng cuối năm 2014. Đêm trước ngày lên đường, anh không sao ngủ được vì nhận được cuộc gọi gấp gáp của vợ thông báo con ở nhà bị ốm.

“Tôi leo rừng vào công trường giữa trời mưa lạnh mà lòng nóng như lửa đốt. Sóng điện thoại chập chờn, lúc có lúc không. Tôi chỉ kịp dặn bà xã đưa cháu đi khám trước khi sóng mất hẳn,” Quốc kể.

Thi công cáp treo Fansipan

Vài ngày sau đó, chàng trai 29 tuổi chỉ còn biết lao vào làm. Ngày ngày, anh cùng gần chục đồng nghiệp vạch rừng, định tuyến cho cáp; nhưng cứ đêm về thì lại ngồi lặng thinh bên sườn núi hun hút gió; mắt đăm đắm hướng về phía thị trấn Sa Pa đang lấp loáng ánh đèn mà rơm rớm khóc.

Quốc bảo: Tuyến cáp 3 dây dài tới gần 6 cây số này thực ra là nhân chứng cho đủ thứ buồn vui, hạnh phúc của anh trong suốt 2 năm gắn bó.

-    “Trong điện thoại của tôi, anh có tin là toàn tin nhắn bà xã đòi ly dị với chia tay không?,” Quốc bất ngờ hỏi.

-    Sao lại ly dị?

-    “Thì anh bảo, chồng đi xa thế. Con cái vừa mới đẻ ra, cô ấy ở nhà chăm một mình, ai lại không tủi. Không kể nhiều lúc nhà có việc, chồng lại “mất dấu” không sao liên lạc được. Phụ nữ họ cả nghĩ lắm. Cô ấy còn giận hờn bảo: Anh mê cáp hơn yêu mẹ con em. Nên em trả lại anh cho... cáp”, Quốc kể.

Những lúc “cơm không lành, canh chẳng ngọt” như thế, gã kỹ sư “người rừng” chỉ biết hết lời động viên rồi gửi cho vợ những bức ảnh mình đang đứng giữa công trường ngập tuyết trắng hay đang chênh vênh trên trụ thép, mặt mũi lấm lem. 

“Bà xã nhìn thấy y như rằng lại bật khóc và... không đòi ly dị nữa,” Quốc cười xòa, tiếng cười nghe nhẹ bẫng như một vầng mây lãng đãng trên đỉnh Fansipan ngày nắng đẹp.

Không chỉ chứng kiến vui buồn cá nhân, với anh, cáp treo Fansipan còn là nơi ghi dấu ấn của tình đồng nghiệp; của ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. 

Cho tới tận lúc này đã 4 năm qua đi, nhưng Quốc vẫn không thể lý giải được động lực nào đã khiến anh có thể đưa đồng nghiệp bị rắn cắn vượt qua 12km đường rừng từ gần đỉnh Fansipan về Trạm Tôn chỉ trong 3 giờ đồng hồ thay vì 8 tiếng như thường lệ.

 Sáng hôm ấy, bất ngờ chú Minh – một người đi cùng đoàn khảo sát của chúng tôi hớt hải chạy về lán với 2 vết rắ cắn trên tay,” Quốc bắt đầu câu chuyện của mình.

Nhìn dấu răng sâu hoắm còn rớm máu, Quốc rùng mình. Anh biết chuyện chẳng lành đã tới. Chỉ kịp garo vết cắn, Quốc vội vã cuốn hành lý rồi sấp ngửa chạy về phía chân núi trong hy vọng mong manh.

Đồng nghiệp bên cạnh thì cứ lả dần trong cơn đau. Quốc vừa chạy, vừa gọi điện cầu cứu. May thay, có người bắt máy. Một ôtô sẽ đợi sẵn phía cửa rừng. 

“Chúng tôi chạy quá khu vực T3 thì người chú Minh đã sưng căng đến độ phải xé áo ra, cặp môi khô nhợt. Chúng tôi chỉ biết cắm đầu mà chạy, vấp ngã dúi dụi, người đầy sình lầy. Tới độ cao 1800m, chú đã thở dốc và liên tục kêu đau lưng. Nọc độc của rắn lục ngàng càng thấm sâu hơn. Suốt đoạn đường còn lại, chúng tôi gần như phải kéo lê chú đi tiếp, miệng không ngừng động viên: Cố lên, chỉ còn một chút nữa thôi,” Quốc kể.

Tới gần 9 giờ sáng, chiếc xe đợi sẵn phía Trạm Tôn lao vun vút về phía bệnh viện Sapa trong niềm hy vọng khắc khoải của tất cả đoàn. Tính tới thời điểm đó, hành trình vượt 12km đường núi của nhóm 3 người Võ Hoài Quốc chỉ vỏn vẹn chưa đầy 3 giờ, một kỷ lục không chính thức. Chính nhờ chuyến đi kỷ lục này, tính mạng của chú Minh đã được giữ lại. Chỉ 14 ngày sau, anh đã vượt qua cơn thập tử nhất sinh trong niềm vui vô hạn của Võ Hoài Quốc và các đồng nghiệp.

Thi công cáp treo Fansipan 

“Bố già” dựng cáp trên đỉnh Fansipan

Nếu như Võ Hoài Quốc đại diện cho những kỹ sư trẻ muốn “thách thức cực hạn” của bản thân mình với Fansipan thì lão công nhân già Trần Tịnh lại là biểu tượng cho thứ tình yêu thủy chung, son sắt và vững bền với cáp. Nhiều thế hệ gắn bó với đại công trình bắc qua đại ngàn Hoàng Liên Sơn đã gọi ông bằng cái tên trìu mến: Ông già dựng cáp...

Từng chinh chiến với cáp Vinpearl Nha Trang và cáp Bà Nà, năm 2014, ông Tịnh “nhận được lệnh” tăng cường  khẩn cấp cho Sa Pa để tham gia xây dựng tuyến cáp 3 dây đầu tiên. Khi ấy, công việc ở Hoàng Liên Sơn đang bị nghẽn lại do gặp quá nhiều khó khăn. Đội đặc nhiệm từ Bà Nà được huy động với trọng trách giải quyết một loạt bài toán khó về định tuyến, đào hố móng, kéo cáp... Năm ấy, ông Tịnh đã 58 tuổi và trở thành công nhân “già nhất” trên đỉnh Fansipan.

Nhớ lại giai đoạn này, “bố Tịnh” cười khà khà kể: “Hồi đó, khi biết tôi sẽ ra ngoài Bắc làm cáp, gia đình tôi cũng phản ứng dữ lắm. Các con bảo: Bố tuổi cao rồi, cứ ở lại Bà Nà thôi, đi làm gì. Nhưng tôi chỉ nghĩ: Mình còn sức thì còn làm được nên vẫn động viên mọi người để đi”.

Mặc dù không xa lạ với việc leo rừng, vượt núi, nhưng những ngày đầu tiên mở lối lên Fansipan, ông vẫn phải... thở ra bằng tai vì mức độ khốc liệt của rừng Hoàng Liên. 

“Kinh hoàng nhất là dốc Đỏ - con dốc án ngữ ngay đoạn đường đầu tiên dẫn từ Sín Chải lên trụ T1. Đoàn chúng tôi lần nào gặp con dốc chỉ toàn đá lại đựng đứng này đều phải chùn lại. Người leo lên ngoài việc áp sát mình vào vách đá, tay níu vào các gờ nhô ra để lên thì không còn cách nào cả. Nhiều đồng nghiệp trẻ gặp ‘cửa khẩu’ này đã quyết định bỏ về ngay lập tức,” ông Tịnh nhăn trán nhớ lại.

Ngay cả giai đoạn về sau khi đã quen hơn với công việc thì những cung vượt núi vẫn cứ khiến ông phải sởn tóc gáy. Chuyện sau vài tiếng ướt đầm người vượt rừng ra thị trấn, lão công nhân già sốt li bì và mê man vài ngày là không hiếm. Trong ấn tượng của ông, Fansipan là những chuỗi ngày dầm sương, treo mình bằng dây để thi công trên đỉnh trời; là những gói mỳ tôm anh em chia nhau mỗi khi đường cấp lương bị nghẽn, là những cuộc điện thoại chập chờn nối hai đầu Đà Nẵng - Lào Cai.

Ban đầu, công việc chính của ông là đi trắc đạc, định tuyến. Về sau, khi công trình đi vào giai đoạn thi công, ông chuyển sang bộ phận cơ khí.

“Anh em trẻ làm gì thì mình cũng làm đấy. Nhiều người thấy mình già cả nên cố ý nhường những việc nhẹ nhàng nhưng tôi bảo: Chú còn sức, chú còn làm được nên cứ để chú bình thường như mọi người,” ông Tịnh cười nói.

Chú Tịnh làm cáp treo Fansipan

Dần dần, những cán bộ, kỹ sư của Sun Group quen với hình ảnh của “bố già” chân đi đôi giày cũ mèm, quần bò, áo công nhân phăm phăm vạch rừng như cọc hoa tiêu cho cả đoàn tiến về phía trước. Họ cũng không xa lạ với cảnh “bố” treo mình trên những trụ thép cuồn cuộn gió để vặn lại từng chiếc bulông.

Chứng kiến sức làm việc dẻo dai của lão công nhân đã sắp lục tuần, ngay cả những đồng nghiệp trẻ trung nhất cũng phải mắt tròn, mắt dẹt vì chưa từng thấy người nào ở tuổi ấy lại khỏe và bền sức đến thế. Ông cũng trở thành người anh lớn, sẵn sàng chia sẻ và động viên khi mọi người nản chí.

“Tôi luôn tự nhủ, mình là đàn anh trong nghề, phải mạnh mẽ, phải cứng rắn để truyền nhiệt cho tụi trẻ,” ông Tịnh thành thật.

Mở xong lối leo bộ, dự án chính thức bước vào giai đoạn then chốt. Lúc này, nhiệm vụ của tổ cơ khí là phải xây dựng bằng được một mặt sàn trên đỉnh cao 3.143m để đặt nền móng cho ga đến. Đây cũng là giai đoạn ông cùng đồng nghiệp đổ nhiều mồ hôi và công sức nhất trong toàn bộ dự án.

Nhớ lại quãng thời gian này, ông kể: “Làm việc trên đỉnh là một trải nghiệm rất khác. Gió Ô Quy Hồ từ sườn Lai Châu ngày đêm thốc thẳng tới khiến người đứng có khi còn... lung lay. Ban đầu, chúng tôi đưa ra phương án sẽ đổ sàn bằng bê tông. Nhưng sau nhiều lần bàn thảo và thực địa, ban lãnh đạo đã quyết định sẽ chuyển sang kết cấu cốt thép.”

Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới trao chứng nhận kỷ lục cho cáp treo Fansipan Sa Pa

Theo ông Tịnh, đây là quyết định hết sức sáng suốt và mang lại thành công lớn vì cùng khả năng chịu lực như nhau nhưng kết cấu thép nhẹ hơn nên quá trình vận chuyển lên đỉnh cũng sẽ nhanh hơn nhiều lần. Thay đổi mấu chốt này không chỉ tiết kiệm được gần 5 tỷ chi phí vận chuyển mà còn đưa cáp treo Fansipan về đích kịp với yêu cầu của ngày khai trương.

Lúc này, thời điểm khai trương tuyến cáp ngày càng tới gần. Sức ép thời gian khiến cho những người thợ cơ khí như bố Tịnh buộc phải căng mình ra. Để chống lại sức gió, ông buộc chặt mình vào dây bảo hiểm, treo mình vào vách đá để hàn từng khối thép. Mưa nắng trên đỉnh thất thường càng khiến cho công việc gian nan hơn bao giờ hết.

“Nhiều lúc tuyết rơi dày đặc buộc mình phải ngồi trong lều. Nhìn ra ngoài trời trắng xóa mà bứt rứt không chịu được,” ông Tịnh trầm ngâm.

Mừng nhất phải kể đến lúc sàn thép được thành hình. Những người thợ người khét lẹt hàn xì, mặt ngoang nguếch khói ôm chầm lấy nhau hò hét. Đỉnh núi lởm chởm nay đã được phủ mặt bằng rồi. Mừng quá, vui quá, những gã công nhân thậm chí còn hàn luôn tên mình lên sàn kim loại.

“Về sau, mặt sàn này lát gỗ lên trên nên tên của những người thợ chúng tôi bị che đi. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng rất tự hào vì đã được góp sức mình tạo nên công trình khó tin và kỳ vĩ ấy,” ông Tịnh khoe.

Vui là thế, nhưng trong suốt 3 năm gắn với đại ngàn Hoàng Liên, nỗi buồn với “ông già dựng cáp” cũng ngổn ngang chất đầy. Đó là những khi người em thân thiết, người đồng đội đã sát cánh với ông từ những công trình tận Nha Trang, Đà Nẵng... không may bị thương và vĩnh viễn trở  thành vị thần linh che chở cho đại công trình bắc qua thung lũng Mường Hoa. Đó còn là lúc chứng kiến những đồng nghiệp trẻ rơi rụng dần vì không kham nổi cái khốc liệt đến dữ dội của chốn rừng thiêng.

Câu chuyện đến đây bỗng rơi vào im lặng. Lão công nhân già thở dài, đôi mắt nhìn ra xa xăm. Ông bảo: Gần như cả cuộc đời ông đã gắn liền với cáp. Cáp trở thành mối duyên tình dai dẳng, đeo đuổi ông cho tới tận lúc này. Trong 9 năm, ông đã tham gia hoàn thành 6 tuyến cáp kỷ lục thế giới, một kỷ lục khó tin của lão công nhân cơ khí Sun Group trước ngưỡng lục tuần.  Đến cả lúc đã đủ tuổi về hưu, ông vẫn xin được ở lại Bà Nà với vị trí bảo dưỡng cáp.

“May là ông trời còn cho mình sức lực nên mình còn được gắn bó với những cabin đi đi, về về. Giờ nếu phải rời cáp, rời cột trụ, chắc tôi sẽ nhớ và buồn lắm,” lão chiến binh già mỉm cười nói.

Hoài Quốc

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở...

Có một điều kỳ lạ là hầu hết những kỹ sư, công nhân đã từng “ăn nằm” với rừng Hoàng Liên Sơn trong những ngày dựng cáp Fansipan đều tự nhận mình là người đã lỡ... mang hồn cáp. Cáp treo theo những cách rất riêng trở thành một phần máu thịt không thể tách rời của họ.

Sức hút từ trong gian khổ tưởng như “không sao chịu nổi” cũng chính là thứ đã tạo nên chất keo gắn bó mật thiết những con người từ mọi miền đất nước với cáp treo Fansipan; hình thành thứ “hồn cáp” riêng có cho nhiều thế hệ cán bộ, công nhân Sun Group.

Cựu kỹ sư trắc đạc Trịnh Văn Hà cũng là một người như thế. Là một trong những người đầu tiên có mặt tại Sa Pa vào năm 2013, anh đã trải qua giai đoạn sơ khai nhất của toàn bộ dự án.

“Đầu tháng 5 năm 2013, tôi được giao nhiệm vụ khảo sát tìm kiếm các phương án xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan. Theo yêu cầu của Lãnh đạo Tập đoàn, tuyến cáp treo này phải đi qua tất cả những đặc trưng của núi rừng nơi đây, như ruộng bậc thang, bản làng, sông suối, rừng chè, đỗ quyên, vân sam… Hai phương án cáp được cân nhắc, đó là cáp treo 1 dây và cáp treo 3 dây…,” anh Hà cho biết.

Để chuẩn bị cho chuyến đi rừng đầu tiên, nhóm của anh đã chuẩn bị từ nồi, niêu, xoong chảo đến muối, gạo... vì không thể hình dung được mình sẽ ở trong rừng bao lâu. Những chiếc ba lô chất đầy nặng đến cả chục kilogam được đặt lên vai những gã kỹ sư mảnh khảnh bắt đầu lừng lững tiến vào lòng núi mẹ.

Trong những ngày mở lối, vạch đường này, thời tiết và địa hình trở thành mối đe dọa thường trực với nhóm của Hà. Đường không còn tính bằng cây số mà được đếm bằng số con dốc, trảng rừng đã đi qua. Có những lúc bất thần gặp cơn mưa, cả đoàn run cầm cập, hành lý trên lưng bỗng dưng như hóa thành nặng cả... ngàn cân. 

Cực nhất phải kể đến giai đoạn trắc đạc để xác định vị trí cho các cột trụ chính của toàn tuyến cáp treo. Vào thời điểm ấy, đoàn kỹ sư sẽ buộc phải đi sâu hơn vào lõi rừng Hoàng Liên để tiếp cận các điểm có độ cao từ 1.800m đến hơn 3.000m. Để di chuyển qua vực và dốc đứng, những người mở lối buộc phải tự đóng thang bằng cây rừng hoặc buộc dây vào các gốc cây cổ thụ rồi đu mình vượt núi. Chuyện sảy chân trượt ngã, lăn lông lốc từ độ cao 1-2m xuống đất đã trở thành thứ gia vị quen thuộc với những gã người rừng trong những ngày ăn núi, nằm sương ấy. 

Do đặc thù công việc trong giai đoạn “vẽ xương sống” cho toàn bộ tuyến cáp về sau, đoàn khảo sát buộc phải “ngủ rừng nhiều hơn ở nhà”. Những “phòng ở” di động được họ dựng lên. Gọi là phòng cho sang, nhưng thực ra đó chỉ là những dãy lán dựng bằng tre nứa uốn cong thành mái vòm, phía trên được phủ sơ sài bởi lá cây và bạt dứa. Sau giờ làm việc, anh em đồng nghiệp quây quần lại với nhau trong ngôi nhà dã chiến ấy, tự an ủi với nhau bằng những bài hát  không đầu không cuối, những câu hỏi về gia đình, người thân mà chẳng thể có câu trả lời. 

“Công việc của chúng tôi bắt đầu từ 5 giờ sáng. Hai người trong nhóm dậy nấu cơm cho 2 bữa, bữa sáng có thêm tý canh, bữa trưa được gói vào túi nilon bên trên cùng là miếng thịt hay cá khô, đôi khi là muối vừng. 8 giờ sáng là ra khỏi lán, mỗi người lại mang máy móc, rựa, áo mưa, chai nước, đùm cơm phía sau. Chỉ có thế, tất cả chia làm nhiều nhóm rồi tản mát vào rừng để đo đạc,” anh Hà nhớ lại.

Rừng Hoàng Liên ngày ấy hầu như không có dấu chân người. Càng đi sâu, cây càng rậm rạp. Có đoạn, cỏ voi mọc vượt quá đầu người, che chắn toàn bộ tầm nhìn của đoàn khảo sát. Vì vậy, chuyện bỗng dưng... bị lạc cũng nhiều như cơm bữa. 

Anh Hà kể lại: “Có lần, tôi và anh Hằng [Một thành viên khác trong đoàn khảo sát – PV] di chuyển về lán lúc 3 giờ chiều. Mặc dù đã đánh dấu điểm xuất phát bằng một thân cây to người bản địa hạ xuống làm quan tài, nhưng đi hơn 1 giờ di chuyển, chúng tôi lại quay lại đúng điểm đó. Một hơi lạnh chạy dọc theo sống lưng. Chúng tôi quyết định không đi theo suối mà trèo qua ngọn núi cắt rừng về lán…”

Khi được hỏi điều gì khiến anh nhớ nhất trong những ngày mở lối kéo cáp, người kỹ sư trắc địa  bảo: Đó có lẽ là những phát minh không giống ai. Ấy là khi đi rừng, cả nhóm truyền tai nhau dùng băng vệ sinh phụ nữ để lót ủng để chân khô và ấm hơn. 

“Nhưng khổ nhất là lúc đi mua cái thứ chỉ dành cho phụ nữ ấy, người thông cảm thì nói “thương vợ thế”, kẻ ác ý nhìn từ đầu đến chân rồi nhạo “đồ bệnh hoạn”. Chúng tôi chỉ biết cười trừ,” Hà trào phúng.

Vĩ thanh

Về sau này, khi đã rời xa công trình thế kỷ mang tên cáp treo Fansipan, cả bố Tịnh, anh Hà và Võ Hoài Quốc cũng như hàng trăm kỹ sư, công nhân khác không ai bảo ai đều mang trong mình một phần “hồn cáp”. Cáp trở thành máu thịt, gắn chặt với cuộc đời của mỗi người.

Trịnh Văn Hà tới Tây Ninh với vai trò trưởng ban quản lý cáp treo. Bố Tịnh ở tuổi 62 vẫn miệt mài với các cột trụ, cabin của Bà Nà Hills. Quốc thì xuôi về Cát Bà và vẫn giữ vai trò giám sát trắc đạc. Cả ba đều hiếm còn có dịp để quay lại chốn xưa khi nhịp làm việc hối hả cuốn họ đi mỗi người một hướng.  Thế nhưng, trong những lúc rảnh rỗi, họ vẫn gọi điện cho nhau, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn hiện tại. Những năm tháng khó khăn và khốc liệt ngày nào lại đã ăn sâu vào máu thịt họ, trở thành một thứ hồn cốt, một sợi dây nối những con người, số phận từ khắp nơi lại thành một mối. 

Về sau, khi tổng kết lại trong một hồi ký của mình, Võ Hoài Quốc đã viết: “Nhìn lại những gì đã qua, tôi mới thấy sức hút của công trình cáp treo này. Nó cũng kéo theo những kỷ lục âm thầm. Với riêng chúng tôi, khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tất cả cũng đã cùng nhau tạo nên một hành trình kỳ tích..”

Và, họ tự gọi mình là những người mang nặng hồn cáp treo.

P.V

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top